(Baothanhhoa.vn) - Nhắc đến rừng lim, người ta thường nhắc đến Vườn Quốc gia Bến En nổi tiếng nơi quần tụ của nhiều loại lim và gỗ quý khác nhau. Thế nhưng ít ai biết được, ngay thị trấn nhỏ của huyện miền núi Lang Chánh lại có một đồi lim xanh lâu đời, là “lá phổi xanh” cho người dân nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện gìn giữ đồi lim xanh miền biên viễn

Chuyện gìn giữ đồi lim xanh miền biên viễn

Ông Hà Văn Chiếu bên một cây lim hàng chục năm tuổi.

Nhắc đến rừng lim, người ta thường nhắc đến Vườn Quốc gia Bến En nổi tiếng nơi quần tụ của nhiều loại lim và gỗ quý khác nhau. Thế nhưng ít ai biết được, ngay thị trấn nhỏ của huyện miền núi Lang Chánh lại có một đồi lim xanh lâu đời, là “lá phổi xanh” cho người dân nơi đây.

Người giữ hồn cho đồi lim xanh

Để đi tìm nguồn gốc lịch sử về đồi lim, tôi được giới thiệu tìm đến nhà cụ Lê Xuân Ngóc ở làng Chiềng Trãi, thị trấn Lang Chánh. Mặc dù đã hơn 80 tuổi, nhưng ký ức về rừng lim của người đảng viên này vẫn còn nguyên vẹn. Theo cụ Ngóc, việc trồng rừng ở Lang Chánh chậm hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Mãi cho tới những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, công tác trồng rừng mới bắt đầu được chú ý. Trong trí nhớ của cụ, trước khi có đồi lim, nơi này chỉ là quả đồi trọc với lác đác một số cây luồng. Năm 1969, huyện bắt đầu phát động trồng cây, những loài cây đầu tiên được chọn để trồng đó là cây lim, cây kim dao và cây quế. Năm ấy, những cán bộ trong huyện mỗi người trồng một cây kim dao hoặc cây quế, hai giống cây này được nhập từ huyện Thường Xuân về. Còn hơn 100 hộ dân làng Chiềng Trải lúc bấy giờ trồng cây lim lấy giống ngay tại huyện.

Trước năm 1992, khi chưa khoanh vùng bàn giao đất rừng, việc trông giữ cây rất khó. Ngày ấy, cuộc sống nơi miền biên viễn còn rất khó khăn, cơ cực, người dân sống chủ yếu nhờ rừng nên sợ rằng rừng xanh được quy đổi thành miếng cơm cho bà con. Những cây kim dao và cây quế được trồng dưới chân đồi ngày ấy đã bị mất trộm, chỉ còn những cây lim cứ thế thỏa sức vươn mình trên đỉnh đồi và tỏa bóng mát. Lúc này, chính quyền mới bắt đầu có chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ dân quản lý. Đồi lim khi ấy được giao cho ông Ngóc và ông Chiếu quản lý, trông coi. Tuy nhiên, đến khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất, ông Ngóc đã trả lại phần đồi lim mà mình được giao trông giữ. Chỉ còn ông Chiếu vẫn giữ nguyên phần của mình và trông coi thêm phần đồi lim mà huyện thu lại.

Người giữ hồn cho đồi lim xanh

Theo lời kể của ông Ngóc, tôi tìm đến nhà ông Hà Văn Chiếu, người hiện giờ vẫn trông coi đồi lim. Với dáng người nhỏ gầy, nụ cười hiền hậu, ông Chiếu vui vẻ đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn nằm ngay sát chân đồi.

Nhớ lại những ngày đầu nhận đất, vợ chồng ông Chiếu hết sức trăn trở bởi nếu chỉ nhìn vào mấy sào ruộng thì lấy gì cho con cái ăn học? Trong khi đó, dưới tán đồi lim tái sinh, lâm sản phụ hầu như không có. Nhà có bốn người con, lại chỉ trông chờ vào làm ruộng, cuộc sống hết sức khó khăn. Ông bàn với vợ, lo sản xuất nông nghiệp là trồng lúa, ngoài ra nuôi thêm cá và lợn gà để làm nguồn kinh tế chính; còn phần mình, ông trồng cây, gây rừng. Bởi ông luôn tâm niệm, trời sẽ không phụ công người. “Lúc đấy tôi chỉ có một suy nghĩ là dù mình nghèo đói, nhưng còn rừng là còn tất cả. Những ngày đầu vất vả, ngoài việc bứng những cây lim nhỏ trong rừng để trồng vào chỗ trống tôi còn phải đi phát cỏ, chăm sóc những cây lim đang phát triển để không bị sâu mọt phá hoại. Vậy mà đã được hơn 25 năm, nay những cây lim tôi trồng thêm đã có những cây to gần bằng cột nhà”. Từ suy nghĩ đó, đồi lim vẫn được giữ nguyên. Thấy ông Chiếu trông giữ đồi lim có giá trị, nhiều người có ý không tốt, xui ông chặt lim bán lấy tiền trồng những loại cây khác nhanh thu hoạch hơn. Ông Chiếu vẫn “bảo thủ”, kiên quyết không phá rừng, thay vào đó ông làm giàu rừng bằng việc bảo vệ và xen dặm thêm cây lim xanh.

Dẫn chúng tôi len lỏi dưới tán đồi lim theo lối mòn ông đã đi suốt hơn 25 năm nay, vừa đi ông Chiếu vừa dặn chúng tôi phải cẩn thận vì dễ bị trượt chân nếu không quen đường. Ấy vậy mà với sức trẻ, chúng tôi cũng không thể theo kịp những bước chân thoăn thoắt của ông Chiếu mặc dù đã ngoài 70. Từ ngày được giao cho khoanh nuôi, bảo vệ đồi lim xanh, ông Chiếu rất ít khi ở nhà, cuộc sống của ông gắn bó với cây rừng. Ông kiểm đếm từng gốc cây, ông nhớ từng số tuổi của nhiều cây lim già, ông yêu chúng như sinh mạng của mình. Như một thói quen, không kể đông lạnh hay hè nóng bức, một ngày đều đặn hai lần ông đi kiểm tra đồi. Với ông, việc leo đồi để đi tuần giống như việc ông tập thể dục vậy, nếu ngày nào không đi, thì chẳng thể nào ngủ ngon giấc. Có những đêm hè nắng nóng, sợ cháy rừng, ông vẫn lọ mọ bật đèn pin lên đồi xem thế nào. Đi kiểm tra một vòng, thấy không vấn đề gì, ông mới yên tâm về ngủ tiếp.

Đồi lim xanh dẫu qua bao năm tháng, gần như vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, hiện hữu ngay trước mắt chúng tôi. Có những cây đường kính một người ôm không xuể. Những cây lim xanh hàng chục năm tuổi, thân, cành bám nhiều rêu mốc, buông tán cây rộng khắp một vùng làm cho quả đồi trở nên uy nghi, hùng vĩ. Nhưng cũng có những cây dù đã bị chết khô, gãy đổ do thiên tai vẫn được giữ nguyên hiện trạng chứ không cho khai thác.

Nhờ sự chăm sóc, bảo vệ chu đáo của ông Chiếu mà đồi lim vẫn còn vẹn nguyên đến bây giờ. Giữ một quả đồi có giá trị như vậy, nhưng ông và gia đình chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các chính sách bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước. Giờ đây khi tuổi đã cao, ông vẫn duy trì thói quen đi tuần của mình. Ông tâm sự “cuộc đời ông gắn liền với lim, với vùng đất này, chẳng thể đi đâu xa vì cứ hễ đi xa rừng một hôm là thấy nhớ”.

Hàng chục năm qua, đồi lim không bị xâm hại. Lim cổ thụ vươn lên sống mãi cùng thời gian. Hạt lim xanh rụng xuống giờ phát triển thành lim con. Đồi lim nhỏ ấy không chỉ là lá phổi mà còn là báu vật truyền đời của biết bao người dân Lang Chánh. Có lẽ như ông Ngóc hay ông Chiếu và nhiều người dân nơi đây vẫn đang rất trăn trở để bảo tồn và phát triển đồi lim xanh do cha ông để lại.

Hải Anh


Hải Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]