(Baothanhhoa.vn) - 18 giờ 15 phút một ngày tháng 10, chúng tôi có mặt tại bến cá xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) tiếng loa truyền thanh xã đang phát thanh Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hệ thống đài truyền thanh cơ sở còn nhiều khó khăn

Hệ thống đài truyền thanh cơ sở còn nhiều khó khăn

Phát thanh viên và kỹ thuật viên Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Hoằng Hóa thực hiện chương trình phát thanh hằng ngày.

18 giờ 15 phút một ngày tháng 10, chúng tôi có mặt tại bến cá xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) tiếng loa truyền thanh xã đang phát thanh Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên về tiếng loa truyền thanh vang vọng khắp cảng cá, một chủ tàu kiêm thuyền trưởng ở xã Hoằng Trường, vui vẻ nói: “Nhờ nó mà ngư dân chúng tôi nắm bắt được nhiều điều đấy. Nào là các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; Luật Biển Việt Nam; Công ước quốc tế về Luật Biển... nếu không bà con ra khơi dễ vi phạm vùng biển nước ngoài lắm. Vì vậy, đi biển thì thôi chứ khi nào cập bờ là tôi vừa làm việc vừa dỏng tai nghe thông báo của đài truyền thanh xã”.

Minh chứng cho những gì người dân nói, bà Nguyễn Thị Thủy, công chức văn hóa – xã hội, Trưởng Đài Truyền thanh xã Hoằng Trường đưa cho chúng tôi xem cuốn nhật ký phát thanh của đài xã rồi giải thích “Tất cả chương trình tiếp âm của đài cấp trên, chương trình phát thanh của xã đều được xây dựng kế hoạch cụ thể hàng tháng, hàng quý. Ngoài phần tiếp âm của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh và truyền hình (TT&TH) huyện thì hằng ngày xã đều có thời lượng từ 20 đến 27 phút cho chương trình của đài xã, với nội dung tuyên truyền chủ yếu là các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người tốt, việc tốt, khuyến nông - khuyến ngư, an toàn giao thông... Để chương trình được sinh động, thu hút thính giả, từ năm 2012 đến nay đài truyền thanh xã đã tìm kiếm những bản nhạc phù hợp để làm nhạc hiệu, nhạc xen giữa các bài tuyên truyền giúp người dân nghe không bị nhàm chán”.

Những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Hoằng Hóa đã đặc biệt quan tâm phát triển hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn. UBND huyện đã bố trí nguồn kinh phí cho công tác xây dựng và sửa chữa các đài truyền thanh. Năm 2019, huyện đã hỗ trợ 3 xã, mỗi xã 100 triệu đồng nâng cấp, sửa chữa và xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 37/37 xã, thị trấn có trên 1.000 cụm loa 25W phục vụ tốt công tác tuyên truyền các hoạt động trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội của địa phương. Theo bà Lê Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và Du lịch huyện Hoằng Hóa: Ưu điểm của đài truyền thanh cơ sở là thông tin sát thực, cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu. Ngoài việc đề cập đến những nội dung gần gũi với đời sống thường nhật của người dân như chuyện nhà nông, thời vụ, tuyên truyền về những mô hình kinh tế hiệu quả, gương người tốt, việc tốt, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch bệnh... thì các hoạt động quan trọng như bầu cử, các kỳ họp HĐND các cấp... cũng được tiếp sóng đầy đủ giúp người dân nhận thức được mục đích, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của các sự kiện chính trị. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của hệ thống đài truyền thanh cơ sở đó là hệ thống máy móc còn chưa đồng bộ, nghèo nàn, nhất là hệ thống đài cơ sở bị xuống cấp, kinh phí nâng cấp khó khăn. Một số đài cơ sở không sửa chữa kịp thời nên đôi lúc còn ảnh hưởng đến công tác tiếp âm đài cấp trên. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và Nhân dân còn xem nhẹ vai trò của đài truyền thanh cơ sở. Đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên và cán bộ chuyên trách làm công tác truyền thanh cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều việc nên không thể chuyên tâm cho viết lách và chú trọng cải tiến nội dung chương trình của đài...

Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay trên địa bàn tỉnh 559 xã, phường, thị trấn đều có đài truyền thanh cơ sở với 564 đài (có xã đang sử dụng 2 đài để phát sóng). Để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, đảng ủy, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Thời lượng hoạt động của các đài phổ biến từ 1,5 giờ đến 3 giờ/ngày, thực hiện tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, đài TT&TH huyện đầy đủ. Ngoài ra, các đài truyền thanh xã, phường, thị trấn còn làm được từ 1 đến 2 chương trình riêng về từng lĩnh vực mà địa phương cần tuyên truyền, với thời lượng từ 10 – 15 phút, có nhiều đài trong tuần làm được 2 đến 3 chương trình với thời lượng từ 15 – 20 phút, nội dung tuyên truyền bài bản, công phu dễ tiếp cận, dễ hiểu với người dân. Qua đó, người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Được biết, thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động TT-TH cấp huyện đến năm 2020”, đến nay toàn tỉnh có 100% đài TT-TH cấp huyện được trang bị thiết bị sản xuất chương trình phát thanh số, thiết bị lưu trữ số và hệ thống truyền thanh không dây; 80% số lượng đài truyền thanh cơ sở cấp xã thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp được sóng của TT-TH cấp huyện. Đội ngũ cán bộ, viên chức của đài TT-TH cấp huyện còn được tham gia tập huấn cung cấp thông tin chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật công nghệ thông tin... Số lượng chương trình tự sản xuất của các đài huyện tăng, trung bình, mỗi đài TT – TH cấp huyện tự sản xuất được từ 18 đến 20 chương trình/tháng, thời lượng phát sóng từ 650 đến 700 phút/tháng, số lần phát sóng trung bình 2 lần/ngày. Từ việc tự sản xuất chương trình trên, đã giúp cho hệ thống đài truyền thanh cấp xã thực hiện tiếp âm, phát sóng được nhiều nội dung sát thực, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân.

Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực phát thanh – truyền hình cấp huyện thấp, không đồng đều bởi nhiều ngành nghề đào tạo khác nhau; thiếu cơ bản về đội ngũ biên tập viên, phát thanh viên và kỹ thuật viên được đào tạo theo đúng chuyên ngành; kiến thức về tiếng dân tộc hạn chế; kinh phí sự nghiệp thường xuyên chi cho hoạt động phát thanh – truyền hình hạn hẹp, không đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ chính trị được giao; nguồn thu từ dịch vụ không có; hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật của các đài phần lớn được đầu tư đã lâu, lạc hậu, xuống cấp; thiết bị lưu trữ số chưa được bảo đảm; tỷ lệ phát sóng của các đài truyền thanh các xã khu vực miền núi còn thấp. Chế độ tiền công, tiền lương của cán bộ, viên chức thấp, không có phụ cấp nghề, ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, viên chức...

Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, thiết nghĩ Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách đầu tư cho sự phát triển sự nghiệp TT-TH cấp huyện; quan tâm đến chế độ, chính sách phụ cấp đặc thù cho viên chức lĩnh vực truyền thanh, đặc biệt chính sách cho cán bộ chuyên trách đài truyền thanh cấp xã; tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động đối với hệ thống đài TT-TH cơ sở giai đoạn 2021-2025; tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TT-TH cấp huyện...

Tô Dung


Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]