(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, số vụ ly hôn do tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh thụ lý ngày càng tăng. Đây là tình trạng báo động và ngày càng trở nên phổ biến ở những cặp vợ chồng trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi sợi dây gắn kết hôn nhân mong manh

Trong những năm gần đây, số vụ ly hôn do tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh thụ lý ngày càng tăng. Đây là tình trạng báo động và ngày càng trở nên phổ biến ở những cặp vợ chồng trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Từ sự hợp, tan của hai con người

Có muôn vàn lý do để các cặp vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa ly hôn. Nguyên nhân chủ yếu thường là bất đồng trong đời sống, ngoại tình, kinh tế và bạo lực gia đình. Do không tìm hiểu nhau kỹ trong thời gian yêu nên khi bước vào cuộc sống hôn nhân, những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh và càng để lâu thì sự bùng nổ càng lớn và ly hôn là điều không tránh khỏi.

Theo thống kê của TAND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, tòa án hai cấp đã thụ lý 3.605 vụ, việc hôn nhân, gia đình, trong đó sơ thẩm 3.557 vụ, việc; phúc thẩm 48 vụ, việc, tăng 19,3% (585 vụ) so với cùng kỳ. Đã giải quyết 2.756 vụ, việc, tỷ lệ giải quyết 76,4%. Cấp tỉnh, thụ lý sơ thẩm và phúc thẩm 63 vụ, việc; đã giải quyết 50 vụ, việc, tỷ lệ giải quyết đạt 79,3%; cấp huyện thụ lý 3.542 vụ, việc, đã giải quyết 2.706 vụ, việc, tỷ lệ giải quyết đạt 76,4%.

Cũng theo TAND tỉnh, nguyên nhân ly hôn chiếm tỷ lệ cao là do mâu thuẫn gia đình 1.926 vụ (54,1%); nghiện hút, cờ bạc 233 vụ (6,2%); ngoại tình 84 vụ (2,3%); đánh đập, ngược đãi 94 vụ (2,6%). Nguyên nhân của tình trạng ly hôn tăng chủ yếu tập trung vào những người trẻ, do người dân ở các địa phương đi làm ăn xa nhà, trong dịp tết về xin ly hôn. Mặt khác, do bộ phận thanh niên hiện nay có lối sống thực dụng, ích kỷ, không có ý thức gìn giữ truyền thống gia đình. Trong xét xử án hôn nhân gia đình, tòa án hai cấp đã chú trọng công tác hòa giải để vợ chồng về đoàn tụ hoặc tự thỏa thuận với nhau về các yêu cầu khởi kiện. Qua hòa giải, số đương sự rút đơn xin ly hôn tiếp tục về chung sống là 149 vụ; tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự 1.850 vụ.

Tại xã H.P., huyện H.H, trong khoảng 5 năm lại đây, đã có hàng chục vụ ly hôn. Đáng nói, những vụ ly hôn trên toàn là những cặp vợ chồng trẻ, có cặp vợ chồng chỉ mới kết hôn được một tháng đã đưa nhau ra tòa.

Kể về cuộc hôn nhân tan vỡ của mình, chị Ng.T.D. (Hoằng Hóa) cho biết: Chị lấy chồng năm 23 tuổi. Anh, chị quen nhau khi chị đang làm việc cho một khách sạn tại TP Thanh Hóa. Yêu nhau, gia đình chị không đồng ý. Thế nhưng chị vẫn kiên quyết lấy anh. Cuộc sống vợ chồng trẻ nhiều mâu thuẫn, trong khi đó, anh không chịu đi làm lo cho cuộc sống gia đình. Không chịu nổi cuộc sống vợ chồng như vậy, chị ôm con về nhà mẹ đẻ rồi đưa đơn ra tòa ly dị. Chị được quyền nuôi con. Đến nay, con trai chị cũng đã 9 tuổi. Cuộc sống của 2 mẹ con nhiều vất vả, thế nhưng, khi hỏi chị có ân hận khi ký vào lá đơn ly hôn, chị khẳng định rằng không, mà chỉ ân hận khi kết hôn còn suy nghĩ bồng bột, chưa tìm hiểu kỹ về lối sống, tính cách của người chồng.

Là cán bộ quản lý một trường THPT, chị Đ.Ng.T. (TP Thanh Hóa) cũng ly hôn đã vài năm nay. Tâm sự về chuyện riêng của mình, đôi mắt chị không giấu được nỗi buồn phiền, chị kể: Vợ chồng chị từng yêu nhau nhiều năm khi còn học đại học. Sau khi ra trường, hai người kết hôn rồi lần lượt chào đón 2 cô con gái. Những tưởng cuộc hôn nhân sẽ mãi hạnh phúc khi công việc của 2 vợ chồng ổn định. Thế nhưng, anh đi làm ăn xa rồi có người phụ nữ khác. Chị quyết định ly thân, do thương các con và không muốn các con chịu thiệt thòi, chị không muốn ra tòa ly hôn. Cuộc hôn nhân “hữu danh vô thực” ấy cứ kéo dài đến gần mười năm. Gần đây, khi các con đã lớn chị mới quyết định ly hôn để giải thoát cho cả hai người.

Đến những hệ lụy cho gia đình, xã hội

Ly hôn là dấu chấm hết cho quan hệ vợ chồng nhưng đó không chỉ đơn giản là chuyện của 2 người. Ở đó còn có những đứa trẻ. Những đứa trẻ hậu ly hôn đang phải gánh những hậu quả khôn lường kể từ khi bố mẹ chúng đặt bút ký vào lá đơn ly hôn.

Bà L.T.H. (TP Thanh Hóa), tâm sự: Con trai bà kết hôn khi mới 22 tuổi. Cái tuổi vẫn còn chưa đủ suy nghĩ chín chắn để chuẩn bị vun đắp cho một gia đình riêng. Rồi, cả 2 vợ chồng trẻ không ai vượt qua “cái tôi” của mình khi bất đồng trong suy nghĩ và lối sống. Quyết định chia tay nhau cũng chóng vánh như lúc quyết định gắn kết hôn nhân cùng nhau. Hai đứa trẻ còn nhỏ bị chia cắt khi tòa phân xử một ở với bố, một ở cùng mẹ. Thương cháu, bà chỉ biết giấu những giọt nước mắt rồi nhìn theo sau đứa cháu nhỏ được mẹ bế đi, còn đứa lớn khóc quặn trên tay bố đòi theo mẹ. “Bố mẹ chia tay, các cháu thiệt thòi vì thiếu sự chăm sóc, quan tâm, yêu thương của cả bố và mẹ. Hiện nay, con trai tôi đã đi bước nữa, cháu lớn chủ yếu ở với ông bà. Mặc dù ông bà cố gắng dành hết tình yêu thương cho cháu nhưng vẫn không thể bù đắp được sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Sự tổn thương về tinh thần khiến cháu trầm tư và ít nói hơn. Nhìn cháu tôi đau lòng lắm nhưng chẳng thể làm gì” – bà H. chia sẻ.

Luật sư Lê Thị Phượng, Công ty Luật hợp danh Hoàng Gia (TP Thanh Hóa) cho biết: Khi hôn nhân tan vỡ, những đứa trẻ là đối tượng chịu tổn thương nhất. Khi các cháu chưa đến tuổi trưởng thành, buộc tòa phải xác định quyền nuôi con cho bố hoặc mẹ. Nhiều trường hợp bố mẹ tranh giành nhau quyền nuôi con khiến đứa trẻ bị đặt vào tình thế buộc phải lựa chọn bố hoặc mẹ. Sau ly hôn, cũng có nhiều đứa trẻ không sống với cả bố và mẹ. Thiếu sự chăm sóc, giáo dục của bố và mẹ, nhiều đứa trẻ trở nên hư hỏng, để lại hệ lụy xấu cho xã hội.

Em L.V. B. (Hoằng Hóa), ở với ông bà nội từ nhỏ do bố mẹ ly hôn. Sau khi ly hôn, bố mẹ B. đều đi làm ăn xa và có cuộc sống riêng, ít quan tâm đến B. Hàng năm, bố, mẹ chỉ về thăm B. một đến hai lần. Thiếu vắng tình cảm, sự quản lý, giáo dục của bố mẹ, B. không chịu học hành mà suốt ngày theo bạn bè chơi bời, nghiện game. Anh L.V.Th. chú ruột của B. tâm sự: Năm nay B. đang học lớp 11, để quản lý B. gia đình đã đưa cháu lên thành phố ở cùng. Tuy nhiên, cháu vẫn không chú tâm học hành mà thường xuyên tụ tập bạn bè trốn học vào các quán điện tử chơi game.

Trong xu thế hội nhập, cuộc sống gia đình cởi mở hơn, “thoáng hơn”, song cùng với đó, giá trị đạo đức truyền thống trong mỗi gia đình dường như cũng đang dần bị phá vỡ. Bên cạnh đó, quan niệm của giới trẻ về cuộc hôn nhân cũng thay đổi: Thích thì kết hôn, không thích thì ly hôn... khiến sự gắn kết hôn nhân ngày càng mong manh. Ly hôn có thể giúp cho hai vợ chồng giải thoát để tìm cuộc sống mới, nhưng ly hôn cũng sẽ làm tổn thương những người trong cuộc, đặc biệt là những thương tổn về mặt tâm lý, tình cảm và cuộc sống của trẻ vị thành niên.

Theo thống kê, hàng tháng, Công ty Luật hợp danh Hoàng Gia tham gia giải quyết khoảng 10 vụ ly hôn. Đối tượng ly hôn phần lớn là những người có tuổi đời trẻ. Họ kết hôn khi tuổi đời còn quá trẻ, công việc chưa ổn định, thiếu kiến thức ứng xử trong gia đình, giải quyết mâu thuẫn... thì ly hôn là hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, hậu ly hôn, bố mẹ vẫn phải có trách nhiệm cùng nhau chăm sóc, nuôi dạy con cái để trẻ em bớt hụt hẫng về tinh thần, giữ được thăng bằng trong cuộc sống.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy, chia sẻ: Ly hôn ngày càng tăng trong giới trẻ hiện nay một phần là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, khiến giới trẻ có lối sống ưa thụ hưởng, ngại cống hiến, sống theo trào lưu, không quan tâm đến truyền thống gia đình... Xây dựng hạnh phúc gia đình cần sự quan tâm, trách nhiệm của tất cả các thành viên trong gia đình. Trong đó, người phụ nữ là người “giữ lửa” cho gia đình, phải có kiến thức xây dựng cuộc sống gia đình, phải rèn luyện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ thời hiện đại mới với sự tự tin, tự trọng, trung hậu đảm đang, chung thủy, yêu thương chồng con hết mực; tham gia phát triển kinh tế, nuôi dạy con, cùng chồng xây dựng gia đình bền vững. Ly hôn để lại những hệ lụy cho gia đình, xã hội, thế hệ tương lai... Để xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm tỷ lệ ly hôn, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội để các bạn trẻ sớm nhận thức đúng đắn về cuộc sống hôn nhân gia đình. Bên cạnh đó, khi đã tiến đến hôn nhân, các cặp vợ chồng cần nhận thức rõ được vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]