(Baothanhhoa.vn) - Trong Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, cùng với phần lễ là phần hội. Đặc biệt, với phần hội, ngoài các tiết mục văn nghệ, thể thao, người dân còn được chung vui trong bữa cơm đoàn kết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về bữa cơm đoàn kết

Trong Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, cùng với phần lễ là phần hội. Đặc biệt, với phần hội, ngoài các tiết mục văn nghệ, thể thao, người dân còn được chung vui trong bữa cơm đoàn kết.

Chuyện về bữa cơm đoàn kết

Bữa cơm đoàn kết gắn chặt thêm tình làng, nghĩa xóm.

Với người dân miền núi, bữa cơm đoàn kết có nhiều điều thú vị hơn bữa cơm đoàn kết ở miền xuôi. Ở miền núi, trong bữa cơm này không thể thiếu rượu cần, lấy lá canh (lá chuối) thay mâm để đựng thức ăn... Bà con vừa thưởng thức món ăn, vừa đắm mình trong điệu khua luống, nhảy sạp...

Ở xã Hải Long (Như Thanh), hầu như năm nào các khu dân cư tại đây cũng đều tổ chức bữa cơm đoàn kết trong Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ông Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch MTTQ xã Hải Long cho biết: Xã có 9 thôn thì có đến 80% tổ chức bữa cơm đoàn kết, có thôn thì chỉ tổ chức vui chơi. Trước khi sáp nhập thôn, các thôn thường tổ chức ăn chung cả làng nhưng sau sáp nhập, số dân đông hơn, đường xa hơn nên tổ chức theo các tổ an ninh xã hội. Bữa cơm đoàn kết của bà con ở đây rất vui, có đủ các thành phần, đối tượng. Người già, con trẻ cùng ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn do chính người làng mình nấu...

Thôn Vĩnh Lợi, một trong những khu dân cư của xã Hải Long chưa năm nào phải “gác” lại bữa cơm đoàn kết. Nhớ về những bữa cơm đoàn kết này, phó ban công tác mặt trận Lô Văn Bộ cho hay: Vui lắm, đoàn kết lắm. Nhiều người đã phải say trong không khí vui tươi, đoàn kết này. Cái vui mà Lò Văn Bộ chia sẻ đấy là cái tình cảm gắn bó trong cộng đồng bởi không chỉ riêng ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” mà ở các phong trào, hoạt động khác, người dân thôn Vĩnh Lợi đều tích cực tham gia. Thôn Vĩnh Lợi có tới 98% là người dân tộc Thái với 164 hộ. Người dân thôn Vĩnh Lợi có thu nhập cao nhờ vào xuất khẩu lao động và các tổ hợp sản xuất, buôn bán. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại đây là 46 triệu đồng/năm. Vào Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, những người con xa quê nếu không có dịp về dự thì đều gửi tiền, quà về địa phương, góp tiếng nói chung vui cùng bà con thôn Vĩnh Lợi. Vậy nên, bữa cơm đoàn kết ở đây thường thịnh soạn hơn, có năm còn mổ cả trâu, bò.

Cũng như nhiều địa phương khác, ở xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy), trong bữa cơm đoàn kết, có rất nhiều món như lợn rừng, gà đồi, măng luộc... Chia sẻ của Chủ tịch MTTQ xã Cao Ngọc Thanh: Trước ở Cẩm Tú có 14 thôn, hiện ở Cẩm Tú còn 8 thôn với 2 dân tộc Mường, Kinh chung sống. Thường trong bữa cơm đoàn kết, các khu dân cư thường bắt 1 con lợn, khoảng 40-50 hộ góp lại và được tổ chức ăn uống ở nhà văn hóa hoặc ở nhà tổ trưởng. Những bữa cơm cũng bình dị nhưng rất vui, qua đó, gắn chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, bà con được xích lại gần nhau hơn, được hiểu nhau hơn và có thể bỏ qua cho nhau những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống thường ngày...

Có dịp về với Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở miền núi mới thấy được không khí thực sự của ngày hội. Ở miền núi có những đặc trưng riêng mà nếu như trong ngày vui này, chưa về đến đầu làng đã nghe tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên rộn rã. Bữa cơm đoàn kết có bình rượu cần, cùng say trong cái vui, cái tình ấm áp... Ngoài những bữa cơm gia đình thì bữa cơm đoàn kết ở khu dân cư trong Ngày Đại đoàn kết là điều thiêng liêng và đáng trân quý. Ở bữa cơm ấy như nhân lên sức mạnh của đoàn kết, của niềm tin... Bữa cơm đoàn kết được người dân hưởng ứng, đồng thuận cũng chính vì lẽ đó...

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài Và Ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]