(Baothanhhoa.vn) - Phát hiện mình thuộc nhóm máu Rh- khi mang thai đứa con đầu, chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai (TP Thanh Hóa) rất lo lắng, nhưng khi tìm hiểu, nghiên cứu, chị đã hiểu về nhóm máu của mình và tích cực tham gia hiến máu hiếm để cứu người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết nối những giọt máu hiếm

Kết nối những giọt máu hiếm

Các thành viên câu lạc bộ nhóm máu hiếm.

Phát hiện mình thuộc nhóm máu Rh- khi mang thai đứa con đầu, chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai (TP Thanh Hóa) rất lo lắng, nhưng khi tìm hiểu, nghiên cứu, chị đã hiểu về nhóm máu của mình và tích cực tham gia hiến máu hiếm để cứu người.

Chị Mai cho biết, những người thuộc nhóm máu hiếm mà có sự cố gì cần truyền máu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những người có nhóm máu bình thường khác. Vì vậy, tôi đã chủ động liên kết với các câu lạc bộ (CLB) nhóm máu hiếm trên cả nước để chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau khi cần. Nhớ về một lần hiến máu cho sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh, chị Mai chia sẻ: Mỗi lần trợ giúp, nhìn thấy bệnh nhân được an toàn phục hồi sau khi được truyền máu, tôi thấy mừng cho họ và cũng mừng cho bản thân vì biết đâu sau này mình lại cần sự giúp đỡ của chính những người mang nhóm máu hiếm này.

Sau khi tham gia buổi hiến máu tình nguyện được tổ chức tại trường đại học, bạn Đồng Thị Huệ (Tĩnh Gia) biết được mình mang nhóm máu hiếm. Huệ đã nhanh chóng tìm hiểu về nhóm máu hiếm Rh- và liên kết với các nhóm máu hiếm trên toàn quốc. Đến giữa năm 2018, khi biết được Thanh Hóa thành lập CLB nhóm máu hiếm, Huệ đã đăng ký tham gia để có thể giao lưu và tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng máu hiếm. Huệ cho biết, bất cứ khi nào có kêu gọi hiến máu cho bệnh nhân, không chỉ riêng Huệ mà tất cả anh chị em mang nhóm máu hiếm đều không quản ngại xa xôi, nhanh chóng thu xếp công việc để tham gia hiến máu. Huệ nhớ lại: Có lần cô nhận được kêu gọi hiến máu cho bệnh nhân Nguyễn Thanh Sơn (Tĩnh Gia) mang nhóm máu hiếm đang cấp cứu, bị mất máu cần mổ gấp tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Dù sống và học tập tại TP Thanh Hóa nhưng không hề do dự, Huệ và hai bạn nữa cùng đón xe đến Bệnh viện Việt Đức để thực hiện các thủ tục để hiến máu. Huệ cho biết, cả nhóm rất vui khi giọt máu của mình có thể mang lại sự sống cho người khác. Nhờ được cho máu từ cộng đồng những người mang nhóm máu hiếm, bạn Nguyễn Thanh Sơn (Tĩnh Gia) đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sơn chia sẻ: Khi phát hiện tôi mang nhóm máu hiếm lại đang trong tình trạng nguy hiểm gia đình tôi rất hoang mang và tuyệt vọng. May mắn thay, nhờ các CLB nhóm máu hiếm trên cả nước đã có 11 người đến hiến máu cho tôi. Sau 4 lần phẫu thuật thành công, sức khỏe tôi đã dần bình phục. Sơn cho biết, sau khi sức khỏe hoàn toàn bình phục Sơn sẽ tham gia vào CLB nhóm máu hiếm để gặp lại những người cứu mình và có thể hiến những giọt máu của mình để mang lại sự sống cho người khác.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thạch, Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh, mỗi người được đặc trưng bằng một nhóm máu: A, B, O và AB. Ngoài ra, trong mỗi nhóm máu còn có kháng nguyên Rhesus (Rh). Nếu trong máu có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh dương tính (+), nếu không có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh âm tính (-). Ở Việt Nam, nhóm máu có kháng nguyên Rh- rất ít gặp, thường được gọi là nhóm máu hiếm, chiếm tỷ lệ 0,04% đến 0,07% dân số. Đặc điểm của nhóm máu Rh- là có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh+ hoặc Rh- nhưng chỉ nhận được người có nhóm máu Rh-. Nếu người mang nhóm máu Rh- không được truyền đúng nhóm máu có thể dẫn đến những tai biến nguy hiểm. Vì vậy, những người mang nhóm máu hiếm đều hiểu lúc cần, chỉ những người mang máu hiếm Rh- mới có thể hiến máu cứu nhau nên ai cũng tự giác, sẵn sàng tâm thế hiến máu cứu người. Cũng theo bác sĩ Thạch, nhóm máu hiếm chỉ là một đặc tính di truyền, giống như màu da, màu tóc, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nhằm giúp cho người nhóm máu hiếm Rh- kết nối lại trong cùng một cộng đồng, từ năm 2018, Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh thành lập CLB nhóm máu hiếm. Đây là nơi gặp gỡ, chia sẻ của người nhóm máu hiếm trên địa bàn tỉnh, đồng thời là đầu mối nhanh chóng liên hệ với nguồn hiến tặng khi bệnh nhân cần truyền máu khẩn cấp. Ban đầu, CLB có 18 thành viên tham gia đến nay đã có gần 40 người tham gia thường xuyên, trao đổi thông tin và luôn sẵn sàng hiến máu cứu người. Nhờ đó, hơn 1 năm hoạt động các thành viên đã hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp khẩn cấp. Điển hình như khi CLB có thành viên sinh tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, các thành viên còn lại đã “trực” sẵn ở trung tâm huyết học và truyền máu để hiến máu ngay khi có nhu cầu. Không chỉ giúp các thành viên trong CLB, mà những thành viên trong CLB nhóm máu hiếm còn mang lại niềm vui cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo trên địa bàn tỉnh. Như ông Trần Trọng Thúy (Quảng Xương), bị suy thận nhưng do mang nhóm máu hiếm nên mỗi lần chạy thận vợ ông lại phải ra Hà Nội để mua máu. Bà Trịnh Thị Diệp, vợ ông Thúy cho hay, đến giữa năm 2018, khi CLB nhóm máu hiếm được thành lập tại Thanh Hóa, mỗi lần ông chạy thận bà không phải ra Hà Nội nữa mà có người đến hiến máu cho ông, gia đình rất vui mừng. Được biết, ngoài những trường hợp đột xuất, nhiều thành viên CLB còn tham gia hiến máu tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh và hiến máu nhân đạo tại địa phương.

Ông Lê Xuân Hảo, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh cho biết: Việc thành lập và mở rộng CLB nhóm máu hiếm là điều rất cần thiết. CLB nhóm máu hiếm được thành lập nhằm có thể huy động được nguồn máu hiếm khi người bệnh có sự cố xảy ra, đồng thời giúp các thành viên của CLB hiểu được nhóm máu của mình, kêu gọi những người có nhóm máu Rh- nên tham gia CLB nhóm máu hiếm để trợ giúp cho các thành viên khác và cũng là cách giúp chính mình.

Thùy Linh


Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]