(Baothanhhoa.vn) - Xác định đổi mới hoạt động nhằm thu hút khách tham quan, trải nghiệm là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác trưng bày, sưu tầm, quảng bá và phát huy giá trị hiện vật. Qua đó, từng bước xây dựng bảo tàng trở thành địa chỉ tham quan, học tập, nghiên cứu ngày càng hấp dẫn du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tàng tỉnh: Đổi mới hoạt động để thu hút khách tham quan

Bảo tàng tỉnh: Đổi mới hoạt động để thu hút khách tham quan

Bảo tàng tỉnh đang dần trở thành địa chỉ tham quan, học tập lịch sử thú vị của học sinh.

Xác định đổi mới hoạt động nhằm thu hút khách tham quan, trải nghiệm là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác trưng bày, sưu tầm, quảng bá và phát huy giá trị hiện vật. Qua đó, từng bước xây dựng bảo tàng trở thành địa chỉ tham quan, học tập, nghiên cứu ngày càng hấp dẫn du khách.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh có 7 phòng trưng bày theo tiến trình lịch sử và chủ đề, bao gồm “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”, “Thanh Hóa từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”, “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa”, “Truyền thống cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858-1945”, “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai đoạn 1945-1975”, “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa”, “Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa”. Bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày hơn 28.000 hiện vật. Trong đó, số lượng hiện vật được trưng bày thường xuyên là hơn 2.000 hiện vật quý hiếm, giàu giá trị. Đặc biệt, đơn vị cũng đang lưu giữ bộ sưu tập trống đồng tương đối đồ sộ, nếu so sánh với hệ thống bảo tàng cấp tỉnh (trên 100 chiếc). Đồng thời, đây cũng là nơi trưng bày 3 bảo vật quốc gia quý là Kiếm ngắn núi Nưa, Vạc đồng Cẩm Thủy và Trống đồng Cẩm Giang.

Với số lượng hiện vật lớn và giàu giá trị như vậy, nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng tỉnh là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉnh lý, trưng bày và bảo đảm an toàn hiện vật. Tính riêng năm 2020, đơn vị đã tổ chức chỉnh lý hiện vật tại 2 phòng trưng bày “Thanh Hóa thời Tiền sử” và “Thanh Hóa từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”; đồng thời, chuẩn bị nội dung, xin ý kiến Hội đồng khoa học của đơn vị về chỉnh lý phòng trưng bày “Trống đồng phát hiện tại Thanh Hóa”. Bên cạnh đó, thực hiện phân kỳ năm 2020 của đề án “Sưu tầm, bảo quản và chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2010-2020”, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành bổ sung nội dung, thay thế toàn bộ etyket các phòng trưng bày và khuôn viên sân vườn (chất liệu focmex và inox); sửa chữa gia cố mái, khung trưng bày máy cày DT 24; in bổ sung một số ảnh, bản trích bổ sung cho phòng “Trống đồng phát hiện tại Thanh Hóa”; tổ chức phòng trưng bày chuyên đề “Muôn nẻo, tìm về” nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11); lắp đặt bảng chữ điện tử ngoài cổng phục vụ tuyên truyền nhân dịp các ngày lễ lớn...

Bên cạnh nhiệm vụ chỉnh lý và trưng bày hiện vật, Bảo tàng tỉnh cũng chú trọng công tác quảng bá hình ảnh và tuyên truyền giáo dục. Cụ thể, đơn vị đã tích cực quảng bá trên website và các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về mọi hoạt động của bảo tàng. Trong đó, riêng website baotang.thanhhoa.gov.vn luôn duy trì hoạt động, với lượng thông tin, hình ảnh tương đối phong phú, đa dạng. Kết quả, tính đến ngày 27-12-2020, website có số lượt truy cập site tiếng Việt đạt 874.748 lượt; tiếng Anh đạt 124.019 lượt. Ngoài ra, các chương trình giáo dục lịch sử, hoạt động tương tác, trải nghiệm... liên tục được đổi mới, thu hút ngày càng đa dạng các đối tượng khách, từng bước đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn học sinh, sinh viên nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, để thu hút khách đến bảo tàng, trong năm 2020, đơn vị đã tổ chức cải tạo phòng trưng bày “Vạc đồng - Bảo vật quốc gia Việt Nam”; trưng bày hiện vật đá tại khuôn viên bảo tàng; lắp đặt hệ thống ghế ngồi có mái che phục vụ khách tham quan...

Nhờ chủ động khắc phục khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động, nên số ngày mở cửa và việc tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng, phối hợp trưng bày lưu động luôn đạt và vượt kế hoạch giao. Tính riêng năm 2020, số ngày mở cửa bảo tàng là 345/345 ngày, đạt 100% kế hoạch; số cuộc trưng bày tại chỗ là 2/1 cuộc, đạt 200% kế hoạch; trưng bày lưu động là 3/3 cuộc, đạt 100% kế hoạch; dịch tài liệu cổ được 31/30 tài liệu, hiện vật, đạt 103% kế hoạch; biên soạn xuất bản 200 cuốn sách (Sắc phong lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa); sưu tầm 315/250 hiện vật các thời kỳ, đạt 126% kế hoạch... Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động đón và phục vụ khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại bảo tàng và các cuộc trưng bày, vẫn bị giảm sút so với những năm trước. Theo đó, năm 2020, đơn vị đón và phục vụ 23.490/27.000 lượt khách tham quan, đạt 87% kế hoạch.

Những kết quả đạt được trong hoạt động của Bảo tàng tỉnh thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Song do cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, nên bảo tàng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng. Đặc biệt là hệ thống kho hiện vật và các phòng trưng bày, do được tận dụng và cải tạo lại nên chưa đồng bộ cũng như không phù hợp với công năng của bảo tàng. Do đó, đã gây nhiều khó khăn cho đơn vị trong công tác quản lý, lưu giữ, bảo quản hiện vật và tổ chức các hoạt động trưng bày... Để từng bước khắc phục khó khăn, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của tỉnh để hoàn thiện cơ sở vật chất; Bảo tàng tỉnh cũng chú trọng xây dựng khuôn viên văn hóa hấp dẫn, xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, hướng tới mở các loại hình dịch vụ phù hợp và xây dựng các quy định, định mức thu lệ phí đối với khách tham quan.

Đặc biệt, để thu hút ngày càng đông khách tham quan, bảo tàng đã và đang chủ động nghiên cứu, đa dạng hóa các chương trình giáo dục và các hoạt động trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Bảo tàng Thanh Hóa gắn với phát triển du lịch”; tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong tuyên truyền, quảng bá đất và người xứ Thanh thông qua hệ thống trưng bày tại bảo tàng. Ngoài ra, bảo tàng cũng chú trọng lựa chọn hiện vật tiêu biểu, giàu giá trị phục vụ các cuộc trưng bày gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa lớn và phục vụ các đoàn khách đến nghiên cứu tại hệ thống kho... Qua đó, từng bước xây dựng bảo tàng trở thành địa điểm học tập suốt đời của Nhân dân.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]