(Baothanhhoa.vn) - Nhắc đến đền Đồng Cổ ở xứ Thanh, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến bóng dáng ngôi đền thiêng nằm nép mình dưới chân núi Tam Thai (làng Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định). Tuy nhiên, ít ai biết rằng, xứ Thanh còn có ngôi đền Đồng Cổ ở làng Mỹ Đà, xã Hoằng Minh (sau sáp nhập vào xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa) chẳng kém phần danh giá, linh thiêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng Cổ anh linh

Đồng Cổ anh linh

Nét đẹp cổ kính, trầm mặc của đền Đồng Cổ (xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa).

Nhắc đến đền Đồng Cổ ở xứ Thanh, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến bóng dáng ngôi đền thiêng nằm nép mình dưới chân núi Tam Thai (làng Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định). Tuy nhiên, ít ai biết rằng, xứ Thanh còn có ngôi đền Đồng Cổ ở làng Mỹ Đà, xã Hoằng Minh (sau sáp nhập vào xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa) chẳng kém phần danh giá, linh thiêng.

Cũng như ngôi đền chính ở làng Đan Nê, đền Đồng Cổ ở xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa gắn liền với những câu chuyện huyền thoại, thần tích, truyền thuyết, dã sử về thần Đồng Cổ - vị thần có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ thời Hùng Vương, trải qua lịch sử các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần - Hồ, Hậu Lê vẫn ghi lại những công trạng phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm của thần Đồng Cổ thông qua các lần linh ứng hiển linh báo mộng.

Thần tích thần Đồng Cổ (xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa) ghi lại rằng: Lại nói lúc đó Thái tông còn đang là Thái tử, chưa lên ngôi vua, nhưng đã đem quân đi dẹp giặc Chiêm, khi tiến quân đến đất Đan Nê, huyện Yên Định được thần Đồng Cổ hiển linh báo mộng. Trong một lần tiến quân đến nơi đồn trú của giặc Chiêm, hai bên đại giáp chiến một trận. Đương lúc thế trận còn chưa phân thắng bại thì Thái tử cho quân rút về Trường An. Qua địa giới trang Mỹ Cụ, huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung là lúc giữa trưa, bỗng thấy trời nổi mưa gió, sấm chớp dữ dội, không thể tiến quân tiếp được, Thái tử bèn dừng xa giá, cho quân nghỉ lại ở đây.

Trong khoảnh khắc thì trời quang mây tạnh trở lại. Thái tử mới nhận ra địa hình của bản trang như một đóa hoa sen, được che bởi một đám mây mờ. Thái tử cho là sự lạ, lập tức cho lập đàn tế ngay tại chỗ và đốt hương ngầm khấn. Đến nửa đêm bỗng thấy một vị thần nhân dáng hình uy nghi như người trong mộng trước đây, đứng ở trên đàn tế tự xưng “Ta là Sơn Thần Đồng Cổ, theo vua đi dẹp giặc. Nay thấy nơi đây là đất linh thiêng cho nên hiển ứng”. Nói xong tự nhiên bay lên trời biến mất. Lại thấy một dải mây vàng tựa như tấm lụa từ trên trời giáng xuống ngay giữa đàn tế. Trong đám mây có viết hai chữ “Bảo Hựu”. Một lát sau thì dải lụa biến mất (đó là mùng 10 tháng giêng là ngày “Linh hiện”). Bấy giờ Thái tử mới cho là có thần linh ứng phù trợ, bèn cấp tốc cử giá tiến quân vào đồn giặc, giáp chiến một trận. Giữa trận tự nhiên nổi lên ba tiếng trống đồng lớn vang như tiếng sấm dậy. Quân giặc thấy vậy tưởng như trời đang trợ giúp cho quân ta, bèn cùng nhau bỏ chạy tan tác, không dám chống lại quân ta, thế là nhẹ nhàng mà giặc lui quân. Đẩy lui quân giặc, Thái tử khải hoàn trở về triều đình, mở tiệc lớn ăn mừng, khao thưởng ba quân tướng sĩ. Khi lên ngôi, vua Lý Thái tông bèn lệnh cho đình thần đem sắc chỉ về bản trang, truyền cho dân dựng đền thờ trên chỗ đất Hoa Sen xưa từng là nơi lập đàn tế làm nơi hương khói phụng thờ. Lại cấp cho dân trang 70 quan tiền để làm tiền công quỹ hương khói. Còn cấp cho dân trang 30 quan để làm tiền công quỹ sửa sang đền miếu. Ngoài ra còn miễn việc binh lương phu dịch trong 3 năm. Bao phong mỹ tự cho thần là Thượng đẳng phúc thần. Ngàn năm thờ cúng hưởng lộc nước mãi mãi lấy đó làm hằng lệ vẻ vang thay. Sắc chỉ cho phép trang Mỹ Cụ, huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa được làm dân hộ nhi phụng thờ thần hương hỏa muôn đời chính tại nơi đền thiêng này. Đền được dựng ở vị thế đắc địa, “phía trước có mộc tinh làm án, phía sau có kim tinh làm gốc tựa, bên trái thuộc kim, bên phải thuộc mộc. Tất thảy đều chầu vào chính đất hoa sen”. Vì vậy, ngoài tên gọi Đồng Cổ, đền có tên gọi khác là ít phổ biến hơn là Liên Hoa linh từ do địa thế của làng và vị trí ngôi đền tọa lạc trông giống như một đóa hoa sen.

Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây, ngôi đền được thiết kế theo hình chữ Nhị, bao gồm: Nhà tiền đường - 5 gian và nhà chính tẩm - 3 gian. Phía trước đền (hướng Tây Bắc) là hồ bán nguyệt, tạo ra thế tụ thủy cho “chính đất hoa sen” này. Phía sau hồ bán nguyệt là bức bình phong án ngữ, điểm thêm cho “mặt tiền” của ngôi đền nét đẹp riêng. Bước qua bức bình phong sẽ đến với nghinh môn của đền, được xây dựng 3 gian, lợp ngói, mở 3 hệ thống cửa. Từ nghinh môn đi vào bái đường (sân); hai bên bái đường là giải vũ, cuối cùng là đền thờ chính. Trải qua biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, công trình kiến trúc đền Đồng Cổ được xây dựng từ thời Lý hiện không còn nữa. Để tưởng nhớ công đức của vị thần đã có công phò vua giúp nước, nhiều lần linh ứng báo mộng hóa giải vận nước lúc lâm nguy, ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo dựa trên nền cũ.

Ngôi đền hiện nay được xây dựng theo hình chữ Đinh với khu tiền đường (5 gian), hậu cung chạy dọc và tường bao quanh. Tại tiền đường, không gian thờ tự được bày trí trang trọng, tôn kính. Ngay giữa tiền đường là nơi đặt hương án hội đồng. Mặt trước và hai mặt bên hương án chạm khắc tứ linh. Phía trên hương án là bức cửa võng chạm thủng hình long, phượng được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trên cùng là bức đại tự đề bốn chữ: Đồng Cổ Anh Linh. Phía trước hương án còn một sập đá (hình chữ nhật). Đây là hiện vật gốc của đền, chất liệu đá xanh mịn. Hậu cung nối liền với gian giữa tiền đường có chiều rộng 3m, chiều dọc 4m. Đây là nơi đặt hương án và long ngai thờ thần Đồng Cổ. Hương án thờ có chiều cao 1m05, chiều rộng 0,95m, chiều dài 1m65. Mặt tiền hương án, ở trung tâm trang trí hình hổ phù, hai bên trang trí hình hai con phượng chầu vào. Hằng năm, vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, tại ngôi đền Đồng Cổ, chính quyền và Nhân dân địa phương lại háo hức, nô nức tổ chức Lễ hội Kỳ phúc cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho thần linh phù trợ cho con cháu học hành, đỗ đạt cao, mùa màng tươi tốt bội thu, đời sống no đủ, đem đến sự may mắn cho mọi người, mọi nhà. Quan trọng hơn, lễ hội là dịp để dân làng và du khách thập phương thể hiện lòng thành kính, biết ơn các vị anh hùng có công lập ấp, lập làng, phò vua giúp nước.

Dẫu rằng, kiến trúc cổ của ngôi đền Đồng Cổ (xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa) không còn được lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn nhưng giá trị văn hóa - lịch sử nơi đây vẫn mãi lưu truyền đến muôn đời sau. Sức sống của ngôi đền không chỉ nhắc nhớ về câu chuyện thần thoại, dã sử gắn với vị thần có công phò vua giúp nước. Hơn hết, ngôi đền tựa như nốt nhạc sâu lắng, trầm mặc, thấm đẫm tự hào về bề dày truyền thống, danh giá cội nguồn của nơi “chôn nhau cắt rốn”; qua đó tạo nên nguồn động lực để các thế hệ cháu con hôm nay, mai sau biết noi gương cha ông mà nỗ lực phấn đấu, vững bước tiến lên xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]