(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, tiếng thét gào của đạn bom không còn nữa, những vết thương trên da thịt theo năm tháng cũng lành trở lại, nhưng lòng mẹ vẫn còn đó những niềm đau. Ngày mẹ tiễn các anh ra trận, mẹ chẳng thể ngờ đó là lần cuối cùng mẹ được gặp những núm ruột của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gặp mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tiểng

Chiến tranh đã lùi xa, tiếng thét gào của đạn bom không còn nữa, những vết thương trên da thịt theo năm tháng cũng lành trở lại, nhưng lòng mẹ vẫn còn đó những niềm đau. Ngày mẹ tiễn các anh ra trận, mẹ chẳng thể ngờ đó là lần cuối cùng mẹ được gặp những núm ruột của mình.

Gặp mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tiểng

Ký ức cuộc đời, mảng còn, mảng mất, song thẳm sâu vẫn hằn in bóng dáng các anh những ngày vẫn còn bên mẹ.

Nỗi đau qua 2 thế kỷ

Băng qua cái nắng hè oi ả chốn triền đồi, chúng tôi đến thăm nhà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tiểng, ở thôn 3, xã Phúc Đường (Như Thanh). Mẹ đang ngồi trầm tư trước cửa, nắng vàng như mật trải lên mái tóc trắng như cước của mẹ. Khẽ đưa đôi bàn tay đầy những nếp nhăn lên vuốt mái tóc, mẹ Tiểng cười tươi khoe hàm răng chiếc còn, chiếc mất. Nhìn mẹ, người đã 107 tuổi đời với mái tóc bạc trắng thấy thân thương đến lạ. Ký ức cuộc đời, mảng còn, mảng mất, song thẳm sâu vẫn hằn in bóng dáng các anh những ngày vẫn còn bên mẹ.

Mẹ kể, quê mẹ ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn. Đó là một vùng quê trù phú với những cánh đồng trải dài ngút tầm mắt. Ký ức thời con gái của mẹ là những tháng ngày đi cấy lúa đổi công. Vừa làm, trai gái trong làng vừa hát hò rôm rả khắp đồng trên ruộng dưới. Một trăm năm có lẻ đã trôi qua, mẹ không còn minh mẫn như xưa nhưng vẫn còn nguyên đó cái thông minh, sắc sảo của con gái đất học. Tuổi đôi mươi mẹ lập gia đình với một người đàn ông cùng quê. Mẹ sinh tất cả 6 người con, 4 trai, 2 gái. Chiến tranh loạn lạc, mẹ không được học chữ, nhà cũng không dư dả gì nên các con cũng lớn lên như cây tre, cây mít sau nhà. Chỉ biết bập bẹ vài chữ ở trường làng và nằm lòng những câu hát ru của mẹ. Nạn đói năm 1945 đã cướp đi người con trai đầu của mẹ, khi đó anh mới 17 tuổi. Chạy trốn nỗi đau quá lớn, gia đình mẹ di cư lên xã Phúc Đường, huyện Như Thanh sinh sống. Tại đây mẹ tiếp tục mò cua, bắt ốc nuôi con.

Sống trong thời chiến, chứng kiến cảnh người thân bị bắt giết, xóm làng bị đốt phá, các con mẹ đều biết phải làm gì khi lớn lên. Và rồi, mẹ Tiểng đã phải gánh chịu những vết thương lòng khôn nguôi, những mất mát không gì bù đắp được. Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, người con lớn Lê Thanh Hải, sinh năm 1946, xung phong nhập ngũ. Trước khi tòng quân, anh dặn em trai Lê Văn Sơn: “Chú ở nhà thay anh lo cho mẹ”. Nơi chiến trường ác liệt, anh Lê Thanh Hải vẫn cố gắng gửi thư về động viên tinh thần mẹ. Mỗi lúc nhận được phong thư của con là dấu hiệu nhận biết con mẹ vẫn còn sống. Cứ thế, mẹ Tiểng hy vọng!...

Gặp mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tiểng

Anh Lê Thanh Hải vĩnh viễn nằm lại đâu đó ở “mặt trận phía Nam”.

Tháng 7-1967, anh Lê Văn Sơn, sinh năm 1948 nối gót anh trai xung phong ra chiến trường. Mẹ kể: “Hôm ấy nó về nhà nói như đinh đóng cột: “Mẹ, con đi theo anh!”. Tôi hoảng hồn nói: “Anh con đi rồi, con nỡ bỏ bố mẹ mà đi nữa sao?!”. Thằng Sơn nghiêm mặt: “Bao thanh niên xung phong vào Nam chiến đấu, anh con cũng vậy. Con thanh niên trai tráng ở nhà coi sao được. Mình phải đi chiến đấu mới có hòa bình, thống nhất đất nước mẹ à. Con đi, đất nước hòa bình con về, nói chuyện với mẹ nhiều hơn”.

Nhưng rồi anh Sơn đâu có dịp nào nói chuyện với mẹ nữa. Một ngày cuối năm 1967, mẹ Tiểng sững sờ khi nhận được tin báo: Liệt sỹ Lê Văn Sơn đã hy sinh trên đường hành quân… Cầm giấy báo tử trên tay, trái tim mẹ thắt lại, không khóc được thành tiếng. Mới hôm nào tiễn anh Sơn đi, xe đơn vị đến đón, phút chia tay, anh nhìn mẹ, mắt đỏ hoe. Lặng đi một lúc, mẹ chậm rãi nói: “Mẹ có ngăn cũng chẳng cản được nó”.

Gặp mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tiểng

Anh Lê Văn Sơn, mẹ còn giữ được bức ảnh chân dung, đưa được hài cốt anh về yên nghỉ ở nghĩa trang huyện Cẩm Thủy.

Năm 1969, sợi dây liên lạc với anh Hải bỗng dưng bị cắt đứt. Mẹ Tiểng tan nát cõi lòng khi nhận được tin con trai đã hy sinh trong một trận càn quét của địch. Ngày đó, bà Lê Thị Đào, con gái mẹ Tiểng còn nhỏ xíu, song vẫn nhớ như in hình ảnh người mẹ những khi có giấy báo tử gửi về. “Giấy báo tử từ chiến trường về, mẹ thẫn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà nhặt cái này, lượm cái kia như người mê sảng. Nhưng thời gian dần làm nguôi ngoai nỗi đau. Mẹ tiếp tục động viên những người con, cháu khác lên đường theo tiếng gọi thiêng liên của Tổ quốc” - người con gái của mẹ Tiểng hồi tưởng.

Cả 2 anh Lê Thanh Hải và Lê Văn Sơn đều ra đi khi tuổi còn rất trẻ. Xương thịt các con mẹ đã hòa vào lòng đất. Chỉ có anh Lê Văn Sơn, mẹ còn giữ được bức ảnh chân dung, đưa được hài cốt anh về yên nghỉ ở nghĩa trang huyện Cẩm Thủy. Còn anh Lê Thanh Hải vĩnh viễn nằm lại ở “mặt trận phía Nam”. Mẹ nói, mẹ rất mong đưa hài cốt anh về quê nhưng biết anh nằm ở đâu mà tìm…

Gặp mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tiểng

Với những đóng góp cho cách mạng, năm 2014, mẹ Tiểng được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tia hi vọng sống cuối cùng của mẹ dồn hết vào người con trai út – Lê Minh Đức và 2 cô con gái. Rồi anh Đức lấy vợ, sinh con, mẹ lại đi làm thuê bốc mướn để cùng với con dâu nuôi những đứa cháu.

Mẹ bảo: “Thằng Sơn nó đi bộ đội, mẹ không ngăn mà chỉ buộc nó “lấy vợ rồi hãy đi”. Nó dỗi: “Mẹ đừng lo con muộn vợ!”. Mẹ gợi ý nó đi xem mặt những cô gái đẹp trong làng. Nó gạt đi: “Làm trai phải lo chí lớn, không cần lấy vợ vội”. Mẹ biết nó từ chối khéo, cho mẹ yên tâm. Kỳ thật, nó không muốn người ta vì nó mà lỡ làng cả cuộc đời. “Nó nói vậy nhưng mẹ biết bụng nó, đàn ông con trai đứa nào mà không muốn lấy vợ”. Nó dự định khi nào hết giặc, nước yên, nó quay về cưới vợ, đâu ngờ…”.

Ngồi bên cạnh, bà Đào vừa quệt nước mắt, vừa kể lại cái đoạn đứt ruột: “Thương mẹ nhất là ngày hòa bình, bộ đội về nườm nượp, mẹ con tôi cũng bỏ ăn đứng dõi mắt ngóng trông. Mẹ nói biết đâu, giấy báo tử sai, các anh lại về với mẹ”. Hòa bình rồi, tới bây giờ mẹ Tiểng vẫn có thói quen ngóng trông ra cửa, coi có đứa nào còn sống trở về không…

Sống chỉ cần những nụ cười

Năm 1983, chồng mẹ qua đời vì tuổi cao, sức yếu. Năm 2004, anh Đức cũng bỏ mẹ mà đi. Lúc đó, mẹ đã ngoài 90. Không còn nước mắt để khóc, sức lực để đau đớn, mẹ chỉ lặng lẽ ôm trọn nỗi đau, gắng gượng sống làm chỗ dựa cho con dâu và các cháu. Ngồi tựa lưng vào chiếc ghế gỗ, mẹ Tiểng khoe: “Đến nay tôi có 4 cháu nội và 18 chắt cả nội và ngoại. Các con cháu đi làm ăn, giỗ, tết chúng về lại tập trung đông đủ ở bên bà, bên cụ”.

Nhắc tới mẹ chồng, bà Dương Thị Hòa, xúc động: “Tôi về làm dâu của mẹ đã tròn 30 năm, mẹ thương tôi lắm. Mẹ nói, mẹ nào cũng là mẹ, con coi mẹ như mẹ ruột của con. Mẹ luôn động viên con cháu học hành, siêng năng làm ăn. Mỗi lần đám giỗ, mẹ ngồi dưới sàn, nhìn lên di ảnh của các anh suốt cả ngày quên ăn. Có con rắn bò vào nhà, mẹ không cho ai đuổi, bảo các anh về thăm”.

Với những đóng góp cho cách mạng, năm 2014, mẹ Tiểng được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Khi hỏi mong ước cuối đời của mẹ là gì, tôi nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của mẹ Tiểng làm giãn những nếp nhăn in dấu tháng năm trên gương mặt mẹ: Mẹ chỉ mong ước còn khỏe để sống vui với con cháu. Cuộc đời Mẹ đã chịu nhiều đau thương, mất mát nên hiểu được cái giá của hòa bình, của đoàn tụ; còn những hy sinh và mất mát của riêng mình, mẹ xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam trong lúc đất nước cần. Mẹ sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả.

Gặp mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tiểng

Bà Dương Thị Hòa chăm sóc và yêu thương mẹ như mẹ ruột

Theo lời anh Tuấn Anh – cháu nội của mẹ Tiểng, hiện giờ sức khỏe của mẹ vẫn rất ổn định, hơn 100 tuổi nhưng mẹ vẫn ăn được cơm và uống sữa mỗi ngày. Đặc biệt, mẹ thích ăn cơm với cá và rau. Chia sẻ về bí quyết sống khỏe, sống thọ, mẹ Tiểng thành thật: “Mẹ ăn uống, sinh hoạt giờ giấc cũng như người bình thường. Duy chỉ có một điều mẹ luôn tâm niệm là trong cuộc đời này sống với nhau cho có cái tình để khi ra đường người ta trao cho mẹ một nụ cười là mẹ vui lắm rồi…”.

Bên bậc thềm nhà mẹ, chúng tôi thấy cuộc đời này thật đẹp đẽ khi được tiếp xúc với mẹ. Sự đôn hậu, hiền từ của mẹ Tiểng đã lan tỏa cho cộng đồng thêm thật nhiều điều tốt đẹp mà bình dị.

Bài: Tăng Thúy

Ảnh: Tiến Đông


Bài: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]