(Baothanhhoa.vn) - Bạn đọc là người quyết định sự sống còn của tờ báo. Phụng sự bạn đọc là sứ mệnh thiêng liêng của tờ báo” – với quan điểm đó, nơi đón tiếp bạn đọc luôn được Báo Thanh Hóa bố trí trang trọng, luôn sẵn sàng đón tiếp bạn đọc đến gửi bài viết hay đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Đồng hành cùng bạn đọc

Bạn đọc là người quyết định sự sống còn của tờ báo. Phụng sự bạn đọc là sứ mệnh thiêng liêng của tờ báo” – với quan điểm đó, nơi đón tiếp bạn đọc luôn được Báo Thanh Hóa bố trí trang trọng, luôn sẵn sàng đón tiếp bạn đọc đến gửi bài viết hay đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Đồng hành cùng bạn đọc

Phóng viên Phòng Bạn đọc – Tư liệu luôn thường trực tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người dân.

Có thể bạn đọc Báo Thanh Hóa đã cảm nhận được sự trân trọng đó, nên hằng năm đã có nhiều tin, bài, ảnh của cộng tác viên gửi đăng báo và hàng trăm đơn, thư của người dân được gửi đến báo. Có thể là gửi qua bưu điện, email; cũng có thể thông tin qua đường dây nóng, qua zalo, facebook... Nội dung đơn, thư, phản ánh vô cùng phong phú, đa dạng; chẳng hạn như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cán bộ cơ sở, hay như việc thực hiện chế độ, chính sách... Người có đơn, thư phản ánh gửi đến báo cũng đa dạng: giáo viên, công chức, nông dân, người cao tuổi... Rất nhiều người tìm đến Báo Thanh Hóa trong tâm trạng thất vọng, lo âu, bức xúc khi những việc họ mong muốn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu tình, đạt lý.

Chúng tôi còn nhớ, vào một chiều hè nắng như đổ lửa, vừa mở cửa phòng làm việc đã thấy một người đàn ông trên 50 tuổi, khuôn mặt khắc khổ, mồ hôi nhễ nhại, mặc chiếc áo xanh cũ màu, chân đi đôi dép nhựa tổ ong, trên tay cầm các loại giấy tờ rụt rè ngoài cửa hỏi thăm phòng Bạn đọc để được trình bày sự việc.

Rót ly nước mời khách, trước vẻ rụt rè của người đàn ông có tuổi, chúng tôi đã phải từ từ gợi chuyện. Ông cho biết tên là Lê Văn Th., xã Định Tiến (Yên Định). Vợ chồng ông có 3 người con, con gái đầu 17 tuổi nhưng phải bỏ học từ năm lớp 10 để đi làm, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, song thu nhập không được nhiều bởi sức khỏe yếu. Cháu trai thứ hai 15 tuổi bị bệnh nhão cơ, còn cháu gái thứ ba 6 tuổi bị bệnh đao, mọi sinh hoạt hàng ngày của hai cháu đều phải có người hỗ trợ, chăm sóc. Gia đình có 2 lao động chính là ông và người vợ. Tuy nhiên, vợ ông hay ốm đau, thường xuyên phải đi viện điều trị. Hoàn cảnh khổ trăm bề như vậy mà không hiểu vì lý do gì mà cán bộ thôn, xã lại loại gia đình ông ra khỏi danh sách hộ nghèo. Thấy bất công quá, ông tìm đến báo của tỉnh để phản ánh sự việc, “nhờ các nhà báo có tiếng nói cho dân”.

Sau khi nghe chuyện của ông Th. về cách rà soát, chấm điểm hộ nghèo ở thôn, xã, chúng tôi đến tìm hiểu thực tế và viết bài phản ánh. Bài báo đăng một thời gian, lại thấy ông Th. đến phòng, nhưng lần này là với nét mặt vui vẻ: “Cảm ơn các nhà báo đã lên tiếng để huyện, xã quan tâm giải quyết, rà soát lại và đưa gia đình vào danh sách hộ nghèo”.

Cũng từ thông tin trên những lá đơn của bạn đọc, Báo Thanh Hóa đã kịp thời cử phóng viên tìm hiểu, nắm bắt tình hình, phản ánh những sự việc bức xúc của người dân đang diễn ra ở cơ sở và được chính quyền quan tâm chỉ đạo, giải quyết.

Đơn cử như vụ người dân phản ánh với phóng viên về tình trạng các cơ sở chế biến sứa ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) xả thải làm ô nhiễm môi trường. Sau khi phóng viên về tìm hiểu, viết bài, đăng phóng sự ảnh trên 2 ấn phẩm Báo Thanh Hóa điện tử, Báo Thanh Hóa hằng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản, yêu cầu UBND huyện Hoằng Hóa xác minh, làm rõ.

UBND huyện Hoằng Hóa đã cử các bộ phận chuyên môn phối hợp với UBND xã Hoằng Trường kiểm tra thực tế và có Văn bản số 596/UBND-TNMT về việc “báo cáo kết quả xác minh phản ánh ô nhiễm môi trường tại xã Hoằng Trường theo nội dung đăng tải của Báo Thanh Hóa”. Theo đó, UBND huyện Hoằng Hóa khẳng định phản ánh của báo nêu là đúng, huyện chỉ đạo UBND xã Hoằng Trường yêu cầu, hướng dẫn các hộ có hoạt động chế biến sứa nói riêng cũng như hoạt động chế biến thủy, hải sản trên địa bàn xã thực hiện việc xử lý môi trường theo đúng quy định.

Vụ việc người dân phố Đội Cung I, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa gửi đơn lên Báo Thanh Hóa phản ánh về tình trạng nhà ở của người dân trong khu dân cư 20 năm nay bị xuống cấp nhưng không được cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới vì đang nằm trong quy hoạch dự án treo. Sau khi bài viết ““Mắc kẹt” giữa lòng thành phố” được đăng tải, UBND TP Thanh Hóa có Công văn số 2353/UBND-QLĐT trả lời Báo Thanh Hóa với nội dung chính: Dự án 20 năm nay chưa thực hiện hoàn thiện được là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Để giải quyết tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện của một số dự án trước đây, cũng như thông tuyến, thông đường giao thông, xử lý các nút thắt cổ chai, UBND TP Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư và giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng số 1 làm chủ dự án đầu tư công trình: Xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường Lê Chân – Thế Lữ, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa tại Quyết định số 8276/QĐ-UBND ngày 20-9-2019. Hiện nay, đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế đang lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đồng hành cùng bạn đọc

Người dân phố Đội Cung I, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa phản ánh với phóng viên về khu dân cư xuống cấp do dự án “treo”.

Bên cạnh việc nói lên tiếng nói của người dân để các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, hằng năm, Báo Thanh Hóa còn gửi hàng chục công văn tới các cơ quan, đơn vị, địa phương yêu cầu xem xét, giải quyết trả lời báo và công dân theo quy định. Hầu hết các đơn vị, địa phương đều có phản hồi tích cực, kịp thời đối với những công văn chuyển đơn của báo, cho thành lập đoàn kiểm tra, xác minh sự việc, chuyển công văn hồi âm kèm những bản kết luận, báo cáo liên quan đến sự việc. Tuy nhiên, cũng có địa phương “phớt lờ” trách nhiệm trả lời báo, mặc dù Điều 39 Luật Báo chí năm 2016 đã nêu rõ: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết”. Chính sự không kịp thời trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như né tránh trả lời công văn của báo dẫn đến người dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn, thư vượt cấp.

Năm 2020 khép lại, cũng là thời điểm Báo Thanh Hóa nhìn lại việc làm “cầu nối” giữa người dân với cơ quan, ban, ngành, chính quyền cơ sở. Mỗi đơn, thư khi phóng viên về cơ sở tìm hiểu viết bài, đăng báo được cơ quan chức năng trả lời, giải quyết; hay mỗi công văn chuyển đi có sự hồi âm kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, sự tự hào cho người làm báo nói riêng và thành công của tờ báo nói chung. Bởi thông qua “cầu nối” này, nhiều tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân đã được truyền tải đến cơ quan chức năng. Và cũng từ đó, tiếng nói của cơ quan chức năng cũng đã đến được với đông đảo người dân qua kênh thông tin chính thống, định hướng dư luận, tránh tình trạng thông tin thiếu chuẩn xác hoặc bị đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo, xúi giục người dân gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tập trung đông người, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tô Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]