(Baothanhhoa.vn) - Có mặt ngay khi tai nạn giao thông xảy ra, nhanh chóng sơ cấp cứu (SCC), bảo vệ tài sản cho nạn nhân và đưa nạn nhân đi cấp cứu. Đó là công việc âm thầm mà ý nghĩa của những thành viên điểm SCC tai nạn giao thông của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông: Mô hình cần được nhân rộng

Có mặt ngay khi tai nạn giao thông xảy ra, nhanh chóng sơ cấp cứu (SCC), bảo vệ tài sản cho nạn nhân và đưa nạn nhân đi cấp cứu. Đó là công việc âm thầm mà ý nghĩa của những thành viên điểm SCC tai nạn giao thông của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Thanh Hóa.

Điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông: Mô hình cần được nhân rộng

Tập huấn sơ cấp cứu tai nạn giao thông cho các tình nguyện viên.

Mô hình điểm SCC tai nạn giao thông được Hội CTĐ tỉnh phối hợp cùng Ban An toàn giao thông tỉnh thành lập từ năm 2014, với 8 điểm SCC tai nạn giao thông tại những nơi xung yếu, “điểm đen” giao thông trên Quốc lộ 1A, thuộc huyện Hà Trung và huyện Hoằng Hóa. Với hiệu quả thiết thực, mô hình đã được nhân rộng trên nhiều tuyến đường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 55 điểm SCC tai nạn giao thông tại các tuyến Quốc lộ 1A, góp phần tích cực trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của người bị tai nạn giao thông. Mỗi điểm SCC tai nạn giao thông được bố trí 5 tình nguyện viên CTĐ. Các tình nguyện viên được tập huấn kiến thức, kỹ năng SCC, trang bị biển báo có thông tin của các tình nguyện viên, cáng cứu thương và các thiết bị, dụng cụ y tế, có thể trực tiếp tham gia SCC tai nạn giao thông tại các địa phương. Các điểm SCC tai nạn giao thông đã trở thành một địa chỉ tin cậy, đồng thời là “phao cứu sinh” cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông trên các tuyến đường. Trung bình mỗi năm, các điểm SCC đã xử lý kịp thời cho hàng trăm nạn nhân và chuyển đến trạm xá, bệnh viện, giảm thiểu thương vong, mất mát tài sản cho các nạn nhân.

Huyện Hà Trung đã thành lập được 7 điểm SCC tai nạn giao thông. Mỗi điểm SCC tai nạn giao thông đã SCC và bảo vệ tài sản cho khoảng 30-40 trường hợp bị tai nạn giao thông trên các tuyến đường. Các tình nguyện viên tham gia SCC được lựa chọn trên tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, có kỹ năng SCC. Tìm đến điểm SCC tai nạn giao thông Bắc cầu Lèn – thị trấn trên Quốc lộ 1A, chúng tôi được biết, đây là một điểm đen giao thông, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn. Tại đây chúng tôi đã gặp và trò chuyện với bác Nguyễn Mạnh Tần (62 tuổi) – đội trưởng điểm SCC này. Bác Tần cho hay: Những người tham gia điểm SCC tai nạn giao thông thường là nghề xe ôm, thường xuyên đi lại, nhanh chóng di chuyển khi có thông tin về tai nạn giao thông. “Tôi làm nghề xe ôm gần 20 năm, nhà gần quốc lộ, nơi giao nhau với đường sắt - đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Khi chưa có các điểm SCC tai nạn giao thông, tôi vẫn thường cứu giúp các nạn nhân bị thương tích do va chạm giao thông. Khi tham gia vào các điểm SCC trên tuyến quốc lộ, tôi và các thành viên được tập huấn SCC hàng năm; trang bị thêm những thiết bị, vật tư y tế cần thiết gồm, túi thuốc cấp cứu, cáng và nẹp cố định để tham gia SCC ban đầu cho nạn nhân”, bác Tần chia sẻ.

Không chỉ SCC cho nạn nhân, các thành viên điểm SCC còn tham gia bảo vệ tài sản và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, cũng như liên lạc với người nhà nạn nhân. Anh Lê Đình Thao, thành viên điểm SCC tai nạn giao thông tại km 315 + 474 xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), chia sẻ: Nhận được thông tin nạn nhân chúng tôi nhanh chóng mang theo túi thuốc cấp cứu có mặt tại hiện trường. Các tình nguyện viên đưa nạn nhân vào nơi an toàn, người kiểm tra vết thương, băng bó, cầm máu; người gọi xe cấp cứu đến chở nạn nhân đến bệnh viện gần nhất; đồng thời bảo vệ đồ đạc, tài sản của nạn nhân để giao lại cho người nhà của họ.

SCC tai nạn giao thông là một việc làm mang ý nghĩa nhân đạo, thể hiện tính cộng đồng, giảm thiểu rủi ro, thương vong trong va chạm giao thông. Hiểu rõ tầm quan trọng của SCC trong tai nạn giao thông, các cấp hội CTĐ đã thành lập và thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng SCC cho các tình nguyện viên, giúp họ nắm vững nguyên tắc xử lý, thành thạo các động tác băng bó, cầm máu, cố định xương gãy, phương pháp di chuyển nạn nhân và các kỹ năng thông thường. Ngoài ra, Hội CTĐ tỉnh còn phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tập huấn, truyền thông về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng SCC cho người dân các địa phương từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ thương tích và tử vong trong tai nạn giao thông đường bộ, tầm quan trọng của SCC ban đầu trong các tình huống tai nạn. Đồng thời, hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị, túi cấp cứu, thuốc và dụng cụ cần thiết cho các điểm SCC để các thành viên đội SCC thuận tiện thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân.

Ông Lê Xuân Hảo, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Thời gian qua mô hình SCC tai nạn giao thông đã phát huy hiệu quả. Nhằm tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các điểm SCC, trong năm 2020, Hội CTĐ tỉnh tăng cường phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức các khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng SCC cho các tình nguyện viên CTĐ; tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ thành lập các điểm SCC tai nạn giao thông, tại các “điểm đen” trên quốc lộ, đường tỉnh. Dự kiến trong năm 2020, Hội CTĐ tỉnh sẽ khảo sát và thành lập thêm 17 điểm SCC tai nạn giao thông.

Bài và ảnh: Nguyễn Thùy


Bài Và Ảnh: Nguyễn Thùy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]