(Baothanhhoa.vn) - Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” ở huyện Yên Định được thể hiện thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo cho thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, việc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Đến nay, 100% hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú; 100% xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Yên Định: Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” ở huyện Yên Định được thể hiện thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo cho thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, việc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Đến nay, 100% hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú; 100% xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Huyện Yên Định: Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thị trấn Quán Lào được đầu tư xây dựng trị giá hàng tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vận động, xã hội hóa.

Ông Lê Công Luyện, Chủ tịch UBND thị trấn Quán Lào, chia sẻ: Việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh già yếu, ốm đau được địa phương thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định. Chẳng hạn, thăm hỏi đối tượng phải nằm viện điều trị là 300.000 đồng; phúng viếng khi đối tượng qua đời bằng 1 vòng hoa và 300.000 đồng. Bên cạnh đó, thị trấn cũng thực hiện tốt, kịp thời các chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến; chế độ điều dưỡng tập trung và tại gia đình cho đối tượng là thương binh nặng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ và các chế độ khác... Riêng 6 tháng đầu năm 2020, thị trấn đã hỗ trợ cho 7 hộ gia đình người có công sửa chữa, nâng cấp nhà, mỗi hộ 10 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thị trấn tổ chức đoàn đi tặng quà cho 314 gia đình chính sách, người có công. Và trong tháng 7 nghĩa tình này, thị trấn đã lên kế hoạch tặng quà, trao trực tiếp cho 100% đối tượng chính sách, người có công, mỗi suất quà trị giá 100.000 đồng. Cũng từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các nguồn lực huy động xã hội hóa, năm 2012 thị trấn đã xây nhà bia tưởng niệm với trị giá trên 2,7 tỷ đồng. Năm 2017 tiếp tục xây nhà tưởng niệm với tổng trị giá 5 tỷ đồng, trong đó có nhiều cá nhân, tập thể ủng hộ lên đến hàng trăm triệu đồng. Điển hình là hộ ông Lê Đình Chiến ở thôn Thiết Đinh ủng hộ 100 triệu đồng cộng với 100 tấn xi măng và bức cuốn thư bằng đá; ông Lê Đình Chính ở thôn Thiết Đinh ủng hộ 30 triệu đồng; ông Trịnh Đăng Hùng, Hội đồng hương TP Thanh Hóa ủng hộ 20 triệu đồng...

Cùng với thị trấn, Quý Lộc cũng là một trong những xã thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và luôn đi đầu trong phong trào vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Những năm qua, ngoài thực hiện tốt việc quản lý chi trả trợ cấp đến tận tay đối tượng, từ năm 2013 đến nay, xã Quý Lộc đã vận động Nhân dân đóng góp quỹ được trên 200 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này xã đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho hàng chục hộ gia đình chính sách và tổ chức tốt phong trào tình nghĩa khác. Qua đó, khơi dậy truyền thống cách mạng và sự sẻ chia của cộng đồng đối với người có công với cách mạng. Do thực hiện tốt chính sách người có công nên xã Quý Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen xã đạt thành tích xuất sắc trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Huy động các nguồn lực xã hội là 1 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Theo đó nhiều doanh nghiệp ngoài việc phát triển kinh doanh đã thường xuyên quan tâm đến các phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ; xây nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; tạo việc làm cho con thương, bệnh binh, con liệt sĩ và người có công với cách mạng với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình là Công ty CP Thương mại Thiệu Yên, Công ty CP Thương mại Hùng Cường... Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới, nhiều gương thương, bệnh binh trở về địa phương phát triển kinh tế, trở thành giám đốc các doanh nghiệp, bệnh viện, chủ các trang trại, gia trại làm giàu cho gia đình và xã hội.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, huyện Yên Định có 25.446 người đi bộ đội, 2.196 người đi thanh niên xung phong, hàng chục vạn lượt người đi dân công hỏa tuyến và đã có 3.136 người con huyện Yên Định anh dũng hy sinh; trên 3.000 người là thương, bệnh binh đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường, 229 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 8 mẹ còn sống), 7 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 Anh hùng Lao động, 123 người được cấp bằng có công với nước. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “tri ân các anh hùng liệt sĩ”, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, cùng với thực hiện cấp tiền và quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, huyện Yên Định đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm như tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện và tượng đài Bác Hồ tại xã Yên Trường. Vào tối ngày 27-7 hằng năm UBND huyện phối hợp với đoàn thanh niên và các nhà chùa tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Ngoài ra, huyện còn thành lập từ 8 đến 9 đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng. Riêng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã có 16.728 đối tượng được tặng quà với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng, trong đó quà của Chủ tịch nước là 5.512 suất, quà của tỉnh là 5.533 suất, quà của huyện là 171 suất và quà của các xã, thị trấn ước tính 5.512 suất. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, huyện đã thực hiện trợ cấp ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho 61 học sinh, sinh viên là con đẻ của người có công với cách mạng, với số tiền trên 390 triệu đồng.

Phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi được các cấp, ngành, đoàn thể và Nhân dân đặc biệt quan tâm và chăm lo cả về đời sống vật chất và tinh thần. Ông Lê Văn Long, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện chia sẻ: Đến nay toàn huyện đã tặng trên 500 sổ tiết kiệm, với kinh phí gần 1 tỷ đồng. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị, trường học nhận phụng dưỡng suốt đời, với mức 500.000 đồng/người/tháng. Việc tổ chức lễ đón hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến về an táng tại nghĩa trang quê nhà và dòng họ được huyện, xã tổ chức chu đáo, trang nghiêm, đúng quy định. Công tác chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ và các nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại 26/26 xã, thị trấn luôn được chú trọng. Qua đó góp phần khơi dậy truyền thống cách mạng, tình cảm nhân ái, thủy chung của mọi người, mọi thế hệ đối với người có công với cách mạng.

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài Và Ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]