(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, việc thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, không chỉ giúp huyện Yên Định giải được bài toán “ly hương” của người lao động, mà còn góp phần tạo “cần câu”, để họ gắn bó và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Yên Định: Khi lao động không phải “ly hương” tìm việc

Những năm gần đây, việc thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, không chỉ giúp huyện Yên Định giải được bài toán “ly hương” của người lao động, mà còn góp phần tạo “cần câu”, để họ gắn bó và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Huyện Yên Định: Khi lao động không phải “ly hương” tìm việc

Nhà máy gạch Định Liên đã và đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Không còn cảnh khăn gói đi làm ăn xa như những năm trước, chị Nguyễn Thị Hoa, 42 tuổi, xã Định Tường (nay là thị trấn Quán Lào) đã có thể tìm được việc làm ngay tại quê hương mình. Chị Hoa chia sẻ: “Tôi làm công nhân cho Công ty TNHH JASAN Việt Nam đóng trên địa bàn thị trấn, với mức lương trung bình trên 5 triệu đồng/tháng. Có việc làm ở gần nhà, đỡ lo chuyện tàu xe mỗi độ tết đến, xuân về, mà còn ở gần bố mẹ, rồi chăm sóc, nuôi dạy con cái nên tôi rất yên tâm. Hơn nữa, ở tuổi tôi, tìm được việc làm ổn định thực sự là rất khó, bởi cũng không có nhiều công ty tuyển dụng lao động ngoài 40 tuổi”.

Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư như: tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự, cải cách thủ tục hành chính..., nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn thị trấn Quán Lào. Ông Nguyễn Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quán Lào, cho biết: Hiện, toàn thị trấn có 96 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn, đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức lương dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như Công ty TNHH JASAN Việt Nam đã đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sản xuất tất xuất khẩu, với sản lượng 100 triệu tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 1.500 lao động. Công ty đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2021 để đưa vào sản xuất đồ lót xuất khẩu, với sản lượng dự kiến 15 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm mới cho 1.200 lao động. Hay Công ty Thái Trang, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đức Thắng hiện cũng đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư nhà máy sản xuất, gia công kim loại và các mặt hàng thủy tinh... Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn (nhất là từ sau khi sáp nhập xã Định Tường vào thị trấn). Điều quan trọng hơn cả là người dân không phải đi làm ăn xa, có thu nhập ổn định cuộc sống, cũng như đóng góp công sức phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Yên Định hiện có 427 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho khoảng 26.000 lao động của huyện và một số huyện lân cận, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Hiện, nhiều doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn lao động, như Công ty TNHH Giày Alena Việt Nam; Công ty CP May xuất khẩu Lucky Ts... Đặc biệt, độ tuổi lao động đã được “nới” rộng lên trên 50 tuổi thay vì giới hạn dưới tuổi 35 như trước. Đây là cơ hội rất lớn cho nhiều lao động địa phương tìm kiếm việc làm, thoát cảnh “ly hương”. Ngoài ra, hiện nay hoạt động của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện cũng phát triển mạnh. Đến nay, toàn huyện có 1.962 cơ sở sản xuất thuộc các ngành nghề, như: chế biến đá mỹ nghệ, đồ mộc, mây tre đan, chế biến nông sản... thu hút khoảng 3.000 lao động làm việc, thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Nam, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Định, cho biết: Nếu như những năm trước đây, nhiều người trong, thậm chí là ngoài độ tuổi lao động phải dời quê hương để đi tìm việc làm ở tỉnh khác; thì nay số lao động địa phương “ly hương” đi làm ăn xa giảm đáng kể và đang tập trung làm việc ở các công ty may mặc, giày gia. Cùng với đó, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề, cố gắng đưa những nghề phù hợp về đào tạo và đảm bảo việc làm cho lao động sau đào tạo. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; đấu mối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về nhu cầu sử dụng lao động... Ngoài ra, để người dân có thể nắm bắt kịp thời các thông tin về tuyển dụng lao động, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tuyển dụng lao động... Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, huyện đã giải quyết việc làm cho 1.647 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 75,7%.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng, củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp theo dõi sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19... Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]