(Baothanhhoa.vn) - Lang Chánh là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Trong những năm qua với những chính sách hỗ trợ của Trung ương, cùng sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc trong huyện, Lang Chánh đang dần “thay da, đổi thịt”, công tác giảm nghèo bền vững có chuyển biến tích cực ngay trên vùng đất khó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện giảm nghèo ở huyện miền núi Lang Chánh

Chuyện giảm nghèo ở huyện miền núi Lang Chánh

Diện mạo của huyện miền núi Lang Chánh đã có nhiều đổi thay. Ảnh: Hải Vân

Lang Chánh là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Trong những năm qua với những chính sách hỗ trợ của Trung ương, cùng sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc trong huyện, Lang Chánh đang dần “thay da, đổi thịt”, công tác giảm nghèo bền vững có chuyển biến tích cực ngay trên vùng đất khó.

Những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo

Đến với huyện miền núi Lang Chánh, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng đỉnh núi Pù Rinh hùng vĩ, được nghe nhiều câu chuyện huyền thoại đã đi vào lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thưởng thức điệu khèn bè, hay điệu khặp say đắm lòng người,... mà còn được nghe câu chuyện giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Bản Xắng Hằng thuộc xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, nằm giữa thung lũng bao quanh là núi đồi, dân số nơi đây chủ yếu là dân tộc Thái chiếm 98%. Trước đây, từ bản đến trung tâm xã người dân phải đi bộ trên con đường đất mất cả ngày trời mới tới. Nên việc giao thương hàng hóa vô cùng khó khăn, đời sống của bà con nghèo vẫn hoàn nghèo. Đến với bản Xắng Hằng hôm nay có thể nhận thấy sự thay đổi về giao thông, cùng những ngôi nhà sàn bằng gỗ kiên cố được dựng bên những con đường nhỏ vào bản, những triền đồi hay cánh đồng lúa xanh mướt... Hiện nay, từ trung tâm xã đến bản chỉ mất 20 phút đi xe máy, những con đường bê tông thay thế những con đường đất đá gồ ghề trước kia chạy đến từng ngõ ngách, từng nhà dân trong bản. Tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm còn 4,34%, thu nhập bình quân 18 triệu đồng/người/năm. Để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, người dân trong bản cải tạo những vườn tạp để phát triển những mô hình trồng cây lâu năm, kết hợp với trồng rừng. Từ một bản biên giới khó khăn, năm 2018 bản Xắng Hằng đã được công nhận là bản đạt chuẩn nông thôn mới và là bản biên giới đầu tiên trong tỉnh đạt danh hiệu này.

Chuyện giảm nghèo ở huyện miền núi Lang Chánh

Nhiều lớp dạy nghề cho bà con dân tộc thiểu số được tổ chức thường xuyên.

Nhờ các chính sách mang tính đòn bẩy mà diện mạo các thôn, bản ở Lang Chánh đã đổi thay rõ nét, đời sống của các hộ gia đình từng bước được nâng cao. Điển hình như gia đình chị Lê Thị Chinh, thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc trước đây thuộc diện hộ nghèo. Khi chưa được tiếp cận nguồn vốn vay của địa phương, kinh tế của 8 nhân khẩu trong gia đình chị chủ yếu trông chờ vào việc làm ruộng. Từ khi có các chính sách của Nhà nước hỗ trợ các chương trình giảm nghèo cho huyện, năm 2015, gia đình chị đã mạnh dạn vay 30.000.000 đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư mua bò sinh sản. Từ 3 con bò đến nay tổng đàn đã tăng lên 12 con. Năm 2018, chị tiếp tục vay thêm 30.000.000 đồng từ ngân hàng nông nghiệp để thâm canh, phục tráng 3 ha luồng. Từ một hộ nghèo, gia đình chị đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, nhà cửa được xây dựng khang trang, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hợp vệ sinh.

Ở huyện biên giới như Lang Chánh, những hộ bứt lên như gia đình chị Chinh không ít, đáng nói hơn họ là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Để công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt nhất

Một trong những mục tiêu hàng đầu của Đảng bộ huyện Lang Chánh hiện nay là công tác xóa nghèo. Vậy nên các chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao; sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, qua đó tạo nên sức lan tỏa trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Cách làm của huyện Lang Chánh là cán bộ phải luôn sát cơ sở, đến từng hộ gia đình để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đời sống của người dân, từ đó tìm cách hỗ trợ cho phù hợp, hướng dẫn bà con cách làm ăn, nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi để khuyến khích các hộ dân tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo đó, cùng với việc thực hiện hiệu quả từ các chương trình giảm nghèo của Nhà nước như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a, nông thôn mới, các chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, chính sách an sinh xã hội..., huyện đã tiến hành quy hoạch và phát triển ngành nông, lâm nghiệp phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung để nâng cao hiệu quả những loại cây trồng mũi nhọn như cây luồng và vầu gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huyện cũng lồng ghép các chương trình, dự án về xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và vận động bà con chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế. Kết hợp giữa trồng rừng, bảo vệ rừng và khai thác hợp lý bằng biện pháp lâm sinh bền vững nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tỷ lệ độ che phủ rừng bền vững.

Cùng với việc vay vốn, các hộ nghèo, cận nghèo còn được tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, hỗ trợ học nghề. Để giúp người nghèo có cơ hội tăng thêm thu nhập, huyện đã chỉ đạo cho trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương như: Lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, lớp trung cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn truyền thống, lớp học nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát truyền thống... Từ năm 2017 đến nay, trung tâm đã tổ chức 14 lớp dạy nghề cho 370 học viên, chủ yếu là lao động nông thôn, các đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Các đoàn thể, MTTQ, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân, đoàn thanh niên tuyên truyền và hướng dẫn đoàn viên, hội viên quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên; vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế.

Sự thay đổi về đời sống của người dân nhận thấy rõ nét nhất qua cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới ở các thôn, bản. Huyện đã ưu tiên hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi... nơi đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Những con đường được bê tông hóa, những cánh rừng đang dần được hồi sinh. Nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cao đã và đang ngày được nhân rộng, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho địa phương. Năm 2018, nếu như hộ nghèo toàn huyện là 1.895 hộ, chiếm tỷ lệ 16,4% thì đến tháng 9 năm 2019, số hộ nghèo giảm xuống còn 1.121 hộ, chiếm tỷ lệ 9,69%, vượt 14 hộ so với chỉ tiêu của tỉnh giao.

Trước đây, công tác giảm nghèo ở huyện được coi như là một cuộc cách mạng tư tưởng bởi nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo. Nhưng nay, nhờ sự kiên trì theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tư tưởng, nhận thức của người dân đã thay đổi từ trong suy nghĩ. Phong trào thoát nghèo ngày càng lan tỏa ra cả xã, cả huyện, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Hải Vân


Hải Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]