(Baothanhhoa.vn) - Đa phần họ là những phụ nữ hoặc người cao tuổi đã hết tuổi lao động, sức khỏe không đảm bảo, không có nghiệp vụ, không được trang bị các công cụ hỗ trợ… Đó là thực trạng của đội ngũ bảo vệ hầu hết ở các trường học hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ trường học: Còn nhiều bất cập

Đa phần họ là những phụ nữ hoặc người cao tuổi đã hết tuổi lao động, sức khỏe không đảm bảo, không có nghiệp vụ, không được trang bị các công cụ hỗ trợ… Đó là thực trạng của đội ngũ bảo vệ hầu hết ở các trường học hiện nay.

Bảo vệ trường học: Còn nhiều bất cập

Đa phần bảo vệ ở các trường học đều là phụ nữ hoặc người cao tuổi. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thiệu Dương, TP Thanh Hóa).

Đa phần là phụ nữ, người cao tuổi

Bảo vệ an ninh trật tự, an toàn người, tài sản là nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu tại các trường học. Nhưng thực tế cho thấy, công tác bảo vệ ở đây vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Thầy giáo Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân, xã Thanh Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa, cho biết: “Chúng tôi hiện có 4 điểm trường, mỗi nơi đều có một bảo vệ, mức lương tùy thuộc vào quy mô trường lớp, thời điểm. Tại điểm chính, do quy mô trường lớp rộng nên trong năm học lương của bảo vệ được trả 1 triệu đồng/người/tháng, còn hè họ phải trông coi 24/24 nên mức lương cao hơn một chút. Ở một số điểm trường khác thì mức lương thấp hơn. Kinh phí này do nhà trường tự cân đối”.

Theo thầy Viên, bảo vệ ở trường đều rất nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm với công việc. “Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ cơ sở vật chất, đóng, mở cửa cổng… Tuy nhiên, đa phần họ là những người quá tuổi lao động, không có nghiệp vụ nên khi xảy ra những tình huống ngoài ý muốn như trường hợp ở Trường Tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh) vừa qua thì cũng không có khả năng xử lý”, thầy Viên cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Tám (sinh năm 1976), bảo vệ Trường tiểu học Thiệu Dương, chia sẻ: “Tôi làm bảo vệ ở đây cũng đã được 7 năm rồi, với mức lương 1.390.000 đồng/người/tháng. Ngoài công việc bảo vệ, nhà trường còn tạo điều kiện cho tôi làm công việc quét dọn, vệ sinh, chăm sóc khuôn viên của trường nên cũng có thêm thu nhập. Nhà lại ở ngay cạnh cổng trường nên cũng có nhiều thuận lợi. Từ ngày tôi làm bảo vệ, chưa có một sự cố nào đáng tiếc xảy ra”.

Cô giáo Phạm Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiệu Dương, TP Thanh Hóa, cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi may mắn hơn nhiều trường ở các địa phương khác là lương bảo vệ được UBND thành phố chi trả. Vì vậy, nhà trường cũng bớt đi nỗi lo phần nào. Hiện nhà trường cũng chỉ hỗ trợ các công cụ cần thiết như đèn pin, đôi ủng… còn những trang thiết bị khác thì không có. Ở đây an ninh cũng tương đối tốt”.

Cần một cơ chế phù hợp

Có một thực tế cho thấy, trong các nhà trường do kinh phí hạn hẹp nên lương bảo vệ được chi trả rất thấp. Bởi hầu hết ở các trường chỉ được chính quyền địa phương hỗ trợ một nửa, thậm chí có những trường phải tự cân đối ngân sách để chi trả tiền lương cho bảo vệ. Vì vậy, đa phần đội ngũ bảo vệ ở các trường thuê được chỉ là phụ nữ hoặc người cao tuổi.

Bảo vệ trường học: Còn nhiều bất cập

Trường tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh), nơi 1 đối tượng vào trường học đâm chém khiến 1 học sinh tử vong.

Việc thuê người làm bảo vệ trường với mức lương thấp đã rất khó khăn chứ chưa nói đến chuyện mong mỏi đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ. Thường nhà trường cũng chọn những người ở gần trường. Các trường học vùng quê, lương bảo vệ thấp nên họ cũng không thực sự tâm huyết với công việc. Thực ra bảo vệ đúng nghĩa phải trực trường liên tục nhưng trường không thể trả cao vì trích từ tiền hoạt động chung nên khó đòi hỏi cao về trách nhiệm.

“Không chỉ là quản lý cơ sở vật chất mà ở một góc độ nào đó, họ còn phải bảo đảm an toàn cho thầy trò nhà trường. Ở một số trường bảo vệ còn có nhiều việc “không tên” như sửa điện, nước… Nói chung, một số việc nặng nhọc nào đó trong trường cũng phải nhờ đến bảo vệ. Việc định biên bảo vệ trường học cũng đang còn nhiều vướng mắc nên tìm bảo vệ đạt yêu cầu không phải dễ! Hiện nay kinh phí để chi lương cho bảo vệ do nhà trường tự cân đối. Muốn trả lương cao hơn để họ chuyên tâm hoặc thuê bảo vệ chuyên nghiệp thì cần phải thu thêm tiền từ phụ huynh, nhưng việc này thực tế rất khó. Vì vậy, chúng tôi mong Nhà nước có những cơ chế phù hợp để các trường có được những bảo vệ đạt chuẩn”, một hiệu trưởng bộc bạch.

Chị Hà Thị An, một phụ huynh cho biết: “Sự việc đau lòng tại Trường tiểu học Đồng Lương, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, khiến chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Đa phần bảo vệ hiện nay toàn là người già hoặc phụ nữ. Vì vậy, đã đến lúc các trường học cần tính đến việc thuê bảo vệ có kỹ năng, nghiệp vụ có thể phản đoán, xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra. Các con giờ ở trong trường học mà vẫn không cảm thấy được an toàn, còn những phụ huynh như chúng tôi thì vô cùng bất an. Tôi nghĩ, Nhà nước phải có những cơ chế tuyển dụng bảo vệ phù hợp, tránh tình trạng bảo vệ trường mà có cũng như không”.

Nói về những khó khăn trong công tác bảo vệ trường học, ông Lê Quang Huy, Phòng chính trị, tư tưởng, Sở Giáo dục và đào tạo, cho biết: “Lực lượng bảo vệ trường học là không thể thiếu. Tuy nhiên, do kinh phí eo hẹp nên hợp đồng lao động bảo vệ thường gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường phải hợp đồng với những người cao tuổi hoặc phụ nữ, sức khỏe không đảm bảo, thiếu nghiệp vụ và thiếu trang thiết bị cần thiết; nhiều nơi bố trí được thì cũng chỉ bộ áo mưa, đôi ủng, đèn pin. Điều quan trọng hơn cả là ngân sách chi cho công tác bảo vệ không có nên các nhà trường hầu hết phải tiết kiệm chi để trả cho khoản này”.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]