(Baothanhhoa.vn) - "Tham” chở nhiều hàng hóa, trong đó có cả những loại hàng hóa dễ bắt lửa, lại lưu thông trên đường trong thời tiết nắng nóng là một trong những yếu tố dễ dẫn đến những vụ hỏa hoạn, cháy xe ô tô chở khách, gây mất an toàn cho hành khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiểm họa cháy nổ trên xe khách: Không thể cứ mãi “tham thì thâm”

"Tham” chở nhiều hàng hóa, trong đó có cả những loại hàng hóa dễ bắt lửa, lại lưu thông trên đường trong thời tiết nắng nóng là một trong những yếu tố dễ dẫn đến những vụ hỏa hoạn, cháy xe ô tô chở khách, gây mất an toàn cho hành khách.

Hiểm họa cháy nổ trên xe khách: Không thể cứ mãi “tham thì thâm”

Một vụ cháy xe khách xảy ra trên cầu Nguyện Viên (TP Thanh Hóa) vào tháng 6-2020.

Những chuyến xe khách dù là nội tỉnh hay liên tỉnh, bên cạnh việc chuyên chở hành khách, nhiều nhà xe, doanh nghiệp còn làm dịch vụ vận chuyển thêm hàng hóa ký gửi. Đây là dịch vụ đem lại thêm lợi nhuận cho các nhà xe, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, nên nó đã được khai thác triệt để. Có mặt tại các bến xe phía Tây, bến xe phía Bắc, bến xe phía Nam (TP Thanh Hóa), không quá khó khăn để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy được đưa vào cốp xe, lên nóc xe để vận chuyển phục vụ nhu cầu của người dân. Với các tuyến xe khách nội tỉnh, các loại xe máy không chỉ được đưa vào trong cốp xe mà còn được “chất” lên nóc xe để vận chuyển đi các huyện trong tỉnh. Trong khi đó, vì có cự ly dài hơn, lại vận chuyển liên tỉnh nên các loại xe máy ký gửi lên xe khách đều được xếp trong cốp xe của các xe khách giường nằm. Về nguyên tắc, các xe máy trước khi được đưa vào cốp xe khách đều phải rút hết xăng trong bình để bảo đảm an toàn cháy nổ. Bởi lẽ, xe máy để trong cốp xe, nếu còn xăng khi đặt nằm nghiêng rất dễ dẫn đến việc xăng sẽ bị chảy ra. Trong quá trình chạy trên đường, nhất là trong thời tiết nắng nóng, nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn là rất cao.

Qua trao đổi với một số nhà xe chuyên chạy tuyến đi các huyện phía Tây của tỉnh được biết, gần như ngày nào cũng có khách gửi xe máy, ít thì 2-3 cái, nhiều có thể lên đến 5-7 cái. Các nhà xe đều nhận vận chuyển hết nhưng cũng đã quan tâm đến việc rút hết xăng trên xe máy trước khi đưa vào cốp xe. Tương tự như vậy, nhu cầu vận chuyển các loại xe máy đối với các tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, các tỉnh phía Nam (và ngược lại) cũng khá cao. Các nhà xe, doanh nghiệp vận tải hành khách đều nhận các đơn hàng vận chuyển này và xe máy đều được sắp xếp trong cốp của các loại xe khách giường nằm. Mặc dù đã thực hiện việc rút hết xăng ra khỏi xe máy trước khi khởi hành, song việc để nhiều xe máy trong cốp xe, di chuyển trên quãng đường dài (nhất là các tuyến phía Nam) trong thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy nổ vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, khi những chiếc xe máy là những vật giữ nhiệt, làm tăng nhiệt độ trong cốp xe. Trên xe máy chủ yếu là vật liệu bằng nhựa, rất dễ cháy, dễ bắt lửa.

Điều đáng nói là việc bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ trên xe khách chủ yếu là do các nhà xe, các doanh nghiệp “tự lo lấy” mà ít khi có sự kiểm tra của các lực lượng chức năng. Đối với các xe đã đăng ký chạy tuyến nội tỉnh, liên tỉnh tại các bến xe, lực lượng chức năng vẫn triển khai công tác kiểm tra điều kiện về phòng cháy, chữa cháy định kỳ. Tuy vậy, đối với nhiều nhà xe hiện nay không đón khách tại bến bãi, mà đón khách tại khu dân cư, tại điểm hẹn, trên đường, việc bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ gần như “phó mặc” cho các nhà xe này. Việc nhận thêm hàng hóa, xe máy bỏ trong cốp xe đương nhiên được các nhà xe khai thác triệt để. Chỉ cần có 1-2 chiếc xe máy được đưa vào cốp xe để vận chuyển mà chưa rút hết xăng ra khỏi bình, sẽ dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao. Chưa kể đến việc, các nhà xe cũng vô tư nhận hết các loại hàng hóa như: hàng may mặc, đồ gia dụng (nhựa)... để chung với xe máy, máy móc, dụng cụ... và một số loại hàng hóa khác càng tăng nguy cơ dẫn đến cháy nổ nếu nhà xe, doanh nghiệp lơ là, vì lợi nhuận mà bất chấp nguy hiểm. Việc các nhà xe “quá tham” trong việc nhận quá nhiều hàng hóa trên xe, còn dẫn đến tình trạng xe quá tải, máy, động cơ phải hoạt động với công suất lớn hơn, dễ dẫn đến tình trạng nóng, quá tải dễ xảy ra các vụ hỏa hoạn. Mặt khác, để bảo đảm tiện nghi, tạo thêm màu sắc thu hút hành khách, nhiều xe giường nằm còn được cải hoán, lắp thêm các thiết bị điện, vượt quá thiết kế của xe, khi vận hành trong thời tiết nắng nóng dễ dẫn đến chập điện, gây cháy nổ. Rất nhiều vụ cháy xe xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh thành khác trong dịp hè vừa qua, có nguyên nhân từ chập điện và từ một số loại hàng hóa dễ cháy được vận chuyển trên xe.

Chị Nguyễn Thị Oanh ở huyện Đông Sơn chia sẻ: Tôi thường xuyên phải đi xe khách vào Nam vì công việc và gia đình và xe khách giường nằm là loại phương tiện tôi đã chọn để đi. Tuy vậy, vào mùa hè, cứ nhìn cái cảnh trong cốp xe khách có rất nhiều xe máy được xếp vào để vận chuyển khiến bản thân tôi không khỏi lo lắng. Nó có thể trở thành “những quả bom nổ chậm” gây ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào, nhất là khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao.

Qua trao đổi với Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa, được biết, tất cả các phương tiện khi tham gia dịch vụ vận chuyển hành khách đều phải bảo đảm đầy đủ quy định về an toàn phòng chống cháy nổ, có bình cứu hỏa, búa cứu hộ... Cơ quan chức năng đều có các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất về việc bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ đối với các xe khách. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ đối với các loại hàng hóa lại chủ yếu là do các xe tự chịu trách nhiệm, trừ các loại hàng cấm. Trong khi đó, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thanh Hóa chủ yếu là kiểm tra các vi phạm về Luật Giao thông đường bộ; phát hiện hàng lậu, hàng cấm... không có chức năng kiểm tra phòng chống cháy nổ, ngoại trừ có sự tham gia của lực lượng liên ngành.

Vì sự an toàn của hành khách, vì sự bình yên của mỗi chuyến xe, công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ trên mỗi chuyến xe khách phải được đặt lên hàng đầu, trách nhiệm trước hết phải thuộc về các nhà xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đặc biệt các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cũng cần có sự phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những xe khách không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, vận chuyển các loại hàng hóa không đúng công năng, thiết kế, kiên quyết không cho lăn bánh nếu có dấu hiệu vi phạm, không bảo đảm an toàn.

Bài và ảnh: Khánh Hưng


Bài Và Ảnh: Khánh Hưng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]