(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa, vùng đất đã hiện diện từ hàng vạn năm trước, nhiều học giả cả trong và ngoài nước từng ngưỡng mộ ngợi ca: Đó là vùng đất “được lựa chọn”, “vượng khí chung đúc”, “đất thiêng nên người giỏi”, “xứng đáng đứng đầu cả nước”... 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ gìn và phát huy những phẩm chất ưu tú của người Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa, vùng đất đã hiện diện từ hàng vạn năm trước, nhiều học giả cả trong và ngoài nước từng ngưỡng mộ ngợi ca: Đó là vùng đất “được lựa chọn”, “vượng khí chung đúc”, “đất thiêng nên người giỏi”, “xứng đáng đứng đầu cả nước”...

Giữ gìn và phát huy những phẩm chất ưu tú của người Thanh Hóa

Lễ hội đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc) tôn vinh Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Ảnh: P.V

Mảnh đất như là nơi hội tụ linh khí trời đất tất yếu sẽ là tiền đề cho con người trở nên đặc biệt, bởi con người chính là tinh hoa của trời đất. Vậy, đâu là phẩm chất ưu tú của người xứ Thanh?

Ấn tượng đầu tiên khi nói đến tính cách của người Thanh Hóa, đó là tính cương trực. Người phụ nữ trung dũng được coi là biểu tượng của hình ảnh người phụ nữ xứ Thanh từng lưu danh với câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ chứ không khom lưng làm tì thiếp cho người”. Dám nói thẳng điều mình nghĩ cho dù điều đó có thể làm người khác choáng váng vì nó quá tầm suy nghĩ hay tưởng tượng thông thường thì đó là tính cách của người cương trực. Chàng Mai An Tiêm thuở xưa chăm chỉ, thông minh, tháo vát, được Hùng Vương yêu quý nhận làm con nuôi, cũng chỉ vì câu trả lời cương trực mà làm nhà vua phật lòng, kẻ ganh ngét, đố kỵ có cơ gièm pha, xúc xiểm đến nỗi bị đày đi đảo hoang. Yêu thích nói đùa ghét ưa nói thật (Mạnh Lê), đó là khí chất “Thanh” cương cường – bộc trực. Người miền Trung trở vào thường có cá tính bộc trực, nơi mà địa hình địa mạo và thời tiết cũng hiển lộ một cách rõ ràng, gay gắt. Xứ Thanh ở vị trí khởi điểm của mạch tính cách ấy, song, nét bộc trực của người xứ Thanh có sắc vẻ riêng, bộc trực một cách mạnh mẽ. Nghĩa là trong sự bộc trực ấy luôn có sự tự tin, cương cường, quyết đoán. Nhìn chung, người xứ Thanh luôn có xu hướng/tìm đến cách diễn đạt thẳng thắn, rõ ràng nhất cho những suy nghĩ cần bộc lộ, dù nói chuyện công việc hay giãi bày tình cảm. Tính cách cương trực có nhiều biểu hiện: Rõ ràng, thẳng thắn, kiên quyết và rất mộc mạc, chân thành. Mặt trái của cương trực là cứng nhắc, thô mộc, có thể nóng nảy, khô khan... Song, người cương trực thường rất nghị lực, có ý chí quyết tâm và giữ chữ tín. Đây là phẩm chất ưu tú khiến cho người xứ Thanh luôn biết vượt lên hoàn cảnh bằng chính trí tuệ và sức lực của mình.

Can trường, gan góc là phẩm chất ưu trội thứ hai của “tính cách Thanh”. Nét tính cách này vừa có điểm gần gũi, bổ sung cho tính cách cương trực, song cũng có điểm khác. Can trường, gan góc thể hiện sự dũng cảm, táo bạo với nghị lực và khả năng chịu đựng giỏi, diễn đạt nôm na là “lỳ đòn”. Người phụ nữ can trường Triệu Thị Trinh chưa đến tuổi hai mươi dám chinh phục voi một ngà hung dữ, chiêu binh phất cờ khởi nghĩa, trả thù cho anh trai, “lấy lại giang sơn, cởi ách nô lệ”. Tinh thần can trường, quả cảm ấy của thiếu nữ luôn đi đầu trong các trận đánh trực diện với những tướng giặc sừng sỏ đã tạo niềm tin và sức lôi cuốn mạnh mẽ người dân tụ nghĩa. Mai An Tiêm giữa đảo hoang – hoàn cảnh thử thách khủng khiếp nhất với con người đã không gục ngã, thậm chí còn tạo dựng nên cuộc sống mới. Đó là bản lĩnh gan góc, can trường vượt khó, vượt khổ. Đó là nghĩa quân Lam Sơn mười năm nếm mật nằm gai, “chốn hoang dã nương mình”, biết bao lần bị kẻ địch hùng mạnh truy cùng, diệt tận vẫn can trường, gan góc nuôi chí “căm giặc nước thề không cùng sống” (Nguyễn Trãi). Trong hai cuộc kháng chiến gần đây, những đoàn quân xe thồ Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đội vận tải thuyền nan, các cụ già Hoằng Trường, dân quân Nam Ngạn, Tào Xuyên, Đò Lèn... trong kháng chiến chống Mỹ tiếp tục làm ngời sáng phẩm chất ưu tú can trường, gan góc lừng lẫy của người xứ Thanh. Có thể nói, vùng đất này với những chủ nhân kiên cường, mạnh mẽ đã góp phần quan trọng viết lên những trang sử chói sáng của dân tộc.

Có tư tưởng lớn với khát vọng chinh phục, có thể coi đây là phẩm chất ưu tú thứ ba mà người xứ Thanh sở hữu. Không phải ngẫu nhiên xứ Thanh đóng góp cho lịch sử xây dựng nhà nước phong kiến Việt Nam tới 4 triều đại cùng với hai nhà chúa lừng lẫy. Ấy là chưa kể những danh nhân - danh tướng kiệt xuất của các triều đại khác (Đinh Củng Viên, Lê Văn Hưu, Dương Đình Nghệ, Đào Duy Từ...). Phẩm chất “đầu lĩnh” ấy bắt nguồn từ tư tưởng lớn. Người xứ Thanh thường có chí lớn. Đấy không chỉ là ý chí vượt thoát, vươn lên mà mức độ của nó cao hơn thế, vươn lên để khẳng định mình, vươn lên để thực hiện khát vọng, mơ ước. Vươn lên trở thành nhu cầu, ở thế chủ động chứ không chỉ là bị động, bị rơi vào thế vượt khó. Sẽ không ngạc nhiên nếu đặt trong logic của hai phẩm chất trên. Người cương trực thường có khí chất mạnh, người gan góc, can trường là người có nghị lực và ý chí lớn. Đó là sự thông tuệ và sức mạnh của nội lực, ở mức thấp, nó sẽ thôi thúc sự tò mò, khám phá và ở mức cao hơn, nó bị hấp dẫn bởi những mới lạ kích thích khát khao chinh phục. Ngay từ trong thần thoại, truyền thuyết xứ Thanh đã luôn bị hấp dẫn bởi những nhân vật – khổng lồ. Đó là những nhân vật phi thường có ước mơ chinh phục và tạo ra những đột phá xoay chuyển thời cuộc/ thế giới. Đó là những ông Nưa, ông Vồm, ông xẻ núi, ông đào sông sắp xếp lại vũ trụ, là thần Độc Cước xẻ thân mình trấn giữ biển cả, là thần Đồng Cổ uy lực với khả năng trấn áp mọi thế lực xấu, là những Lang Cun Cần góp phần “Đẻ đất đẻ nước”, là chàng Từ Thức dám lấy vợ tiên, sống ở chốn tiên và chốn ấy vẫn chưa đủ sức níu chân chàng lãng tử. Trong lịch sử cũng là những con người “khổng lồ” về tư tưởng, khát vọng luôn gắn với sơn hà xã tắc: Triệu Trinh Nương, Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Nguyễn Hoàng, Đào Duy Từ... Cho đến tận hôm nay, ở giai đoạn hiện nay, khi ranh giới địa phương hay khu vực đã trở nên mờ nhòe thì những người con có cội rễ xứ Thanh dường như vẫn mang trong mình phẩm chất ấy. Họ vẫn nỗ lực bền chí trong học tập, lao động, cống hiến và danh tiếng về vùng đất lẫy lừng vẫn vang lên trong các cuộc ứng thí tài năng. Quả là không thể khác, bởi đó là truyền thống, truyền thống là linh khí được truyền từ đời này sang đời khác.

Trên đây là những đặc điểm về tính cách, còn về đời sống tinh thần với vẻ đẹp tâm hồn thì sao? Liệu những con người táo bạo, cả gan, dũng mãnh kia có phải là con người có tâm hồn đơn giản, khô khan, cứng nhắc? Liệu họ có biết “cười”, có thích “cười”? (khái niệm “cười” ở đây được hiểu là lạc quan, hài hước, hóm hỉnh). Hãy xem nhé. Kho tàng dân ca, dân vũ Thanh Hóa đang lưu giữ những làn điệu, những trò diễn có thể xứng đáng xếp vào hàng những giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại, như: Tổ khúc múa đèn Đông Anh, hò Sông Mã, trò Xuân Phả, hát nhà trò Vân Trinh, xường rang, khua luống của người Mường, khặp của người Thái... Nếu bảo người xứ Thanh không thích “cười”, không biết “cười” thì thật ngộ nhận. Trong rừng cười Việt Nam, xứ Thanh đóng góp hai tên tuổi lẫy lừng: Trạng Quỳnh và Xiển Bột. Tuy nhiên, kiểu “cười” của xứ Thanh cũng có sắc thái đặc trưng. Người xứ Thanh thích cảm giác mạnh, ngay cả khi cười cũng muốn tạo nên ấn tượng mạnh, không cười vui nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà thường cười giễu, cười châm biếm, trào phúng. Âu cũng là kết quả của tính cách cứng cỏi, gan lỳ, kiêu hãnh. Cười với nghịch cảnh, thậm chí cười chính mình và dùng tiếng cười như một thứ vũ khí lên án, đả kích thói hư tật xấu hoặc kẻ thù.

Một điều nữa, người xứ Thanh “yêu” như thế nào? Tình yêu mới làm cho cuộc sống trên trái đất trở nên vĩnh hằng. Mọi hành động, hành vi nếu không nhằm mục đích vì tình yêu con người và tình yêu cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Sự hoàn hảo trong phẩm cách, nhân cách con người sẽ được đảm bảo bằng nhân tố không thể thay thế này.

Với tính cách cương trực, mạnh mẽ, can trường và gan góc, người xứ Thanh yêu cũng thật mãnh liệt, bộc trực và chân thành:

Vắng cơm một bữa chẳng sao

Vắng em một bữa lao đao cả ngày.

Vắng em chỉ một phiên đò

Trầu ăn chẳng có, chuyện đò thì không

(Hò Sông Mã)

Lớp trẻ hiện đại vẫn thế, táo bạo đến liều lĩnh, yêu hết mình:

Tôi người chiến binh

xa gia đình

Yêu nàng như tình yêu em gái

Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới

Tôi mặc đồ quân nhân.

(Hữu Loan)

Xin em đừng nản lòng yêu

Tình tang là cuộc phiêu lưu tuyệt vời.

(Nguyễn Duy)

Vùng đất “khí thiêng hội tụ” đã tạo ra những phẩm chất ưu việt cho con người. Sự rèn đúc nên khí chất con người đã diễn ra từ ngàn vạn đời và đã trở thành sản phẩm văn hóa, thành giá trị văn hóa – văn hóa đất và người xứ Thanh! Dòng sông Mã chảy qua nhiều vùng đất nhưng về đến xứ Thanh mới cất lên thành những câu hò hào hùng da diết, cõi Nam nhiều hang động kỳ thú nhưng chỉ có động Bích Đào của xứ Thanh mới có huyền thoại người kết duyên với tiên, biển Việt Nam dài hơn ba ngàn cây số nhưng chỉ ở xứ Thanh mới sinh ra vị thần trấn giữ biển cả... Nói thế để thấy, mảnh đất có yếu tố “khởi nguồn” và “hội tụ” này đúng là nơi “được lựa chọn” để tạo ra những giá trị. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của những thế hệ mai sau. Làm sao để gìn giữ chốn linh khí này, con người cần làm sao để gìn giữ và phát huy những phẩm chất ưu tú để không hổ danh với tiền nhân, để xứng đáng với sự tôn vinh: Đất địa linh nhân kiệt!

PGS.TS Hỏa Diệu Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]