(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các câu lạc bộ, mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các khu dân cư trên địa bàn.

Các cấp hội phụ nữ chung tay phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các câu lạc bộ, mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các khu dân cư trên địa bàn.

Các cấp hội phụ nữ chung tay phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túyMột hoạt động trong chương trình “Giao lưu gia đình kết nối yêu thương” của Hội LHPN huyện Quan Sơn.

Là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, với vai trò là thành viên ban chỉ đạo 138, Hội LHPN tỉnh luôn xác định công tác phòng, chống ma túy, tội phạm, quản lý người thân không phạm tội, không nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng. Từ nhận thức đó, các cấp hội phụ nữ đã tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ hội viên, phụ nữ và Nhân dân về phòng, chống ma túy, phòng chống tội phạm; tập trung quản lý, giáo dục người thân trong gia đình, hạn chế những nguyên nhân phát sinh tội phạm, góp phần bảo đảm trật tự xã hội tại địa phương.

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Cùng với công tác tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội vận động hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó có nội dung “không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; không bạo lực gia đình”; tổ chức thường xuyên các hội thi “Rung chuông vàng”, “Đuổi hình bắt chữ” tìm hiểu về pháp luật phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, “Ngày phụ nữ với pháp luật”... Đặc biệt, thực hiện nghị quyết liên tịch về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, các cấp hội đã phối hợp với lực lượng công an tổ chức phiên chợ truyền thông “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng chống mua bán người”, “Biên giới an toàn, không tội phạm ma túy” tại các xã biên giới, thu hút hàng nghìn cán bộ, hội viên, phụ nữ, Nhân dân và tiểu thương Lào tham gia. Đồng thời mở các lớp truyền thông, tập huấn kiến thức phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xâm hại tình dục trẻ em cho cán bộ chủ chốt của hội phụ nữ cơ sở, tuyên truyền viên và thành viên các câu lạc bộ; thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại nhiều địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng trẻ em trong các gia đình nghèo vướng vào các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, các cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với nhiều hoạt động thiết thực như: đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ và con em gia đình khó khăn; hỗ trợ các gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ đơn thân, tàn tật; phân công đỡ đầu chủ hộ là phụ nữ nghèo dưới nhiều hình thức như cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi... Ngoài ra, các cấp Hội còn chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ về phòng chống ma túy, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Theo thống kê đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng được trên 3.000 câu lạc bộ, thu hút hàng trăm nghìn hội viên phụ nữ và Nhân dân tham gia. Điển hình như câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Trợ giúp pháp lý”, “Giáo dục sớm cho trẻ”, “Gia đình phát triển bền vững, nuôi dạy con tốt”... Cùng với hoạt động của các câu lạc bộ, các cấp hội đã duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình ở đơn vị trọng điểm như mô hình “Đường dây nóng phát hiện và tố giác tội phạm” ở huyện Nông Cống và Như Xuân; mô hình “Không có con em vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” ở huyện Nga Sơn; “Tổ phụ nữ giúp chồng, con cai nghiện ma túy thành công, không tái nghiện” tại huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa; mô hình “Phòng chống mua bán người tại cộng đồng” ở các xã biên giới và vùng biển... Các mô hình câu lạc bộ với nhiều hoạt động thiết thực đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân; đồng thời, góp phần hạn chế tội phạm và cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ mỗi gia đình, cộng đồng, khu dân cư.

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ngô Thị Hồng Hảo, để tiếp tục phát huy vai trò của các cấp hội, hội viên, phụ nữ trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội, không nghiện ma túy, góp phần thực hiện thành công Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2025” và Đề án “Phòng chống tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2025”; trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên, phụ nữ về vai trò trách nhiệm của phụ nữ trong việc phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào “Phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam”; lấy gia đình là nền tảng bền vững nuôi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người và bảo vệ các thành viên trước các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng gia đình bền vững để trở thành “pháo đài” phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]