(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù được ngành chức năng quan tâm, khuyến khích khởi nghiệp để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, nhưng nhiều thanh niên khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn khi kinh phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn vay ưu đãi còn vướng mắc trong thủ tục giải ngân, khó tiếp cận...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cái khó khi thanh niên khởi nghiệp

Mặc dù được ngành chức năng quan tâm, khuyến khích khởi nghiệp để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, nhưng nhiều thanh niên khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn khi kinh phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn vay ưu đãi còn vướng mắc trong thủ tục giải ngân, khó tiếp cận...

Cái khó khi thanh niên khởi nghiệp

Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa” là sân chơi để khơi dậy khát khao lập nghiệp, làm giàu trong ĐVTN.

Khó khăn khi đầu tư nguồn vốn lớn

Theo Tỉnh đoàn Thanh Hóa thì hiện nay toàn tỉnh có khoảng 1.500 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, 25 mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên. Thanh niên khởi nghiệp phần lớn gặp không ít trở ngại khi bắt tay vào thực hiện các mô hình như: Hạn chế về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp nói chung, thiếu kinh nghiệm sản xuất, loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, cần vốn để đầu tư hoặc gặp khó khăn về các thủ tục hành chính để thực hiện. Tình trạng nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có chí hướng vươn lên làm giàu tại quê hương, muốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng thiếu vốn, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước.

Từng đạt giải Nhì trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa năm 2018”, Nguyễn Văn Nam (SN 1987, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn) cùng 2 người bạn đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới để trồng rau, quả bằng chế phẩm nông nghiệp tại xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc). Sau một năm đi vào sản xuất, hiện nay, nông trại của Nam đã có sản phẩm bán ra thị trường với nhiều loại quả như: Dưa hấu, dưa lưới, dưa chuột... Ngoài ra Nam còn trồng thêm các loại hoa theo thời vụ để bán.

Nguyễn Văn Nam cho biết: Nông trại của Nam có diện tích 3 ha, mới được xây dựng từ tháng 3 – 2018. Đang là giai đoạn đầu khởi nghiệp, vừa sản xuất vừa xây dựng nên việc phát triển nông trại đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Đến nay, Nam cùng 2 người bạn đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng khu nhà điều hành, máy móc, hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới tiêu... trong đó, phần lớn số kinh phí đầu tư này phải vay ngân hàng.

Hiện nay, Nam đang xây dựng thêm một nông trại tại xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn với diện tích 2,5 ha. Nam đang đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng với khoảng 2.000 m2 và đang làm thủ tục sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGap. Để đầu tư tại nông trại này, Nam sẽ phải cần nguồn vốn từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Để có nguồn vốn đầu tư sản xuất, Nam không chỉ cầm cố sổ đỏ của gia đình mình mà còn phải mượn sổ đỏ của bố mẹ để vay vốn ngân hàng; huy động bạn bè, người thân đóng cổ phần vào nông trại.

Nam cho biết thêm: Thanh niên mới bắt đầu khởi nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tự nghiên cứu, học hỏi và chưa có nhiều kinh nghiệm; tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn. Toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng chúng tôi phải dùng sổ đỏ nhà, đất để cầm cố ngân hàng. Việc huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân lại khó do nhiều người chưa mặn mà với nông nghiệp. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp cũng khó tiếp cận.

“Sau khi đạt giải tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa” và bắt tay vào khởi nghiệp tôi vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi mà phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất cao. Để vay vốn ngân hàng, tôi còn có tài sản thế chấp, có người thân ủng hộ đồng hành cả về vật chất, tinh thần nhưng vẫn thấy vô cùng khó khăn. Các bạn thanh niên khác có ý tưởng khởi nghiệp hay nhưng không có sẵn vốn, cũng không có khả năng vay vốn, sẽ khó khăn gấp vạn lần. Chúng tôi mong tổ chức đoàn từ tỉnh đến cơ sở quan tâm hơn nữa đến các thanh niên khởi nghiệp, đồng hành cùng thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đặc biệt là việc hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Như vậy, nhiều thanh niên sẽ có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, có thể làm giàu trên chính quê hương”- Nam chia sẻ.

Để tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh có nhiều chính sách như: Quyết định số 3815-QĐ/UBND, ngày 4-10-2016 phê duyệt Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” cho ĐVTN toàn tỉnh với tổng 10 tỷ đồng; tạo sân chơi cho thanh niên khởi nghiệp với cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN Thanh Hóa” để khơi dậy khát khao muốn lập nghiệp làm giàu trong ĐVTN; kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ thanh niên vay vốn với lãi suất 0 đồng, ưu tiên các bạn thanh niên lập nghiệp ở các huyện miền núi khó khăn; nguồn vốn từ Trung ương Đoàn hỗ trợ sản xuất cho thanh niên các huyện miền núi... Tuy nhiên, nguồn vốn vay còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu cho thanh niên lập nghiệp.

Vướng mắc trong thủ tục vay vốn ưu đãi

Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi trong vay vốn, tuy nhiên, chính sách còn những vướng mắc trong thủ tục vay khiến nhiều thanh niên khó tiếp cận được.

Cũng là một trong số thanh niên đang tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa năm 2019”, Nguyễn Thị Thu Huyền (SN 1990), xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân đang thực hiện Dự án sản xuất sữa nghệ nano.

Xuất phát từ nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn, Huyền mong muốn làm giàu trên quê hương và mạnh dạn xây dựng ý tưởng lập nghiệp. Tuy nhiên, theo Huyền, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc... để xây dựng quy trình sản xuất quy mô lớn. Hiện nay, Huyền cần khoảng hơn 1 tỷ đồng để đầu tư cho sản xuất, chưa tính đến nhiều phát sinh khác.

Nguyễn Thị Thu Huyền, chia sẻ: Thanh niên lập nghiệp có tuổi đời còn trẻ, hạn chế về tiềm năng kinh tế. Để xây dựng một mô hình phát triển kinh tế có quy mô cần nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, một số nguồn vốn có thể ưu tiên cho thanh niên khởi nghiệp lại có mức vay chỉ vài chục triệu, không giải quyết được những khó khăn cho thanh niên. Nguồn vốn ưu đãi dành cho thanh niên khởi nghiệp của tỉnh với mức vay lớn hơn, lãi suất thấp... vẫn chưa được tiếp cận đến. Vì vậy, muốn có đủ kinh phí để thực hiện dự án, Huyền sẽ phải vay ngân hàng theo hình thức vay có tài sản thế chấp với mức lãi suất cao, thời gian đáo hạn ngắn.

Anh Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cũng cho biết: Khó khăn khi thanh niên khởi nghiệp là mong muốn của thanh niên lớn, sáng tạo, năng động, ý tưởng nhiều nhưng kinh nghiệm thực tế ít. Đối với các bạn thanh niên ở các huyện miền núi còn thụ động chờ hỗ trợ từ địa phương. Đối với các bạn có ý tưởng khởi nghiệp lớn thì nguồn vốn lại hạn chế. Một số nguồn vốn từ ngân hàng chính sách ủy thác cho Tỉnh đoàn, nguồn quỹ giải quyết việc làm, mức vay lại thấp (từ 50-100 triệu đồng) chỉ phù hợp với quy mô nhỏ lẻ, trong khi đó, để khởi nghiệp tối thiểu phải cần nguồn vốn từ 300-400 triệu đồng. Đối với Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” cho ĐVTN toàn tỉnh thì thanh niên sẽ được vay tối đa 1 tỷ đồng với lãi suất thấp bằng với lãi suất dành cho người nghèo. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này lại vướng mắc bởi Nghị định 61/2015/NĐ-CP “Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm” với thủ tục giải ngân khó, như: Yêu cầu hóa đơn đỏ khi mua hàng hóa, hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho lao động... Trong khi đó, đối với những thanh niên mới lập nghiệp (thường dự án chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao...), việc thuê lao động nông thôn chủ yếu theo thời vụ, sẽ khó đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy, thanh niên khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mà phải vay vốn ngân hàng thương mại với lãi suất cao.

Cũng theo thống kê của Tỉnh đoàn, hiện có 118 dự án được tiếp cận với nguồn vốn theo Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Các dự án đã phát huy được hiệu quả tạo việc làm ổn định cho 229 lao động tại địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của thanh niên khởi nghiệp còn cao, nhất là những dự án có quy mô lớn cần nguồn vốn lớn, thì chương trình vẫn chưa đáp ứng được. Hiện còn 460 dự án xin đăng ký được tiếp cận với nguồn vốn Chương trình thanh niên khởi nghiệp, số tiền xin vay là 77,7 tỷ đồng.

Anh Hoàng Văn Thanh cho biết thêm: Để tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, Tỉnh đoàn đang đề xuất tăng nguồn vốn của “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” lên 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã có báo cáo với UBND tỉnh và UBND tỉnh đã có đề xuất với Trung ương về những bất cập trong giải ngân nguồn vốn này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, quy định mới. Trước những khó khăn trên, Tỉnh đoàn cũng đang có đề xuất với UBND tỉnh có những linh hoạt trong áp dụng Nghị định 61/2015/NĐ-CP để tạo cơ hội cho thanh niên có ý tưởng, hoài bão được vay vốn lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bài và ảnh: Hoàng Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]