(Baothanhhoa.vn) - Chưa bao giờ việc bán hàng online lại nở rộ như vài năm gần đây, nhất là từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Không chỉ các tiểu thương nhỏ lẻ mà các công ty lớn cũng tích cực bán hàng trên mạng. Từ đó đã “khai sinh” ra một nghề mới, nghề shipper (vận chuyển hàng).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện nghề shipper

Chưa bao giờ việc bán hàng online lại nở rộ như vài năm gần đây, nhất là từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Không chỉ các tiểu thương nhỏ lẻ mà các công ty lớn cũng tích cực bán hàng trên mạng. Từ đó đã “khai sinh” ra một nghề mới, nghề shipper (vận chuyển hàng).

Chuyện nghề shipper

Hiện tại, dù lực lượng shipper hùng hậu nhưng sức “hot” của nghề chưa hề giảm.

Để gia nhập đội quân shipper không khó. Chỉ cần có xe máy, điện thoại thông minh và thuộc các tuyến đường là có thể bắt tay vào làm việc. Công việc của shipper tưởng nhẹ nhàng, đơn giản, dễ kiếm tiền, nhưng thực tế đây là một nghề đầy thử thách, đối mặt nhiều rủi ro. Vì vậy, để “sống” được với nghề, đòi hỏi người làm nghề phải nhanh nhẹn, có thái độ phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp thì mới chiếm được sự tin tưởng của chủ hàng và làm hài lòng “thượng đế”.

Em Nguyễn Văn Nam, 29 tuổi, quê ở TP Thanh Hóa làm nghề shipper ngồi ăn đối diện trong quán phở với tôi, tay liên tục lấy giấy lau mồ hôi trên mặt. Thấy vậy, cô bán hàng bưng tô phở ra hỏi: “Hôm nay Nam gặp khách nào khó tính à?. Mới sáng ra mà trông vất quá”. “Khó tính thì còn đỡ cô ơi, đằng này hẹn rồi mà gọi cả chục cuộc khách mới nghe máy, khi nghe máy xong họ nói đi công tác rồi. Mai mang đến. Ngày gặp mấy khách như thế này đến bỏ nghề thôi cô ạ” - Nam trả lời.

Nhân tiện quán đang vắng khách, tôi bắt chuyện với Nam. Nam cho biết: Em làm nghề shipper đến nay cũng gần được 3 năm. Ngày đầu đi làm em nghĩ đơn giản là nhận hàng và nhận địa chỉ từ công ty, sau đó mang hàng đi giao cho khách là kết thúc nhiệm vụ và háo hức mong chờ kiếm được nhiều tiền. Nhưng sự thật không phải vậy, việc khách cho “leo cây”, khách quỵt tiền là “chuyện cơm bữa”.

“Một ngày em giao tầm bao nhiêu đơn? Mỗi đơn được bao nhiêu tiền?” - tôi hỏi.

- “Ngày bình thường em giao gần 40 đơn, mỗi đơn được khoảng 6 nghìn đồng. Một tháng nếu chạy liên tục, cộng cả lương cứng cũng được gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải tháng nào cũng chạy đủ 30 ngày mà có lúc mưa, lúc nắng, lúc ốm, lúc đau. Có những hôm gặp trời mưa to, đi ship hàng về sốt gần 40 độ, phải xin nghỉ 2 ngày liền” - Nam vừa cười, vừa kể.

- Vất vả như vậy, em có định chuyển nghề không?” - tôi hỏi.

- “Nghề nào cũng có vất vả riêng, nhưng nghề này có thời gian linh hoạt, chủ động được việc gia đình. Với mức thu nhập hiện tại so với mặt bằng chung cũng không phải là thấp. Đôi khi gặp được khách hàng dễ tính, họ nhận hàng lấy ngay, thỉnh thoảng còn được bo thêm tiền. Nghề là cái duyên, bén duyên được với nghề thì nó sẽ thành nghiệp thôi” - Nam nói.

Khác với em Nam, anh Quang Huy hiện đang là nhân viên văn phòng trên địa bàn TP Thanh Hóa, chọn shipper là công việc bán thời gian để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Anh Huy cho biết: “Mình là shipper ruột của một cửa hàng trên đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa hai năm nay rồi. Một ngày mình giao khoảng 20 đơn nội thành, phí ship dao động từ 10.000 - 20.000 đồng tùy mức độ gần xa. Trung bình mỗi ngày mình thu được 200.000 - 300.000 đồng. Vì shop bán rất đắt hàng nên mình không bao giờ thiếu việc, chỉ sợ không đủ sức khỏe để làm thêm thôi”.

- Anh có kỷ niệm đáng nhớ nào khi làm công việc này không?”.

Nghe tôi hỏi, anh Quang Huy chia sẻ: “Khi anh bắt đầu công việc shipper khoảng hơn 1 tháng, nhận ship hàng cho một bạn bán hàng online, là hàng đắt tiền, phải ứng ship, mình cứ nghĩ được một chuyến tốt nên sẵn sàng ứng tiền trước cho món hàng đó. Ai dè, khi chuyển hàng tới nơi, gọi điện thoại khách không nghe máy, gọi chủ hàng thì cũng không được. Mở hàng ra kiểm tra thì trong gói hàng toàn túi bóng. Khi đó mới biết mình bị lừa”.

Nói về kinh nghiệm làm shipper, anh Quang Huy cho biết: “Ngày mới vào nghề, kinh nghiệm chưa có nên đường đi không thông thạo, bị trễ hẹn với khách, khách hàng phàn nàn, đôi khi còn bị khách “bỏ bom”, trừ tiền ship, không chịu nhận hàng... Vì vậy, các bạn trẻ chuẩn bị bước chân vào nghề nên tuân thủ một vài nguyên tắc: Sắp xếp lộ trình giao hàng rõ ràng, hợp lý, luôn kiểm tra đơn hàng trước khi ship; gọi điện trước cho khách hàng; tìm hiểu trước về người thuê ship; ưu tiên người thuê là chủ shop hoặc khách quen. Điều này sẽ giúp các shipper mới vào nghề có thể hạn chế được các rủi ro, sự cố không mong muốn”.

Qua câu chuyện của em Nam, anh Quang Huy mới thấy rằng rất nhiều người có thể làm nghề shipper nhưng khi đã gắn bó với nghề, sống vì nghề thì dù làm bất cứ nghề gì cũng cần phải trau dồi một số kỹ năng để phục vụ công việc tốt hơn. Đối với nghề shipper cần có kinh nghiệm làm việc trong kho hàng hoặc vận chuyển hàng hóa, kỹ năng giải quyết vấn đề trong trường hợp cần thiết, khả năng xử lý nhiều đơn hàng. Shipper cũng đòi hỏi phải có kỹ năng giao tiếp, ứng xử lịch sự vì họ là người tiếp xúc, trao đổi với nhiều người. Bảo đảm hàng giao nhận cho khách không bị hư hỏng; kỹ năng tổ chức, sắp xếp các đơn hàng theo lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó cần có đạo đức nghề nghiệp, chăm chỉ, trung thực, sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, chịu được áp lực công việc, thông thạo đường phố hoặc biết sử dụng bản đồ.

Shipper thực sự là công việc phù hợp với không ít bạn trẻ hiện nay, nhất là các bạn trẻ mới ra trường nhưng chưa tìm được công việc ổn định hoặc đã đi làm nhưng muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nghề shipper ra đời cũng giúp giao thương hàng hóa trở nên thuận lợi hơn. Đây không hẳn là nghề dễ dàng mà nó được đánh đổi bằng sự cố gắng, nhọc nhằn, nhưng chỉ cần là một nghề kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức của bản thân và không phạm pháp thì nghề nào cũng là nghề đáng tự hào.

Bài và ảnh: Bảo Uyên


Bài và ảnh: Bảo Uyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]