(Baothanhhoa.vn) - Trong thời đại “sống chung với công nghệ” như hiện nay, không ít gia đình để trẻ xem ti vi, điện thoại, các thiết bị điện tử một cách thái quá. Để con không quá lạm dụng các thiết bị công nghệ, sự đồng hành của bố mẹ đóng vai trò quan trọng.

Để con rời màn hình điện thoại, ti vi - cần sự đồng hành của phụ huynh

Trong thời đại “sống chung với công nghệ” như hiện nay, không ít gia đình để trẻ xem ti vi, điện thoại, các thiết bị điện tử một cách thái quá. Để con không quá lạm dụng các thiết bị công nghệ, sự đồng hành của bố mẹ đóng vai trò quan trọng.

Để con rời màn hình điện thoại, ti vi - cần sự đồng hành của phụ huynhKhuyến khích con phát triển các bộ môn năng khiếu để hạn chế thời gian xem ti vi, điện thoại.

Vốn làm ở ngành ngân hàng, nên việc dành nhiều thời gian cho đứa con trai 5 tuổi đối với chị Nguyễn Thị Thảo (nhà 1, khu chung cư Đông Phát, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) là không dễ. Chị Thảo chia sẻ, ngay từ khi con bắt đầu tập ăn dặm, để dễ dàng cho con ăn, bố mẹ đã cho xem ti vi, điện thoại. Lớn hơn một chút, con trở nên nghịch hơn nên cho con xem ti vi, điện thoại vẫn là giải pháp “tối ưu”. Có những khi, bố mẹ đi làm buổi sáng con đã xem ti vi, cho đến hết giờ làm buổi trưa về vẫn thấy con chăm chú xem ti vi với bà. Lâu dần con trở nên “nghiện” các thiết bị công nghệ (ti vi, điện thoại, ipad).

Cũng theo chị Thảo, mong muốn của chị là con phải vui vẻ rời màn hình điện thoại, ti vi chứ không mang tính ép buộc, miễn cưỡng trong ngày một, ngày hai. Do vậy ban đầu, chị khuyến khích con vào những việc mà con yêu thích như đá bóng, tô màu cho các nhân vật hoạt hình. Mỗi buổi tối, sau bữa ăn chị đều dành thời gian cùng con chơi trò chơi, cùng con tô màu và sáng tác những câu chuyện lý thú về các nhân vật hoạt hình theo tranh mà con vẽ. Mỗi ngày một chút đã khiến con chị giảm dần thời gian xem ti vi, điện thoại.

Còn với câu chuyện của chị Lê Thị Thúy (xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn) có lẽ sẽ khiến cho nhiều người suy nghĩ. Chị cho biết, mỗi khi chị “giành giật” lại điện thoại từ tay đứa con trai 7 tuổi, thằng bé đã biểu hiện sự phẫn nộ bằng cách lăn ra khóc, quát ầm ĩ. Thậm chí phớt lờ mọi lời đề nghị của bố mẹ, im lặng cả tuần ngoại trừ câu nói “con không yêu mẹ”. Trước thái độ và hành vi ngày càng gay gắt của con, chị Thúy đã quyết tâm thay đổi con bằng mọi cách. “Tôi đã nghiên cứu hàng giờ và đọc nhiều sách về nuôi dạy con từ các chuyên gia. Tôi bắt đầu tham gia các nhóm facebook về dạy con trong hạnh phúc, nuôi dạy con thông minh, dạy con trưởng thành... Và tôi đã quyết định nghỉ việc ở công ty một thời gian để đồng hành cùng con” - chị Thúy chia sẻ.

Thực tế hiện nay, không chỉ ở thành thị mà ngay cả những vùng nông thôn, phần lớn trẻ em được “rèn luyện” thói quen xem ti vi, điện thoại hàng ngày từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù, đa số phụ huynh đều ý thức được tác hại của việc lạm dụng các thiết bị công nghệ có kết nối internet đối với con cái. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen của trẻ ở mỗi gia đình luôn là cả một “cuộc chiến” dài hơi.

“Cuộc chiến giữa cha mẹ với con trẻ và các thiết bị điện tử dường như chưa bao giờ kết thúc. Vì sao các thiết bị điện tử như điện thoại, ti vi lại có sức hút khó cưỡng đối với con trẻ như vậy, câu trả lời có thể là bởi vì hình ảnh quá là sinh động, hấp dẫn. Ở đó, trẻ có cảm giác mình được sống cùng với thế giới của những hình ảnh, câu chuyện đang hiện ra trước mắt. Cũng chính ở đó trẻ có cảm giác được tương tác với những hình ảnh. Và vì vậy, cách tốt nhất để giúp cho cuộc chiến này trở nên dễ dàng đó là chúng ta trao cho trẻ những cuốn sách đẹp và có khả năng tương tác giống như các thiết bị điện tử, giống như một màn hình hiện ra trước mắt”. Đó là chia sẻ trên trang facebook cá nhân của chị Phan Hồ Điệp - giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cũng theo chị Phan Hồ Điệp, thay vì cấm trẻ dùng các thiết bị điện tử, phụ huynh nên bên cạnh tương tác với con và đưa ra những điều khoản phù hợp. Môi trường mạng internet cũng giống như cuộc đời, có phần tốt, có phần xấu. Thay vì cấm con, bố mẹ nên đồng hành và dạy con cách vượt qua những thách thức. Đó cũng chính là cách thể hiện sự cầu thị của phụ huynh đối với con trẻ.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, không ít gia đình đã tăng thời gian dùng ti vi, điện thoại cho con để gìn giữ sự “bình yên”. Tuy nhiên, cũng có không ít bố mẹ đã dành khoảng thời gian này để gần gũi con hơn thông qua các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống. Để thiết lập lại thời gian dùng các thiết bị công nghệ có kết nối internet, nhiều bố mẹ đã khuyến khích con cái tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn; một số lại khuyến khích con phát triển các hoạt động năng khiếu, hoặc kiểm soát thời gian và quy định giờ dùng mỗi ngày... Tuy nhiên, mọi “chiến lược” sẽ không thực sự hiệu quả nếu không có sự đồng hành của bố mẹ, hoặc yêu cầu con tắt ti vi, điện thoại khi chính bố mẹ chưa làm được điều này.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]