(Baothanhhoa.vn) - Trong đại dịch COVID-19, tin giả không chỉ gây hoang mang, sợ hãi trong cộng đồng mà nó đã và đang ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảnh giác trước những “hoang tin” về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội

Trong đại dịch COVID-19, tin giả không chỉ gây hoang mang, sợ hãi trong cộng đồng mà nó đã và đang ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh...

Cảnh giác trước những “hoang tin” về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội

Phòng Công nghệ thông tin, Viễn thông Thanh Hoá kiểm tra, giám sát các thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Tin đồn, tin giả xuất hiện dày đặc

Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, mỗi thông tin về dịch bệnh đều được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, vì sự chủ quan hoặc muốn thể hiện bản thân, nhiều người đã đăng tải hoặc chia sẻ những thông tin không đúng, chưa được kiểm chứng, khiến dư luận hoang mang, gây ảnh hưởng xấu, xáo trộn đời sống xã hội.

Những ngày này, sau khi Bộ Y tế công bố ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 của Việt Nam lên 212 người (ngày 2-4), nhiều thông tin thực hư lẫn lộn, thông tin trái chiều, đưa tin giả… đã gây ảnh hưởng đến tâm lý nhiều người dân, thậm chí có lúc khiến một số người rối bời, hoảng loạn. Nhiều người mất ăn, mất ngủ, thức trắng cả đêm đọc mạng, nhắn tin, lùng sục mua gom hàng hóa tích trữ. Sự lan truyền của tin giả trên mạng xã hội tác động đến tâm lý khiến nhiều gia đình sốt sắng về quê ngay trong đêm. Đây là việc làm tối kỵ trong phòng dịch, vì mầm mống, nguy cơ lây lan dịch diện rộng rất cao và càng khó kiểm soát, dẫn tới không an toàn cho mỗi gia đình và cộng đồng. Bởi vậy, nhận thức đầy đủ vấn đề này, mỗi người cần có ý thức giữ gìn môi trường mạng, không chia sẻ tin rác sẽ có tác dụng làm ổn định tình hình, giúp cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chống dịch, những biện pháp, cách thức phòng dịch của Bộ Y tế đến được với nhiều người hơn. Mỗi người hiểu đúng sẽ hành động đúng ngay tại nơi mình ở và làm việc.

Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Ngọc Lặc đã phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về COVID-19, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Cụ thể, Công an huyện đã ra quyết định xử lý các trường hợp là L.N.Q và L.V.C là học sinh trường THPT Lê Lai đã có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên trang facebook “Bé Cường” và “tam Tẩu”. Tại cơ quan công an, Q và C đều thừa nhận hành vi sai trái của mình và đã gỡ bỏ bài viết sai sự thật. Công an huyện đã ra quyết định xử phạt bằng hình thức cảnh cáo và thông báo về địa phương, trường học để có hình thức quản lý, giáo dục. Cũng trong thời gian này, Công an huyện đã phát hiện tài khoản facebook của một số cá nhân đang sinh sống trên địa bàn huyện đăng tải, chia sẻ các bài viết sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19. Công an huyện khuyến cáo người dân cần cảnh giác, biết chọn lọc thông tin và tiếp nhận những thông tin chính thống từ các cơ quan báo chí và những cơ quan có thẩm quyền cung cấp, không nên chia sẻ, đăng tải các bài viết không có căn cứ về dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận trong nhân dân.

Các chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến người dùng.

Người đọc cần tỉnh táo

Cảnh giác trước những “hoang tin” về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội

Tuổi trẻ Thọ Xuân tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch COVID-19

“Không chia sẻ thông tin gây hoang mang cho cộng đồng, không tung tin giả về dịch bệnh COVID-19; tự giác khai báo thông tin trung thực khi về từ vùng dịch...” là những thông điệp đang được nhiều người trẻ chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội trong thời gian này.

Em Lưu Thị Nguyệt Anh (Yên Định), sinh viên Học viên Bưu Chính viễn thông, chia sẻ: Thời gian qua, khi lướt các trang mạng xã hội em thấy mọi người toàn đưa thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19. Trong đó, nhiều bạn sẵn sàng chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, như vậy vô tình sẽ khiến nhiều người thêm lo lắng. Cũng theo Nguyệt Anh, những thông tin thất thiệt xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội đã tạo ra hiệu ứng “tâm lý đám đông”. Nhiều người lo lắng đã đổ xô đến các siêu thị để mua đồ ăn dự trữ, chen chúc mua khẩu trang y tế trong khi điều quan trọng nhất để làm lúc này chính là hạn chế đến những nơi đông người, tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nguyệt Anh cho rằng ý thức của mỗi người là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, toàn quân và dân ta luôn đồng lòng với quyết tâm cao độ nhằm đẩy lùi dịch bệnh, lực lượng công an với nỗ lực và quyết tâm cao nhất tham gia đóng góp tích cực trên mọi mặt của công tác phòng, chống dịch bệnh, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân.

Theo thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, trên không gian mạng đã có hàng nghìn tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh được đăngtải. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng.

Trước tình hình trên, lực lượng công an tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, nhằm góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tính đến ngày 27-3, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 123 trường hợp đưa tin sai sự thật về tình hình dịch COVID-19. Trong đó, trực tiếp xử phạt 13 trường hợp với tổng số tiền 131,5 triệu đồng; tham mưu cho chính quyền địa phương xử phạt 7 trường hợp với tổng số tiền 43 triệu đồng. Các trường hợp sai phạm, sau khi được cơ quan Công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm.

Chiều 30-3, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC gửi Tòa án các cấp và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Luật hình sự (BLHS) 2015. Theo đó, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS. Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS. Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS.

Tại Thanh Hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có công văn số 1611-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Trong đó, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường quản lý nhà nước về thông tin dịch bệnh COVID-19, nhất là trên mạng xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tung tin, bịa đặt gây ảnh hưởng tiêu cực trong phòng, chống dịch.

Để chung tay chống lại dịch bệnh, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan, lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng vi phạm, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội.

Lê Phượng


Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]