(Baothanhhoa.vn) - Vợ chồng chị Trần Thị Hồng (sinh năm 1993) cùng nhau rời thủ đô, về quê ở huyện Cẩm Thủy, tự tay chặt tre, vót nan ghép ngôi nhà mái lá giữa khu vườn hoa hồng ngát hương. Chiều về, ngồi trước hiên nhà nhâm nhi tách trà ướp từ những cánh hồng tươi ngắm hoàng hôn vàng rực bao trùm khu vườn.

Bỏ phố về quê “lên đời” cho hoa hồng

Vợ chồng chị Trần Thị Hồng (sinh năm 1993) cùng nhau rời thủ đô, về quê ở huyện Cẩm Thủy, tự tay chặt tre, vót nan ghép ngôi nhà mái lá giữa khu vườn hoa hồng ngát hương. Chiều về, ngồi trước hiên nhà nhâm nhi tách trà ướp từ những cánh hồng tươi ngắm hoàng hôn vàng rực bao trùm khu vườn.

Bỏ phố về quê “lên đời” cho hoa hồngKhu vườn rực rỡ các loài hoa và căn nhà gỗ tự làm của vợ chồng Hồng.

Khu vườn nhỏ dưới chân đồi

Năm 2018 đôi vợ chồng trẻ quyết định rời thủ đô về Thanh Hóa thuê mảnh vườn bỏ hoang rộng 6.000m2 ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy để cùng xây dựng ước mơ về một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Để duy trì kinh tế, vợ chồng Hồng mở một cửa hàng kinh doanh cây cảnh ở thị trấn Cẩm Thủy. Chồng chị Hồng làm thêm công việc décor cây xanh cho các công trình. Hàng ngày, họ thức dậy từ 3 giờ sáng làm đủ việc, quần quật 12 - 14 tiếng mỗi ngày. Những giọt mồ hôi hòa lẫn với tiếng nói cười, trong khu vườn rực rỡ sắc màu của rau củ, hoa trái.

Bỏ phố về quê “lên đời” cho hoa hồngHồng hạnh phúc với cuộc sống được hòa mình vào thiên nhiên mà bản thân đã lựa chọn.

Là kỹ sư công nghệ sinh học từng công tác ở một vài công ty liên quan đến nông nghiệp sạch, Hồng biết nếu sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì những chất độc hại sẽ ngấm dần xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm, làm chai đất và mất đi sự trong lành, tinh khiết của khu vườn. Chủ nhân và công nhân trong vườn sẽ là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên, sau nữa là những khách hàng của mình. “Nghĩ vậy, mình quyết tâm trồng cây theo phương pháp tự nhiên, kiên quyết nói không với phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật”, Hồng nói.

Cây cối được chăm bón bằng phân chuồng ủ hoai kết hợp phủ rơm để tạo mùn cho đất. Nước tưới cây là nước giếng khoan chứ không phải là nước mặt từ ao hồ. Đặc biệt, xung quanh mỗi vườn, Hồng tổ chức hàng rào ngăn cách và tạo vùng đệm (khu đất bỏ không) để tránh lây nhiễm chéo từ những khu vườn nhà bên cạnh.

“Khoác áo mới” cho những cánh hoa

Ban đầu Hồng trồng hoa chỉ để chơi và phục vụ cho công việc décor của chồng. Khi hoa mới ra bông, Hồng cắt để trang trí nhà cửa, tặng cho người thân vào các ngày lễ đặc biệt... Sau mỗi đợt hoa tàn còn phải cắt tỉa để hoa tạo mầm mới, vì vậy số lượng hoa bị cắt bỏ đi ngày càng nhiều. Thấy xót khi chính tay mình cắt bỏ đi những bông hoa sắp tàn, Hồng lần mò tìm cách tận dụng chúng. Tham khảo các sản phẩm từ nguồn internet, cô thấy nước cất hoa hồng dùng chăm sóc da là sản phẩm đơn giản, phù hợp với một người mới “chập chững” bước vào lĩnh vực chế biến nên quyết định thử sức với sản phẩm này. Hồng nghiên cứu cách làm, lần tìm địa chỉ mua thiết bị chưng cất nước hoa hồng bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước và cho ra đời sản phẩm nước cất hoa hồng hữu cơ đầu tiên mang thương hiệu Hồng Ecofarm. Hồng chia sẻ: “Để sản phẩm đến được với người tiêu dùng, mình đã trải qua một hành trình rất dài và tốn kém. Đơn cử, các giống hoa hồng khác nhau khi chưng cất sẽ cho ra mùi khác nhau, cách nấu khác nhau cho ra mùi khác nhau, thời điểm hái hoa khác nhau cũng cho ra mùi khác nhau”...

Bỏ phố về quê “lên đời” cho hoa hồngMặt nạ hoa hồng.

Khi mẻ nước cất hoa hồng đầu tiên ra đời, đích thân Hồng là người trải nghiệm. Tiếp đến, cô đem nước cất hoa hồng đi kiểm nghiệm các chỉ số về cảm quan, chỉ số hóa, lý... kết quả là nước hoa hồng của Hồng hoàn toàn không chứa kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm nấm và các loại vi sinh vật gây hại.

Sau khi ổn định với dòng sản phẩm nước cất hoa hồng hữu cơ, Hồng tiếp tục nghiên cứu và cho ra dòng sản phẩm nụ hoa hồng sấy khô để làm trà. Sản phẩm này có thể giúp người dùng xua đi nỗi lo sử dụng sản phẩm trà hoa trôi nổi trên thị trường. Theo Hồng, làm hoa hồng sấy khô có nhiều cách nhưng cô đã chọn phương pháp sấy lạnh để hoa sau khi sấy xong vẫn giữ được màu sắc, mùi thơm tự nhiên và những dưỡng chất tốt trong hoa. Theo Hồng, nụ hoa hồng khi gần nở sẽ được cắt, rửa sạch bụi bẩn để ráo và cho vào khay sấy ở nhiệt độ thấp trong nhiều giờ đồng hồ. Nụ hoa hồng sau khi sấy xong sẽ được bảo quản kín, tránh bị ẩm trở lại nhằm giữ được mùi hương của hoa hồng.

Trước đó, Hồng cũng đã nghiên cứu tới những chi tiết nhỏ như hái hoa ở thời điểm nào thì hoa sẽ thơm, trà sẽ đậm, phải sấy trong bao lâu, nhiệt độ nào là tốt nhất. Cụ thể, hằng ngày chưa đến 6 giờ sáng Hồng đã ra vườn hái hoa hồng đợt 1, đợt 2 hái vào khoảng 9 giờ sáng. Chọn hai thời điểm này vì lúc đó hoa hồng nở đúng độ, phần nhụy vừa hé ra, đảm bảo độ thơm cho trà. Được biết, cứ 10 kg hoa tươi sau khi sấy sẽ cho 1 kg trà hoa hồng khô với thời lượng hơn 70 tiếng sấy chuẩn lạnh. Giá thị trường từ 2 - 3 triệu đồng/1 kg tùy theo loại.

Bỏ phố về quê “lên đời” cho hoa hồngTrà hoa hồng.

Rồi những sản phẩm từ loài hoa “hoàng hậu” như nước lau mặt trà xanh - hoa hồng, toner hoa hồng, bột rửa mặt hoa hồng, dầu dưỡng Hồng Ecofarm, kem dưỡng Hồng Ecofarm... lần lượt ra đời. Giá mỗi sản phẩm dao động từ vài chục đến hơn trăm nghìn đồng, tùy thuộc vào kích thước và loại sản phẩm. Đáng nói, nước cất hoa hồng và trà hoa hồng của nông trại “Hồng Ecofarm” là một trong những sản phẩm được Hội LHPN huyện Cẩm Thủy chọn gửi dự thi ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp do Tỉnh hội tổ chức và là 1 trong 10 sản phẩm được Hội LHPN tỉnh lựa chọn dự thi ý tưởng khởi nghiệp ở Trung ương Hội. Từ quy mô của vùng nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất của sản phẩm, Trần Thị Hồng đã mạnh dạn đăng ký và phấn đấu xây dựng thành công sản phẩm OCOP cho nước cất hoa hồng và trà hoa hồng.

“Mình đang nghiên cứu kết hợp nụ hoa hồng sấy khô với một số thảo dược để tạo ra trà hoa hồng thảo dược với hy vọng phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng hơn. Đồng thời, hai vợ chồng cũng cố gắng phát triển thêm vùng trồng đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, Hồng nói.

Bỏ phố về quê “lên đời” cho hoa hồng

Sau 5 năm bỏ phố về quê, Hồng chia sẻ cô đang thảnh thơi tận hưởng không gian yên bình, được làm công việc gần gũi thiên nhiên mỗi ngày. Cô hy vọng tương lai sẽ có một cộng đồng cùng chung chí hướng, không chỉ giúp thay đổi môi trường sinh thái mà còn thay đổi tư duy, cách sống của giới trẻ.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]