(Baothanhhoa.vn) - Hành lang an toàn giao thông (ATGT) có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự, ATGT và bảo vệ công trình đường bộ. Thực tế thời gian qua, các ngành, các cấp, lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp bảo đảm đường thông, hè thoáng, song việc vi phạm hành lang ATGT đường bộ vẫn diễn ra, rất cần sự phối hợp thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên của các ngành chức năng và chính quyền cơ sở.

Giải pháp bảo đảm hành lang an toàn đường bộ

Hành lang an toàn giao thông (ATGT) có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự, ATGT và bảo vệ công trình đường bộ. Thực tế thời gian qua, các ngành, các cấp, lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp bảo đảm đường thông, hè thoáng, song việc vi phạm hành lang ATGT đường bộ vẫn diễn ra, rất cần sự phối hợp thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên của các ngành chức năng và chính quyền cơ sở.

Giải pháp bảo đảm hành lang an toàn đường bộVào giờ cao điểm phương tiện tham gia giao thông tăng cao trên tuyến Quốc lộ 45 qua huyện Quảng Xương.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang ATGT đã được các ngành, các cấp, lực lượng chức năng quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè..., góp phần bảo đảm giao thông trên các tuyến đường bộ thuận lợi, an toàn. Trong đó, Công an tỉnh tập trung chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang đường bộ theo chuyên đề, kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT... Sở Giao thông - Vận tải xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm theo quy định. Hướng dẫn, kiểm tra, yêu cầu các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định về việc đấu mối vào đường bộ, các quy định pháp luật khác về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT đường bộ... UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT, lập lại trật tự hành lang ATGT... Đi đôi với đó, các địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch xử lý tình trạng chiếm dụng các công trình để trông giữ xe, rửa xe, bán hàng, họp chợ, tập kết nguyên vật liệu xây dựng, nông, lâm sản, xây dựng lều quán, xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi trên vỉa hè, vào nhà, lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong vi phạm bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường bộ... gây mất trật tự, ATGT và cảnh quan, môi trường. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã quản lý chặt chẽ việc chấp thuận cho các hộ gia đình sử dụng tạm thời một phần lòng đường, lề đường, vỉa hè phục vụ đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe theo quy định. Tuy nhiên, theo tổng hợp, báo cáo của Sở Giao thông – Vận tải, các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh như 47, 217, 47B, 47C, 217B, 15, 16, 15C, năm 2021 có 33 vụ và quý I–2022 có 3 vụ vi phạm về đào, khoan, xẻ, tháo dỡ công trình đường bộ trái phép; 45 vụ và 7 vụ vi phạm xây dựng công trình trái phép trong hành lang đường bộ; 26 vụ và 2 vụ vi phạm đấu nối trái phép vào các tuyến quốc lộ; 134 vụ và 9 vụ vi phạm dựng lều, quán, để vật liệu xây dựng... lấn chiếm lòng, lề đường.

Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 8-1-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chống lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ do Sở Giao thông – Vận tải quản lý. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ. Qua đó, tạo ý thức cho các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang ATGT đường bộ.

Công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT đường bộ; việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ trên địa bàn cần phải được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm minh các vi phạm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tình hình vi phạm hành lang ATGT đường bộ ở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn còn và có chiều hướng gia tăng trên các tuyến quốc lộ. Việc chấn chỉnh tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ là việc làm thiết thực, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền địa phương. Bởi thực tế, lực lượng chức năng giải tỏa xong sẽ bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương quản lý. Mặc dù vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra do chính quyền địa phương chưa quản lý chặt chẽ, lực lượng thực hiện nhiệm vụ quá mỏng... Chính quyền địa phương thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý các điểm mới phát sinh vi phạm hành lang ATGT đường bộ và những vị trí đã cưỡng chế, giải tỏa, tổ chức cắm cọc tiêu, đặt biển báo hiệu... Các ngành có liên quan, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng phối hợp triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động, đến ra quân tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm, bảo đảm duy trì kết quả đã đạt được và chống tái lấn chiếm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mới. Chính quyền địa phương lập các tổ công tác đến từng hộ gia đình nằm dọc các tuyến đường giao thông để tuyên truyền, xác định chỉ giới hành lang; thực hiện rà soát, thống kê, phân loại đối tượng vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ và các hành vi khác để thông báo, đồng thời, tổ chức ký cam kết với các hộ vi phạm; vận động, thuyết phục để người dân tự giác tháo dỡ các công trình sai phép, trả lại mặt bằng ban đầu. Đi đôi với tuyên truyền, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về mái che, mái vẩy, bạt quảng cáo và bán hàng lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang ATGT đường bộ, bảo đảm đường thông, hè thoáng. Đi đôi với đó, các địa phương cần triển khai, bố trí các khu buôn bán tập trung một cách hợp lý để tạo dần thói quen kinh doanh buôn bán văn minh, lịch sự cho người dân. Đó cũng là cách để người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn lề đường, vỉa hè. Đồng thời, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm, tái phạm việc lấn chiếm, sử dụng hành lang ATGT đường bộ.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]