(Baothanhhoa.vn) - Trải qua hơn 30 năm định canh, định cư, đời sống văn hóa của đồng bào Mông trên địa bàn huyện Quan Sơn đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, để hướng tới những giá trị văn hóa mới. Tuy nhiên, do đã ăn sâu vào tiềm thức từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên “tàn dư” của các tập tục lạc hậu vẫn còn hiện hữu trong đời sống người Mông, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gian nan “cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục trong đời sống đồng bào Mông ở Quan Sơn: “Tàn dư” từ những tập tục lạc hậu

Trải qua hơn 30 năm định canh, định cư, đời sống văn hóa của đồng bào Mông trên địa bàn huyện Quan Sơn đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, để hướng tới những giá trị văn hóa mới. Tuy nhiên, do đã ăn sâu vào tiềm thức từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên “tàn dư” của các tập tục lạc hậu vẫn còn hiện hữu trong đời sống người Mông, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Gian nan “cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục trong đời sống đồng bào Mông ở Quan Sơn: “Tàn dư” từ những tập tục lạc hậu

Con đường dẫn vào các bản người Mông, xã Sơn Thủy (Quan Sơn), còn đầy trắc trở, khó khăn. Ảnh: PV

Khi hủ tục còn dai dẳng...

Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 25km, thế nhưng chúng tôi cũng mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới vượt qua được những con đường dốc quanh co, ghồ ghề đất, sỏi đá với những khúc cua tay áo vòng vèo mới đến được bản Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và bản Ché Lầu (xã Na Mèo), nơi đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống. Trải qua quá trình cư trú, đồng bào Mông đã vun đắp, xây dựng cho mình kho tàng văn hóa truyền thống chứa đựng nhiều nét bản sắc độc đáo. Rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Mông đã trở thành di sản, được bảo tồn, phát huy, tiêu biểu như trang phục dân tộc, nghề truyền thống (nghề dệt, thêu hoa văn trên vải), hát khặp, hát đối đáp giao duyên; các tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian...

Song, bên cạnh những thay đổi đáng mừng và những giá trị văn hóa tốt đẹp được đồng bào dân tộc Mông giữ gìn thì vẫn còn tồn tại một số tập tục, nếp sống lạc hậu đặc biệt trong việc cưới, việc tang. Tại bản Mùa Xuân, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, qua trao đổi với ông Sung Văn Cấu, phó bí thư chi bộ bản, chúng tôi được biết: Với đồng bào Mông, cũng như đa số các dân tộc khác, ma chay là một trong những nghi lễ quan trọng của đời người, của cộng đồng, dòng họ. Nếu như trước đây, theo tín ngưỡng, quan điểm của người Mông, khi gia đình có người thân qua đời phải tổ chức ăn, uống linh đình nhiều ngày. Quá trình tang lễ không đưa thi thể người chết vào trong quan tài mà giữ thi thể trong nhà lâu ngày (thường là lâu hơn 48 giờ); chọn ngày chôn cất người mất không cho trùng vào những ngày mất của ông, bà, bố, mẹ, chú, bác và anh, em ruột (dẫn đến kéo dài ngày). Ngoài ra còn quy định số lượng trâu, bò phải mổ để tổ chức đám tang... Hậu quả là gây nên tình trạng tốn kém; mất vệ sinh nghiêm trọng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy hại cho sức khỏe những người xung quanh. Hiện nay, nhờ có sự vận động của cấp ủy, chính quyền cơ sở, cùng với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa được triển khai sâu rộng, nên số đông người Mông đã dần thay đổi nhận thức và thực hiện thủ tục tang ma theo nếp sống mới. Về cơ bản, các đám tang hiện đã hạn chế được rất nhiều tập tục lạc hậu. Tuy nhiên, “tàn dư” của nó thì vẫn chưa thể xóa dứt điểm. Bởi vẫn còn số ít gia đình trong bản Mùa Xuân tổ chức đám tang tập trung đông người; hoặc gia đình có con cháu ở xa, vẫn để người chết khoảng 48 tiếng chờ con cháu về; khi đến viếng, người dân vẫn mang một đôi gà đã luộc chín; rồi, gia chủ phải mổ một con lợn/ngày...

Trong hôn nhân của người Mông, với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào, đã được cải thiện và giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra. Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, từ năm 2017-2019, có 23 cặp người Mông tảo hôn (chiếm tỷ lệ 30,3%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là do quan niệm, tập quán lạc hậu; kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản trong gia đình, không mang của cải sang họ khác; tâm lý muốn sớm có “con đàn cháu đống”, có người nối dõi; có thêm lao động trong gia đình... Tình trạng tảo hôn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đồng bào Mông, nhất là trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Ví như, trường hợp của anh Sung Văn Dính và vợ là Hơ Thị Xó, tại bản Xía Nọi, đã về chung sống với nhau được 5 năm. Nhưng khi đó chị Hơ Thị Xó chưa đủ tuổi kết hôn, nên hai vợ chồng chỉ làm lễ ăn hỏi rồi về sống với nhau. Do tuổi còn trẻ, chưa thể tự chủ trong sinh kế cũng như sinh con rồi chăm sóc con cái, hòa giải các mâu thuẫn phát sinh, dẫn đến tình trạng gia đình anh Dính, từ nhiều năm nay vẫn là hộ nghèo, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Nói về vấn đề này, anh Hà Văn Diệp, cán bộ văn hóa xã Sơn Thủy, cho biết: Người Mông trên địa bàn xã tập trung chủ yếu ở 2 bản là Mùa Xuân và Xía Nọi với 149 hộ. Phải thừa nhận rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của bà con ngày càng được nâng cao; những tập tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay... không còn nặng gánh như trước đây. Dù vậy, vẫn còn những hủ tục chưa được xóa bỏ hoàn toàn, ví như khi có người ốm vẫn để ở nhà, nhờ thầy Mo đến cúng, không đưa đến các cơ sở y tế để điều trị; trẻ em sinh ra không được chăm sóc; đặc biệt là một số tập tục lạc hậu trong việc tang như vẫn còn tụ tập đông người (có thể lên đến 100 hoặc 200 người), hay tình trạng giết mổ trâu, bò để ăn uống vẫn xảy ra... Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đời sống kinh tế của người Mông ở địa phương còn nhiều khó khăn.

Ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, cho biết: Vào những năm 1989, đồng bào dân tộc Mông (chủ yếu là ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) di cư đến huyện Quan Sơn, hình thành nên 3 bản người Mông là Mùa Xuân, Xía Nọi và Ché Lầu. Đối với đồng bào Mông cũng như đa số các cộng đồng dân tộc thiểu số khác, do những quan niệm, tập tục, tập quán lạc hậu lâu đời đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống, nên để xóa bỏ được cần cả một quá trình chứ không phải cứ giơ tay biểu quyết là xong. Bởi xuất phát điểm của các bản người Mông rất thấp, lại sinh sống ở địa bàn hiểm trở, đường giao thông đi lại khó khăn, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao đời sống và phát triển kinh tế.

Cái nghèo vẫn “đeo bám”

Hơn 30 năm định cư tại đây, người Mông ở bản Mùa Xuân đã phải bỏ không biết bao công sức khai phá mới thành ruộng lúa như hôm nay. Song mỗi năm cũng chỉ gieo trồng được một vụ lúa vì nước sản xuất chủ yếu trông chờ vào trời mưa. Cùng ông Sung Văn Cấu, Phó Bí thư chi bộ bản Mùa Xuân đi thăm một số gia đình, thuộc diện hộ nghèo “bền vững” của xã như hộ ông Sung Lý Pó, hộ bà Sung Thị Dính. Qua tìm hiểu, trò chuyện, ông Cấu cho biết: Dù đã có sự hỗ trợ của Nhà nước, song do phần đa lớp người cao tuổi như gia đình ông Pó, bà Dính trước đây không được đi học, nên không biết chữ, dẫn đến trình độ nhận thức chưa cao, chưa biết cách làm ăn. Phần nữa là do đất sản xuất của người Mông chủ yếu nằm trên đồi cao nên đất đai khô cằn; bà con lại chưa biết trồng trọt, chăn nuôi các cây, con giống có hiệu quả và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất cây trồng, vật nuôi còn kém...

Đưa chúng tôi đến nhà chị Hơ Thị Pó, một gia đình trẻ nhưng từ nhiều năm nay vẫn thuộc diện hộ nghèo. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, chị Pó chia sẻ: “Là người dân tộc Mông, tôi cũng khát khao hiểu biết, trọng việc học hành, luôn muốn tìm cái mới, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Tôi vốn mồ côi cha mẹ từ sớm, rồi lớn lên lập gia đình, sinh con, lại sống ở nơi đồi núi khô cằn, quanh năm chỉ trông vào một vụ lúa, một vụ ngô nên nghèo. Hiện gia đình tôi có 4 khẩu, chỉ dựa vào thu nhập ít ỏi từ mấy thửa ruộng. Những năm qua, dù có sự hỗ trợ của Nhà nước và gia đình tôi cũng đã cố gắng rất nhiều, song vẫn chưa thể thoát nghèo, ổn định cuộc sống”. Những lý do mà ông Cấu, chị Pó đưa ra cũng là những nguyên nhân khiến cho 109/114 hộ dân của bản Mùa Xuân vẫn thuộc diện hộ nghèo (chiếm 95,6%). Một con số rất cao.

Nằm dưới những cánh rừng xanh tốt, những tưởng sẽ “dự báo” cuộc sống đầy đủ, ấm no cho bà con dân bản. Thế nhưng, từ nhiều đời nay Xía Nọi vẫn là một trong những bản khó khăn, khi cả bản có 35 hộ thì có tới 32 hộ nghèo. Ông Sung Văn Cấu, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Xía Nọi, chia sẻ: “Dù những tập quán lạc hậu đã không còn nặng gánh như trước, song do người Mông chưa thành thạo tiếng phổ thông, việc tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp còn hạn chế, nên tình trạng đói giáp hạt vẫn xảy ra. Thêm vào đó là đường sá, giao thông đi lại còn khó khăn, nên sản phẩm chúng tôi làm ra không có cơ hội giao thương với bên ngoài và không nâng cao được giá trị sản xuất. Do đó, tỷ lệ tái nghèo của bản còn ở mức cao”.

Những trăn trở của bà con người Mông, cũng chính là băn khoăn của cán bộ địa phương khi chưa “khơi thông” được con đường giảm nghèo cho bà con. Ông Hà Văn Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, bày tỏ: Những năm qua, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, việc xóa nghèo cho các bản dân tộc Mông vẫn luôn là điều trăn trở của địa phương. Tới đây, xã sẽ tập trung vào một số giải pháp phát triển kinh tế, như: Phân bố dân cư, đất đai hợp lý để đồng bào dân tộc Mông có đất ở, đất sản xuất. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước; chủ động lồng ghép các nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường công tác giám sát của người dân trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng đồng bào Mông.

Qua trò chuyện với ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, về việc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Mông, được biết: Hiện nay, cơ sở hạ tầng bản người Mông vẫn còn thấp kém; mặt bằng dân trí và các điều kiện tiếp cận thông tin, tiến bộ khoa học – kỹ thuật còn thấp; địa bàn cư trú ở vùng cao dọc biên giới hầu như biệt lập; các tệ nạn xã hội như nghiện hút ma túy, di cư tự do vẫn còn. Cùng với đó là nhiều yếu tố không thuận lợi về thời tiết, địa hình, đất đai; những nghi lễ, tập quán còn lạc hậu. Hơn nữa, do công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số lĩnh vực chưa thực sự thường xuyên; công tác dân vận có thời điểm chưa tốt, chưa sâu sát, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn cùng Nhân dân nên chưa phát huy hết sức mạnh nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào. Do đó, những năm qua, việc tìm cách xóa nghèo ở các bản Mông luôn được huyện quan tâm, trong đó có việc triển khai Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016-2020”.

Chia tay với bản người Mông khi chiều đã muộn, chúng tôi vẫn đau đáu nỗi niềm trăn trở thoát nghèo của bà con. Bởi nếu được quan tâm đầu tư, có đường đi lại thuận tiện, có điện lưới quốc gia... cùng với tinh thần đoàn kết vượt khó của Nhân dân, thì chắc chắn cuộc sống của người dân nơi đây sẽ có sự đổi thay.

Bài 2: “Cởi trói” từ nhận thức đến hành động.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]