(Baothanhhoa.vn) - Một nhà sư đã từng nói với tôi rằng, chữ hiếu trong cuộc đời này rộng lắm! Nó không đơn thuần là hiếu kính với cha mẹ bằng tiền tài, vật chất hay phải luôn luôn ở bên chăm nom, phụng dưỡng mà đôi khi là sự hy sinh thầm lặng để được thấy nụ cười hạnh phúc, an lạc của mẹ cha... hay đơn giản là những bữa cơm sum vầy trong sự yêu thương, hòa thuận...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đạo làm con và chữ hiếu thời hiện đại

Một nhà sư đã từng nói với tôi rằng, chữ hiếu trong cuộc đời này rộng lắm! Nó không đơn thuần là hiếu kính với cha mẹ bằng tiền tài, vật chất hay phải luôn luôn ở bên chăm nom, phụng dưỡng mà đôi khi là sự hy sinh thầm lặng để được thấy nụ cười hạnh phúc, an lạc của mẹ cha... hay đơn giản là những bữa cơm sum vầy trong sự yêu thương, hòa thuận...

Hạnh phúc của người già là được quây quần bên con cháu.

Đừng yêu thương khi quá muộn

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, từ nhỏ tôi luôn được răn dạy phải biết hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Nhưng có lẽ, trong tâm hồn non nớt của tôi chưa thể hình dung ra sự sâu xa và rộng lớn của việc báo ân mỗi dịp Vu lan về. Tôi đi tìm hình tượng mẫu mực trong cuộc sống về những người con hiếu thảo, những con người lớn lao và vĩ đại như ngài Mục Kiền Liên trong kinh Báo Ân. Nhưng tôi quên mất rằng những hành động nhỏ cũng có thể làm nên những điều to lớn. Từng hạt cát hiếu đạo vẫn hàng ngày được vun bồi ở mỗi người xung quanh mà ta không nhận thấy và dễ dàng quên lãng. Chữ Hiếu được thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong ánh mắt yêu thương, trong cử chỉ thân thương của em bé khoanh tay chào cha mẹ, ông bà lúc đi học về và trong bữa cơm gia đình ấm cúng, sum vầy. “Nhà có mẹ ở cùng nên vợ chồng tôi luôn tế nhị trong cách cư xử để được trong ấm, ngoài êm. Nhiều khi, công việc mình bận rộn, tôi vẫn cố gắng dạy con cái về cách đối xử với ông bà. Đứa con 6 tuổi của tôi, mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, luôn vào phòng tắt điện cho bà, chúc bà ngủ ngon. Khi bà đau nhức xương thì biết xoa dầu đấm bóp. Những cử chỉ tuy nhỏ nhưng tôi nghĩ, chữ hiếu đang được nuôi dưỡng từng ngày” - anh Nguyễn Văn Quang, 35 tuổi, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, chia sẻ.

Cuộc sống tất bật khiến nhiều người không có thời gian chăm sóc bố mẹ. Họ chỉ còn biết khóc thật nhiều, làm đám tang thật lớn như một sự an ủi, ăn năn khi bố mẹ ra đi. Sự hiếu thuận... muộn màng ấy ngày càng phổ biến. Khi nói về chữ hiếu, nhiều người trẻ cũng ý thức được rằng họ chưa làm tốt. Bởi khi họ có công việc ổn định, đồng lương kha khá, họ cũng nghĩ đến sắm sửa đồ đạc trong nhà, mua cho bố mẹ cái này, cái kia. Dù như thế cũng được coi là có hiếu, nhưng thực tế, có thể bố mẹ họ tự hào, vui vì những điều con cái làm nhưng điều bố mẹ cần nhất chính là sự gần gũi, quan tâm, chăm sóc của con cái thì họ lại không làm được.

Ông Nguyễn Văn Quyến, 55 tuổi, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, cho biết: “Dù bận rộn đến mấy, mỗi năm, tôi đều dành hơn một tháng để về quê, tự tay nấu những món ăn mẹ thích, trò chuyện và đưa mẹ đi chơi. Các anh em của tôi dù ở xa hay gần đều thu xếp công việc để luân phiên nhau và bao giờ cũng phải ít nhất một người có mặt bên cạnh mẹ. Bởi, nếu thuê dịch vụ chăm sóc thì gia đình thừa sức, nhưng điều đó có làm bố mẹ tôi sống vui vẻ những ngày cuối đời không?”.

Ai đó đã từng nói, có bố mẹ già như “báu vật” của gia đình. Nhưng với nhiều người, “báu vật” ấy là một gánh nặng, một sự phiền hà không có cách gì rũ bỏ. Họ đành tìm cách để bố mẹ già tách ra khỏi cuộc sống của mình. Nếu không thể đùn đẩy cho ai, thì có người “nhốt” các cụ lại trong một căn phòng và coi như thế đã là làm tròn phận sự. Cụ H., 83 tuổi, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa), đang sống trong hoàn cảnh như vậy. Cụ bị con trai và con dâu “cấm cung”, mỗi lần có người họ hàng ở quê ra thăm, cụ lại bám chặt lấy, nài nỉ họ cho về quê cùng. Về đấy dù có nhịn đói, hay ăn khoai, ăn sắn cũng được. Ở đây, cụ không thiếu gì cả, nhưng thiếu tình cảm, thiếu tiếng cười. Mang tiếng ở cùng nhà với con cháu, mà có bao giờ được gặp mặt. Mấy đứa chắt nhỏ, mỗi lần tò mò định vào chơi với cụ, lập tức bị bố mẹ chúng gọi giật lại, nói vào đấy làm gì, nhỡ cụ lại lây bệnh gì cho thì sao. Thương cụ, nhiều người trong họ cũng mở lời xin cho cụ về quê chơi ít hôm, con trai cụ lập tức quát lên: “Tôi không nuôi được mẹ hay sao, mà phiền đến mọi người”. Cứ thế, dần dần không ai dám đến thăm cụ nữa. Cụ đã cô độc, lại càng cô độc hơn trong chính căn nhà của con cháu mình.

Câu chuyện về một gia đình có hai người còn trai, phân công nhau nuôi bố mình theo từng tháng có lẽ không quá hiếm hiện nay, nhưng người nghe vẫn không khỏi rơi nước mắt. Ông B., 72 tuổi, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa), đã tần tảo nuôi hai con trai khôn lớn trong cảnh “gà trống nuôi con” suốt mấy chục năm trời. Lo cho con học đại học, rồi lo cho cả hai có chỗ làm tử tế. Khi cả hai lấy vợ thì ông đã già, họ bàn với ông bán ngôi nhà cũ để chia tiền cho hai con mua nhà riêng, rồi bố muốn ở với con nào cũng được. Thương các con, ông B. chấp nhận bán để chúng thêm tiền mua hai ngôi nhà ở nơi khác. Nhưng khi đã có cơ ngơi riêng, họ phân công nhau chăm ông hàng tháng, thậm chí hơn thua một ngày cũng tị nạnh nhau. Tủi nhục đấy, nhưng ông cũng đành nuốt nước mắt ngậm ngùi.

Đúng là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con cái quá bận rộn, không có thời gian để chăm sóc, quan tâm đến bố mẹ già, chữ hiếu cũng khác đi. Hơn nữa, do nhà cửa chật hẹp hoặc cao tầng, để các cụ đi lại không tiện, nhưng “nhốt” các cụ lại cho yên chuyện hoặc phân công nhau nuôi thì... thật là khó chấp nhận.

Văn hóa hiếu thuận thay đổi theo sự phát triển của xã hội

Theo Đại đức Thích Trúc Thông Tánh, Trụ trì Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tháng 7 âm lịch là dịp Vu lan báo hiếu. Việc đi chùa, cúng lễ, làm việc thiện của người dân là nhằm tạo phúc an lành để báo hiếu cha mẹ hiện tại cũng như người đã khuất. Tuy nhiên, việc báo hiếu phải thể hiện ngay trong cuộc sống thực, lúc cha mẹ còn sống. Đức Phật cũng dạy cha mẹ chính là vị Phật thiêng liêng mà mỗi người cần báo hiếu, tri ân. Nếu tháng 7, ngày rằm chỉ chăm chăm đi thắp hương, cúng bái, đốt vàng mã mà quên đi việc chăm sóc cha mẹ, ông bà hiện tại thì đó là việc bất hiếu. Như vậy, có Phật trong nhà không thờ mà thờ ông Phật ngoài đường.

Đại đức Thích Trúc Thông Tánh chia sẻ: “Không ít người vô tâm cho rằng việc bố mẹ chăm sóc con là “nước mắt chảy xuôi”, là việc làm đương nhiên nên không nâng niu, trân trọng. Lại có người vì bận rộn, vì chạy theo nhiều mục đích cá nhân mà bỏ quên cha mẹ, xao nhãng trách nhiệm với cha mẹ, đến lúc cha mẹ mất đi mới hối tiếc, mới đau khổ”.

Làm tròn chữ hiếu trong bối cảnh xã hội hiện tại thực sự đang là một vấn đề cần được hóa giải một cách cân nhắc, có xét đến thực trạng cuộc sống thực tế. Ngày nay, không thể đòi hỏi thế hệ con cháu, khi chịu tang, phải xin nghỉ việc công như các quan lại thời xưa. Nghỉ như vậy có thể mất chức, mất việc. Ngay đến việc chăm sóc các cụ già, bây giờ cũng không thể có mẫu người như Lão Lai Tử ngày đêm đùa rỡn làm cho cha mẹ vui, bởi làm như thế thì lấy đâu ra thời gian lao động kiếm sống? Cũng không thể bầy tỏ lòng hiếu thảo một cách mù quáng như Canh Kiềm Lâu: Nếm phân để biết tình trạng sức khỏe của cha mẹ! Càng không cần thương kính cha mẹ như Tăng Sâm: Khi nhìn thấy mẹ cắn móng tay, mà trái tim người con thấy xót xa như chính bản thân đang đứt ruột vậy... “Để dung hòa chữ hiếu với đời sống hiện tại, để khơi thông bế tắc thì tự thân mỗi người phải biết điều chỉnh bản thân bằng nhiều cách. Hiếu nghĩa vẫn là nét đẹp của đạo lý làm người, nó không phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện sống mà do ý thức quyết định” - Đại đức Thích Trúc Thông Tánh nhận định.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người có nhiều tác phẩm viết về mẹ, chia sẻ: “Trong một lần giao lưu với sinh viên, họ có hỏi tôi bí quyết lớn nhất để có được hạnh phúc là gì? Tôi nói với họ rằng: Được ở bên cha mẹ càng nhiều càng tốt. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên hạnh phúc”.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, việc những người con nghĩ rằng chỉ cần chăm sóc cha mẹ đầy đủ vật chất là họ có thể yên tâm, không phải áy náy gì. Đấy là một sai lầm và đấy cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự bất hiếu. Cũng có những người không có khả năng đảm bảo đời sống vật chất cho cha mẹ thì họ cảm thấy mình là đứa con bất hiếu. Với tôi, khi một đứa con nhận ra mình bất hiếu và đau khổ vì điều đó thì đó cũng là bắt đầu chữ hiếu. Hay chỉ đơn giản, con cái không làm cho cha mẹ lo lắng và lo sợ về cuộc đời những đứa con của mình thì những đứa con đó là những đứa con có hiếu.

Xã hội ngày càng “già” đi trông thấy. Nghĩa là số người cao tuổi ngày càng đông, càng chiếm một tỷ lệ rất lớn trong cộng đồng dân cư. Thiết nghĩ, việc tổ chức chăm lo cho thế hệ người già, không thể phó mặc cho từng gia đình cá thể, mà phải được coi như một chính sách xã hội quan trọng. Xây dựng và phát triển các nhà dưỡng lão hoàn chỉnh, là một ví dụ. Các nhà này có đầy đủ các phương tiện và con người có chuyên môn phù hợp, để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; vừa giúp các cụ có nơi giao lưu, vui sống những năm tháng cuối đời, tránh được cuộc sống “vò võ” cô đơn trong những căn nhà cho dù có là biệt thự nguy nga! Có lẽ đó là một trong những cách tốt nhất giúp con cháu các gia đình thực hiện được chữ hiếu phù hợp điều kiện làm ăn sinh sống ở thời buổi đua tranh trong cơ chế thị trường sôi động và đầy biến đổi này.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]