(Baothanhhoa.vn) - Từ năm 2010 đến tháng 7-2018 số lao động tỉnh Thanh Hóa xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS là 6.753 người, đứng thứ 2 cả nước, sau Nghệ An.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp nào để lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc hồi hương

Từ năm 2010 đến tháng 7-2018 số lao động tỉnh Thanh Hóa xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS là 6.753 người, đứng thứ 2 cả nước, sau Nghệ An.

Toàn cảnh hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định tổ chức tháng 9-2018.

Nguồn tiền từ xuất khẩu lao động (XKLĐ) gửi về gia đình ngày một tăng, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều lao động làm việc tại Hàn Quốc tự ý chuyển chủ vì lý do không chính đáng, không về nước đúng thời hạn hợp đồng, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp (BHP), mà Thanh Hóa là một trong những tỉnh đứng đầu toàn quốc về tình trạng trên với 1.189 lao động. Việc người lao động không về nước đúng thời hạn đã khiến 5 địa phương bị tạm dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc trong năm 2018 là Đông Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa, đồng nghĩa với nhiều lao động bị mất đi cơ hội làm giàu bằng con đường XKLĐ ở thị trường tiềm năng này.

Nguyên nhân

Tính đến tháng 7-2018, huyện Hoằng Hóa còn 155 lao động BHP tại Hàn Quốc, chiếm 50% tổng số lao động nên Hoằng Hóa tiếp tục nằm trong danh sách bị tạm dừng tuyển lao động. Về nguyên nhân người lao động không chịu về nước, theo ông Trương Thanh Quế, phó trưởng phòng lao động – thương binh và xã hội huyện: Do mức thu nhập tại Hàn Quốc cao hơn rất nhiều so với thu nhập trong nước, trong khi người lao động về nước khó tìm được việc làm có mức lương phù hợp. Mặt khác, lao động trước khi đi xuất khẩu phải chi trả một khoản phí cao, thời gian làm việc ngắn so với nhu cầu nên có tâm lý vận dụng tối đa cơ hội để tăng thu nhập.

Có số lao động cư trú BHP lên đến 271 người, ông Nguyễn Đình Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, cho rằng, nguyên nhân chính là ý thức người lao động chưa cao, không có tính cộng đồng. Do việc quản lý thời gian làm việc của lao động nước sở tại chưa thật sự chặt chẽ đã tạo kẽ hở để lao động khi hết hạn hợp đồng có cơ hội cư trú, làm việc BHP. Mặt khác, chế tài xử lý doanh nghiệp và người lao động vi phạm của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe, trong khi lao động Việt Nam thành thạo việc rất được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc ưu ái tuyển dụng và trả lương cao nên họ sẵn sàng bất chấp quy định, rủi ro trốn ra ngoài làm.

Là lao động trở về nước khi hết hạn hợp đồng theo đúng quy định, anh Lê Văn An, xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) chia sẻ: Mục đích của người lao động đi XKLĐ là để kiếm tiền, trong khi về nước rất khó để tìm được công việc phù hợp, hoặc có thì thu nhập thấp. Nếu đem con số thu nhập ở Hàn Quốc từ 30 đến 60 triệu đồng/người/tháng so với thu nhập khi về nước chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng/người/tháng thì người lao động thiếu ý thức sẽ lựa chọn ở lại BHP để có thu nhập cao hơn. Thân nhân lao động BHP lại thiếu sự phối hợp trong việc vận động con em về nước khi hết hạn hợp đồng, chưa thực hiện nghiêm các cam kết với chính quyền địa phương. Đối với lao động về nước đúng thời hạn muốn tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc phải chờ đợi lâu, khâu tuyển dụng khó khăn, người dự thi nhiều nhưng tuyển dụng lại ít nên người lao động sợ về nước sẽ khó có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc.

Là thân nhân của lao động đang cư trú BHP Mai Canh Điền, chị Lê Thị Cải, thôn Đạo Ninh, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) biện minh rằng: Do sợ về nước sẽ khó tìm được việc làm thích hợp, bản thân anh Điền lại chưa có định hướng nghề nghiệp lâu dài nên muốn ở lại Hàn Quốc làm thêm thời gian nữa để kiếm thêm chút vốn về làm ăn. Anh Lê Văn Hiếu con trai bác Bùi Thị Quý, thôn 9, xã Dân Lý (Triệu Sơn) cũng không chịu về nước cũng với lý do kiếm thêm chút vốn. Bác Quý chia sẻ: Tiền thì biết mấy là đủ nên không chỉ bác mà vợ Hiếu cũng rất lo lắng, mong ngóng chồng và thường xuyên gọi điện khuyên nhủ sớm về nước. Theo bác Quý, thông tin về tình trạng lao động bỏ trốn và cư trú BHP tại Hàn Quốc và những rủi ro, hệ lụy mà báo, đài thường xuyên cập nhật thời gian qua khiến gia đình bác luôn cảm thấy bất an, nhưng để bắt con về nước là một vấn đề khó vì mình không ở bên cạnh để khuyên nhủ được nên còn tùy thuộc ở con.

Tăng cường các giải pháp ngăn chặn

Nhiều lao động hết hạn hợp đồng không chịu hồi hương đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh về lao động Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc; làm mất đi cơ hội của những lao động khác ở các địa phương bị tạm dừng tuyển. Để giảm tối đa dưới mức cho phép của Chính phủ Hàn Quốc về tỷ lệ người lao động Thanh Hóa đang làm việc, cư trú BHP và lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn, tạo cơ hội cho những lao động khác có nguyện vọng, đủ điều kiện được đi làm việc tại Hàn Quốc, năm 2016 UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động cư trú BHP về nước. Có chính sách ưu tiên đối với lao động về nước đúng hạn như được tuyển dụng trở lại làm việc, được giới thiệu vào các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm. Ban Chỉ đạo XKLĐ tỉnh cũng đã làm việc trực tiếp với các huyện bị tạm dừng tuyển chọn trong các năm 2016, 2017 và 2018 để chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, vận động lao động đang cư trú BHP về nước, về chính sách ân hạn của Chính phủ Việt Nam đối với lao động BHP...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, để giảm tối đa dưới mức cho phép tỷ lệ lao động đang làm việc, cư trú BHP tại Hàn Quốc và lao động về nước đúng hạn, huyện Hoằng Hóa đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các xã, thị trấn đến từng gia đình vận động và ký cam kết về nước. Đặc biệt cuối năm 2017 huyện đã tổ chức hội nghị tuyên truyền tới các gia đình, các xã có lao động BHP để động viên lao động về nước. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác XKLĐ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động XKLĐ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Còn theo ông Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn thì ngoài việc yêu cầu các gia đình ký cam kết vận động con em về nước đúng hạn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cần thông tin chặt chẽ tình hình lao động sắp hết hạn hợp đồng, đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước hoặc đã về để các địa phương nắm bắt, cập nhật tình hình cụ thể, từ đó có các giải pháp để tuyên truyền, vận động.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Sau khi triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, bước đầu đã có một số kết quả. So với năm 2016, năm 2017 Thanh Hóa có 2 huyện ra khỏi danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển vì đã nỗ lực để giảm được số lượng lao động cư trú BHP và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước xuống mức quy định, đó là Thiệu Hóa và Quảng Xương. Số lao động đang cư trú BHP tại Hàn Quốc tuy có giảm nhưng vẫn tập trung nhiều tại 5 địa phương đang bị dừng tuyển. Ngoài ra Thanh Hóa còn trên 10 địa phương có tỷ lệ lao động BHP đang nằm trong ngưỡng báo động có nguy cơ bị tạm dừng tuyển. Để giảm tỷ lệ lao động cư trú BHP, các địa phương cần tiếp tục thực nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người Việt Nam tại Hàn Quốc và Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND tỉnh. Lên án mạnh mẽ những lao động không chịu về nước đúng hạn và xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm theo quy định. Đưa chỉ tiêu vận động người lao động về nước đúng hạn vào xếp loại thi đua đối với UBND các xã, phường, thị trấn của địa phương. Đẩy mạnh công tác giáo dục định hướng, pháp luật để người lao động chấp hành nghiêm túc luật pháp nước sở tại. Về phía Hàn Quốc cần nghiêm cấm và có chế tài xử phạt những doanh nghiệp tiếp nhận lao động bỏ trốn, cư trú BHP vào làm việc... Có như vậy mới hy vọng giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn hay cư trú BHP tại Hàn Quốc xuống dưới 35% theo mục tiêu đề ra.


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]