(Baothanhhoa.vn) - Trong khi nhiều lao động, công nhân, ngay sau tết phải “cấp tốc” tìm hoặc giữ công việc thì riêng người giúp việc (NGV) không những không lo thất nghiệp mà còn “có giá” hơn. Đây là một thực tế, bởi cuộc sống hiện đại, bận rộn, nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng “không thể duy trì nếu thiếu NGV”. Bởi thế, để lo giữ chân NGV trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, trước đó nhiều tháng, không ít gia đình đã phải treo thưởng tiền tết hậu hĩnh, hứa hẹn tăng lương... Tuy nhiên, không ít gia đình vẫn rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì NGV lỗi hẹn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khan hiếm người giúp việc sau tết

Trong khi nhiều lao động, công nhân, ngay sau tết phải “cấp tốc” tìm hoặc giữ công việc thì riêng người giúp việc (NGV) không những không lo thất nghiệp mà còn “có giá” hơn. Đây là một thực tế, bởi cuộc sống hiện đại, bận rộn, nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng “không thể duy trì nếu thiếu NGV”. Bởi thế, để lo giữ chân NGV trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, trước đó nhiều tháng, không ít gia đình đã phải treo thưởng tiền tết hậu hĩnh, hứa hẹn tăng lương... Tuy nhiên, không ít gia đình vẫn rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì NGV lỗi hẹn.

Khan hiếm người giúp việc sau tết

Sau tết lực lượng lao động giúp việc trở nên khan hiếm.

Sau tết, nhiều gia đình tiếp tục lao đao chuyện tìm NGV, bởi nhiều “ô-sin” về quê nghỉ tết đã “một đi không trở lại”. Chị Hương - tiểu thương ở chợ rau – củ - quả thực phẩm, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) cho hay: “NGV nhà mình xin về quê từ 28 tết, hứa mùng 4 sẽ quay trở lại, ấy vậy mà đến giờ vẫn không thấy tăm hơi! Cô ấy thạo việc nhà, ra chợ lại nhanh nhẹn, tôi rất ưng ý. Gọi điện năm lần bảy lượt, cô ấy chỉ hẹn tới hẹn lui, xin được nghỉ đến qua rằm tháng giêng với lý do lâu lâu mới về, gia đình chưa cho đi làm lại! Không có NGV, tôi bù đầu với công việc...”. Chị Lê Thị Hương đã tính phương án tìm NGV khác thay thế nhưng lại ngại không tìm được người thạo việc nên đành phải gồng mình “làm ô-sin tạm thời cho cả nhà”, như lời chị nói vui. Tương tự như chị Hương, chị Trịnh Thị Phương, thị xã Bỉm Sơn kể: Mới đầu năm mà vợ chồng đã cãi nhau vì không có người trông con, trong khi công việc của cả hai không thể bỏ được. NGV trước tết đã đòi về sớm, hứa sẽ lên đúng hẹn, nhưng đến mùng 6 vẫn chưa thấy đâu. Gọi điện, thì nhận được câu trả lời: “Chồng cô ốm, chưa thể lên được”. Mình đã nhờ nhiều người tìm giúp nhưng vẫn chưa có kết quả, cuối cùng đành thuê một người làm việc theo giờ.

Câu chuyện ấy đang xảy ra với không ít gia đình khi NGV bỏ việc hoặc lên quá muộn so với lịch làm việc. Đây là tình trạng năm nào cũng xảy ra khi lượng lao động giúp việc “biết nghề” ít, mà nhu cầu lại tăng cao. Từ đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh không chỉ bằng lương, thưởng mà còn cả điều kiện ăn ở, công việc nặng nhẹ, thái độ của gia chủ... Nhiều NGV lấy lý do không trở lại gia đình cũ bởi đã tìm được nơi mới lương tốt hơn. Rồi tình trạng thiếu chuyên nghiệp, “thích thì làm, không thích thì nghỉ” của NGV cũng khiến các gia đình mệt mỏi. Ví như trường hợp của chị Mai Thị Lan, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa), NGV xin về quê trước tết 1 tháng vẫn chưa trở lại, mặc dù chị đã “huy động” mọi mối quan hệ ở quê để tìm NGV mới nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Chị Lan rầu rĩ: “Nhà có người già hay đau ốm, công việc của vợ chồng mình lại quá bận rộn nên rất cần có NGV. Thật ra, cũng có người đến nhận việc nhưng làm không hiệu quả, mình chưa thật ưng ý...”. Có nhiều trường hợp, vì quá nôn nóng muốn có NGV nên một số gia đình đành nhận đại, với hy vọng sẽ “đào tạo, huấn luyện” để NGV phục vụ tốt hơn. Nhưng hậu quả thì ngược lại, như chị Trần Thị Đào, phường An Hoạch (TP Thanh Hóa), sau tết, chị giúp việc về quê ở hẳn vì chồng lâm bệnh nặng. Chị này giới thiệu một NGV khác cho gia chủ. Có người bệnh trong nhà, công việc lại bận rộn nên chị Đào đồng ý ngay. Nhưng NGV mới này vốn chỉ biết làm ruộng, chưa từng giúp việc nhà nên không biết sử dụng các thiết bị gia dụng hiện đại. Mới làm được vài ngày, NGV đã khiến chiếc máy giặt của nhà chị “bò lành thành bò què”! Chưa kể hàng loạt công việc đơn giản khác, gia chủ phải chỉ dẫn từng ly từng tý. “Không có ô-sin cũng mệt, mà có cũng chẳng nhàn hơn” là kết luận của nhiều gia chủ khi không tìm được NGV ưng ý. Có trường hợp, chủ nhà dặn một đằng, ô-sin làm một nẻo, sai rồi mà còn cãi nhem nhẻm; bị la mắng là lập tức gây “chiến tranh lạnh” mấy ngày. Có ô-sin biết gia chủ đang trong thế cần NGV nên “làm mình làm mẩy” đòi tăng lương, dọa đi kiếm việc nơi khác.

Trong vai một người có nhu cầu tìm NGV, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Xúc tiến Thương mại Danh Việt, tại 22 Lương Thế Vinh, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa), nơi đây chuyên cung cấp các dịch vụ vệ sinh nhà cửa, cơ quan, trường học và cung cấp giúp việc gia đình theo ngày, theo giờ, theo tháng... Chị Phạm Thị Huyền, chủ cơ sở cho biết: Có rất nhiều người tìm đến đây để đăng ký tìm NGV, đa số các gia đình cần tìm người ăn, ở tại nhà, nhưng hiện những người đăng ký đi làm giúp việc gia đình tại công ty không còn một ai, chắc phải ngoài rằm tháng giêng mới có câu trả lời cho các gia đình. Hiện tại công ty không còn NGV. Không riêng gì tại Công ty Danh Việt, mà tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm, công ty chuyên cung cấp NGV đều trong tình trạng “cháy” NGV.

Có thể nói, sau tết, tình hình khan hiếm lao động trở nên phổ biến. Ngoài các đối tượng như: Nhân viên phục vụ, lái xe, kế toán, lễ tân, giao hàng..., NGV có lượng “cầu” khá lớn. Hầu hết các gia đình có NGV đều mong muốn nhanh chóng có người thay thế khi NGV nghỉ hẳn sau tết vì nhiều lý do. Hiện nay, giá thuê NGV khá cao, trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/tháng đối với gia đình có con nhỏ hoặc người già và 3 - 4 triệu đồng/tháng đối với gia đình chỉ cần giúp việc nhà. Chưa kể, hiện có những NGV được đánh giá là biết việc, chịu khó đã “đòi” 5-6 triệu đồng/tháng, chủ nhà bao cơm ăn, chỗ ở, tiền tàu xe, đi lại... Đồng thời, hiện cũng thịnh hành hình thức thuê NGV theo giờ với mức từ 100.000 - 150.000 đồng/buổi. Các đối tượng này chỉ nhận hợp đồng dọn dẹp nhà cửa, thi thoảng mới có người nhận trông trẻ nửa ngày. Đây cũng là lực lượng được nhiều gia đình hướng tới trong những ngày đầu năm.

Mặc dù NGV đã thành một nhu cầu phổ biến với nhiều gia đình, một nghề trong xã hội nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp. Sự xuất hiện của những trung tâm môi giới thời gian qua chưa có nhiều đóng góp trong việc chuyên nghiệp hóa nghề này mà đôi lúc còn khiến cho thị trường lao động giúp việc trở nên rối rắm. Chính vì thế, việc gia chủ không tôn trọng NGV, NGV không tôn trọng hợp đồng liên tục diễn ra, khiến nhiều người vẫn có cái nhìn không đúng về nghề. Trong khi đó, việc hướng tới công nhận NGV làm một nghề chuyên nghiệp vẫn đang “tắc” ở khâu đề xuất và tranh cãi, khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng tới chủ sử dụng lao động và người lao động phải có ký kết hợp đồng, trong đó có điều khoản về lương tối thiểu, thời giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động...

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài Và Ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]