(Baothanhhoa.vn) - Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển trí tuệ, duy trì và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật ở trẻ nhỏ. Thiếu hụt những vi chất này, sức đề kháng trẻ suy yếu, dễ mắc các bệnh mãn tính, chậm phát triển, suy dinh dưỡng (SDD).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bổ sung vi chất đúng, đủ - giải pháp phát triển toàn diện

Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển trí tuệ, duy trì và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật ở trẻ nhỏ. Thiếu hụt những vi chất này, sức đề kháng trẻ suy yếu, dễ mắc các bệnh mãn tính, chậm phát triển, suy dinh dưỡng (SDD).

Bổ sung vi chất đúng, đủ - giải pháp phát triển toàn diện

Nhân viên y tế tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé.

Vi chất dinh dưỡng bao gồm: Nhóm vitamin (A, B, C, D, E...); nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, phốt pho, sắt, kẽm, i-ốt...) được bổ sung hằng ngày qua chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý cho trẻ và cho bà mẹ mang thai. Theo khuyến cáo của WHO, để bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ giúp trẻ phát triển toàn diện cần chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, cho trẻ bú sớm trong giờ đầu, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho ăn dặm hợp lý và phối hợp tiếp tục cho bú đến trên 24 tháng, quan tâm chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày vàng đầu đời.

Có mặt tại phòng khám dinh dưỡng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chúng ta gặp không ít trẻ nhẹ cân, thấp còi. Các bác sĩ dinh dưỡng cho biết, bổ sung dinh dưỡng và các vi chất dinh dưỡng không hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD ở trẻ. Qua khảo sát thực tế, không ít bà mẹ chưa nhận thức và thực hành đúng, đủ về bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ cũng như bản thân khi mang thai, đặc biệt là các bà mẹ tại khu vực miền núi khó khăn. Bé thiếu vi chất dinh dưỡng thường không được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu; bữa ăn hàng ngày không có hoặc không đủ lượng muối i-ốt với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm: Nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất. Chị Lục Thị Thủy (Thường Xuân) tâm sự: Người Thái chúng tôi nuôi con theo cách được cha mẹ truyền dạy lại. Khi con được 3-4 tháng tuổi là đã cai sữa và cho trẻ ăn cơm. Đến khi thấy con lười ăn, còi cọc được các y, bác sĩ tư vấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng thì tôi mới biết sữa mẹ có giá trị như thế nào đối với sự phát triển của trẻ...

Theo các bác sĩ dinh dưỡng, các bà mẹ nên đưa con đi khám dinh dưỡng định kỳ để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con. Việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng không đúng, đủ, đặc biệt là việc bổ sung thuốc vi chất, vitamin không theo chỉ định của bác sĩ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sự phát triển hệ thần kinh, hệ tiêu hóa của trẻ. Có thể dẫn đến nguy cơ béo phì hay SDD thấp còi, nhẹ cân ảnh hưởng lâu dài đến phát triển sức khỏe, trí tuệ, khả năng học tập của trẻ, kể cả ảnh hưởng năng suất lao động của trẻ trong tương lai. Nguy hiểm hơn, SDD có thể gây tử vong ở trẻ. SDD thường gặp trong giai đoạn dưới 36 tháng tuổi, đặc biệt là dưới 24 tháng tuổi - giai đoạn “cửa sổ cơ hội”. Nếu kịp thời can thiệp các biện pháp nhằm cải thiện tình trạng SDD ngay trong giai đoạn này thì sẽ có hiệu quả rất cao. Ngược lại, khi qua giai đoạn vàng này, tỷ lệ cải thiện tình trạng SDD cũng như các hậu quả của SDD đạt kết quả rất thấp.

Để cha mẹ, người chăm sóc trẻ có nhận thức và thực hành đúng dinh dưỡng cũng như bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, thực hiện các dự án “Phòng, chống SDD trẻ em”, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại các địa phương. Trung tâm đã đổi mới công tác truyền thông phù hợp với từng hoạt động, từng địa phương như: Tổ chức truyền thông “1.000 ngày vàng của bé”; tư vấn trực tiếp, thăm hộ gia đình, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tờ rơi, pano, khẩu hiệu, áp phích hay lồng ghép trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm; tuyên truyền lồng ghép trong các chiến dịch uống vitamin A, truyền thông về thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ: Về cách chế biến thức ăn; sử dụng muối i-ốt; cách bổ sung các vi chất: Kẽm, sắt, vitamin A. Trung tâm đã huy động nhiều nguồn lực tham gia phòng, chống SDD; duy trì phòng khám dinh dưỡng nhằm khám, tư vấn và cung cấp các dịch vụ, sản phẩm dinh dưỡng, các vi chất cho trẻ và bà mẹ mang thai, đang cho con bú; triển khai bổ sung vi chất cho phụ nữ mang thai ở các huyện miền núi.

Bên cạnh đó, trung tâm còn định hướng, chỉ đạo các địa phương quan tâm hơn nữa đến các mục tiêu phòng chống SDD trẻ em, đưa các tiêu chuẩn chăm sóc bà mẹ trẻ em vào các phong trào xây dựng xã, phường chuẩn quốc gia về y tế. Thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra cơ sở thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, các hoạt động theo sự chỉ đạo của Viện Dinh dưỡng như: Cân, đo trẻ, thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, bà mẹ mang thai... phối hợp cho uống vitamin A, tẩy giun cho trẻ. Củng cố và kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng. Tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở về dinh dưỡng trẻ nhỏ và bà mẹ nuôi con nhỏ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đúng các hoạt động chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ: Lau khô ủ ấm cho trẻ tiếp xúc trực tiếp da kề da, cắt dây rốn muộn, hỗ trợ trẻ bú mẹ sớm và hoàn toàn.

Thông qua các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các bà mẹ về lợi ích của vi chất dinh dưỡng cho trẻ và tác hại của việc bổ sung sai cách, thừa vi chất dinh dưỡng đối với trẻ. Từ đó thực hành đúng và đủ bữa ăn dinh dưỡng cho bé, bổ sung thuốc vi chất theo chỉ định của bác sĩ.

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài Và Ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]