(Baothanhhoa.vn) - Bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền là một trong những nhiệm vụ lớn của công tác phòng, chống thiên tai, được các ngành, các địa phương ven biển chú trọng. Đầu mùa mưa bão năm 2022, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ven biển lên các phương án bảo đảm an toàn cho tàu cá, trong đó có công tác thông tin báo bão, bố trí nơi tránh trú, tổ chức phương án tìm kiếm cứu hộ trên biển khi có sự cố...

Bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền mùa mưa bão

Bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền là một trong những nhiệm vụ lớn của công tác phòng, chống thiên tai, được các ngành, các địa phương ven biển chú trọng. Đầu mùa mưa bão năm 2022, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ven biển lên các phương án bảo đảm an toàn cho tàu cá, trong đó có công tác thông tin báo bão, bố trí nơi tránh trú, tổ chức phương án tìm kiếm cứu hộ trên biển khi có sự cố...

Bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền mùa mưa bãoTàu, thuyền vào tránh trú bão tại âu neo đậu tàu, thuyền Lạch Hới (TP Sầm Sơn).

Thời điểm cuối tháng 9-2022, toàn tỉnh có 6.512 phương tiện tàu, thuyền chuyên khai thác trên biển, trong đó có 975 phương tiện chuyên hoạt động vùng lộng, 1.170 phương tiện đăng ký khai thác các ngư trường vùng khơi. Gắn với các phương tiện có khoảng 24.500 lao động thường xuyên khai thác trên biển, trong đó số lượng lao động khai thác xa bờ với nhiều ngày trên biển thuộc vùng khơi và vùng lộng lên tới hơn 15.000 người. Mùa mưa bão 2022 đang vào giai đoạn phức tạp nhất, nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trên biển có ý nghĩa quan trọng, trở thành nhiệm vụ chính trị của các địa phương.

Tại huyện ven biển Hoằng Hóa, từ cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện đã xây dựng Phương án số 06 để xây dựng từng nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền, triển khai thực hiện ngay khi mùa mưa bão bắt đầu. Đầu tiên là công tác tuyên truyền và hoạt động thông tin liên lạc đã được huyện triển khai để nâng cao nhận thức, kiến thức ứng phó thiên tai cho ngư dân, phát huy sự chủ động phối hợp giữa các lực lượng, chính quyền các xã ven biển. Các phương tiện và hệ thống thông tin liên lạc như điện thoại, fax, internet, nhóm zalo... giữa các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là với UBND các xã ven biển, với Đồn Biên phòng Hoằng Trường trong triển khai các nhiệm vụ chung đã được triển khai hiệu quả. Trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, huyện tổ chức trực 24/24 giờ, tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, các ngành để phối hợp chỉ đạo cơ sở và ngư dân triển khai phương án phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới.

Với tổng số tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản trên biển lên tới 936 phương tiện, nên vấn đề bố trí khu neo đậu cho tàu thuyền khi có mưa bão, áp thấp nhiệt đới được huyện Hoằng Hóa chú trọng. Trên địa bàn huyện hiện có 2 cảng cá loại III là Hoằng Trường và Hoằng Phụ được sử dụng để neo đậu cho tàu cá có chiều dài dưới 15m và phương tiện bè mảng khoảng 550 tàu, 1 bến cá phục vụ neo đậu cho hơn 300 bè mảng tại xã Hoằng Thanh. Ngoài ra, huyện còn bố trí 2 khu neo đậu tự nhiên dọc sông Cung thuộc xã Hoằng Phụ chứa khoảng 60 tàu và eo Đồng Rởm thuộc xã Hoằng Châu chứa khoảng hơn 40 tàu. Nhiều phương tiện lớn khác được khuyến khích đưa đi tránh trú ở các âu tránh bão và cảng cá ở TP Sầm Sơn và huyện Hậu Lộc. Hiện nay, Đồn Biên phòng Hoằng Trường cũng phụ trách và thường xuyên nắm bắt thông tin tàu cá hoạt động trên biển, phối hợp với chính quyền các xã ven biển hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào neo đậu tránh trú an toàn. Hiện, đơn vị này cũng lên các phương án phối hợp để tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống sự cố, tại nạn tàu cá xảy ra trên biển, trên sông thuộc địa bàn quản lý hoặc khi có chỉ đạo của cấp trên.

Huyện Quảng Xương cũng duy trì tổ tổng hợp thông tin thuộc Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS huyện để thường trực 24/24 giờ khi có tin bão, đôn đốc các xã kiểm tra tình hình hoạt động và liên lạc với các chủ tàu để kêu gọi vào bờ. UBND các xã ven biển được giao nắm bắt đầy đủ tần số liên lạc các máy thông tin của chủ tàu cá, vùng hoạt động để kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đối với chủ tàu, yêu cầu phải trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, nếu khai thác xa đất liền phải trang bị máy bộ đàm liên lạc tầm xa, thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Đối với các xã không có nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, huyện yêu cầu tập hợp nhu cầu của ngư dân, chủ động liên hệ trước với chính quyền nơi tàu cá của địa phương xin được vào trú ẩn trong mùa bão, chủ động liên hệ với các xã Quảng Nham, Quảng Thạch, nơi mà hàng năm tàu cá của các xã thường hay neo đậu tránh trú. Các xã cũng đã bố trí lực lượng công an, bảo đảm an ninh, phòng ngừa các đối tượng xấu làm thất thoát tài sản trên các tàu, thuyền khi neo đậu; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra trên các bến trú đậu.

Trên bình diện toàn tỉnh, lực lượng kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng cũng đã lên các phương án và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cho công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Để thông báo kịp thời cho các phương tiện đang tham gia khai thác trên biển khi có tình huống khẩn cấp như nguy cơ sóng thần, bão lớn đổ bộ, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh đã lên phương án bắn pháo hiệu tại 6 điểm ven biển và hải đảo. Trên cơ sở căn cứ các quy định, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã được giao và lên phương án bắn pháo hiệu tại 4 điểm ven biển gồm: Núi Đầu Bò, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), do Đồn Biên phòng 118 thực hiện; núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn) do Đồn Biên phòng 122 thực hiện; núi Do Xuyên (thị xã Nghi Sơn) do Đồn Biên phòng 126 thực hiện; Đông nam đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) do Đồn Biên phòng 130 thực hiện. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng có nhiệm vụ bắn pháo hiệu tại 2 điểm cao thuộc đảo Mê và đảo Nẹ để cảnh báo tình huống thiên tai khẩn cấp. Việc phê duyệt phương án bắn pháo hiệu đã nằm trong nhiệm vụ PCTT, TKCN của hai lực lượng nói trên. Những đợt bão gió, thiên tai trên biển gần đây, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đang triển khai tốt việc kêu gọi và nắm bắt tình hình tàu, thuyền trên biển, kêu gọi và hướng dẫn các ngư dân vào tránh trú bão.

Ngoài các vị trí tránh trú tự nhiên ở các dòng sông, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 4 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu, thuyền, gồm: Khu neo đậu Lạch Trường tại huyện Hậu Lộc, khu neo đậu Lạch Hới tại TP Sầm Sơn, khu neo đậu Lạch Bạng thuộc thị xã Nghi Sơn và khu neo đậu sông Lý thuộc huyện Quảng Xương. Đây là những vị trí tránh trú để bảo đảm an toàn cho các phương tiện, đã được đầu tư hạ tầng khang trang đáp ứng nguyện vọng của các chủ tàu và ngư dân.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]