(Baothanhhoa.vn) - Hơn 40 năm sau ngày đất nước hòa bình, dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc giải quyết trợ cấp, ưu đãi cho người có công vẫn còn không ít hạn chế, vướng mắc. Đặc biệt là những bất cập trong thực hiện chính sách cho nhóm đối tượng nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Thực thi chính sách ưu đãi cho nạn nhân da cam: Sớm lấp đầy các “lỗ hổng”

Hơn 40 năm sau ngày đất nước hòa bình, dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc giải quyết trợ cấp, ưu đãi cho người có công vẫn còn không ít hạn chế, vướng mắc. Đặc biệt là những bất cập trong thực hiện chính sách cho nhóm đối tượng nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin.

Đại diện Hội Nạn nhân Chất độc da cam tỉnh Thanh Hóa, huyện Thạch Thành trao tiền hỗ trợ làm nhà cho gia đình ông Nguyễn Văn Oánh, thôn Tiên Hương, xã Thành Tân (Thạch Thành). Ảnh: Trần Hằng

Những chuyện “ngược đời”...

Như nhiều cựu chiến binh từng đi qua những năm tháng bom đạn, ông Nguyễn Doãn Long (quê xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa) còn nhớ như in những đoạn ký ức đầy gian khổ nhưng vô cùng hào hùng, khi ông trực tiếp tham gia chiến đấu khắp các chiến trường Tây Nguyên và Đông Nam bộ, kể từ những ngày đầu nhập ngũ (tháng 4-1962). Tháng 1-1971, ông được ban chỉ huy cử đi học lái xe và chuyển đổi đơn vị chiến đấu, trở thành lái xe tại đội C13, Tiểu đoàn 51, Trung đoàn 33, Sư đoàn 471 thuộc Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn). Đây cũng là quãng thời gian quân Mỹ điên cuồng rải chất độc hóa học (CĐHH) nhằm triệt phá tuyến giao thông huyết mạch Trường Sơn. Mặc dù vậy, mãi sau này khi đã phục viên, lập gia đình và sinh ra đứa con dị tật, dị dạng, ông Long mới vỡ lẽ bản thân đã nhiễm phải thứ chất độc quái ác này. Sau nhiều lần khám nghiệm, bác sĩ kết luận chị Nguyễn Thị Lan (37 tuổi) - con gái ông bị ảnh hưởng bởi CĐDC từ bố. Thế nhưng, nghịch lý là người con gái được hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân CĐDC, trong khi người đàn ông 75 tuổi vốn mang trong mình “mầm độc” suốt mấy chục năm lại không thuộc đối tượng được xét đến. Để rồi, suốt gần 10 năm chạy vạy làm thủ tục hồ sơ đề nghị, đến giờ hồ sơ của ông vẫn đang ở dạng... nằm chờ.

Câu chuyện nghe có vẻ “ngược đời” ấy lại không phải trường hợp cá biệt. Ông Lê Văn Yên (sinh năm 1954), ở xã Hóa Quỳ (Như Xuân) cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Yên từng trực tiếp chiến đấu ở nơi mà quân đội Mỹ rải CĐHH. CĐHH ngày càng bào mòn cơ thể, khiến sức khỏe ông ngày càng sa sút, nhưng do gia đình khó khăn nên ông không thể thường xuyên chữa trị. Không những thế, năm 1980 ông lập gia đình và sinh được 3 người con thì cả 3 đều bị dị dạng bẩm sinh, tay chân co quắp, không thể tự phục vụ bản thân. Ông Yên chia sẻ: “Tôi bị bệnh thần kinh và bệnh mờ mắt do di chứng CĐHH từ ngày còn trong chiến trường, nên thường xuyên mệt mỏi và đau ốm. Tôi đã nộp hồ sơ với đầy đủ giấy tờ, huân, huy chương và bệnh án, mong xác nhận là nạn nhân nhiễm CĐDC để được hưởng chế độ của Nhà nước, nhưng vẫn chưa có tin tức gì”. Cũng ở huyện Như Xuân có trường hợp của ông Vi Hoài Tiến (sinh năm 1953), ở xã Thanh Quân, từng tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Nam, bị đau ốm thường xuyên. Ông có hai con đều bị dị dạng, dị tật và đã được xác nhận chế độ nạn nhân da cam, nhưng bản thân ông Tiến lại không được hưởng chế độ này do không thu thập đủ giấy tờ, do thất lạc, đơn vị cũ đã giải tán nên không thể xin chứng thực thời gian, địa điểm từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu...

Đây chỉ là một vài trường hợp trong số hàng trăm nạn nhân đã làm hồ sơ nhưng chưa được xác nhận. Được biết, đa số các nạn nhân đều đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe suy giảm, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, có nhiều nạn nhân đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từng tham gia chiến đấu và bị nhiễm CĐDC, nhưng do điều kiện khó khăn, nhận thức hạn chế nên vẫn chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tìm hiểu thêm tại huyện Hoằng Hóa, địa phương hiện vẫn còn 61 trường hợp cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến trong vùng ảnh hưởng của CĐHH vẫn chưa được xét duyệt hồ sơ, chúng tôi được ông Lê Khắc Ngọ, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện, chia sẻ: Trong số những đối tượng chưa được xác nhận chế độ, nhiều người đang mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y như ung thư, tâm thần, vô sinh, dị dạng, dị tật, thậm chí liệt toàn thân. Do sức khỏe suy giảm, không có khả năng lao động nên hầu hết các nạn nhân đều có hoàn cảnh gia đình nghèo và khó khăn. Bởi vậy, chế độ trợ cấp của Nhà nước đối với họ là rất quý, góp phần xoa dịu nỗi đau mà họ phải gánh chịu. Xót xa hơn, nhiều người trong số họ do tuổi cao, sức yếu, lại phải chờ đợi giám định quá dài nên đã qua đời mà không được hưởng chế độ gì.

Theo số liệu điều tra năm 1998, toàn tỉnh có trên 23.000 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm CĐDC, đến nay đã có 18.975 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được xác nhận là đối tượng bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (trong đó có 4.223 người đã chết, số còn lại đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng). Như vậy, ngoài những nạn nhân da cam đã được chi trả trợ cấp hàng tháng, hiện vẫn còn trên 3.000 người bị phơi nhiễm CĐDC chưa được xác nhận; 135 trường hợp bố mẹ là nạn nhân da cam mang trong mình di chứng chiến tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt và di truyền sang thế hệ con, cháu đã làm hồ sơ nhưng chưa được xác nhận để hưởng chế độ ưu đãi dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC; 255 trường hợp con đẻ của các nạn nhân bị dị dạng, dị tật đã làm hồ sơ nhưng chưa được hưởng chế độ và còn hàng trăm trường hợp các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐDC vì nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn chưa tiếp cận được chính sách của Nhà nước.

Bất cập trong chính sách

Với truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, ngay từ thời điểm đất nước vừa thống nhất, Đảng và Nhà nước đã bắt đầu thực hiện xây dựng hành lang pháp lý độc lập nhằm khắc phục, bù đắp những khó khăn về vật chất và tinh thần cho những đối tượng là nạn nhân nhiễm CĐDC. Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực xây dựng hệ thống pháp lý, đến nay cơ chế hỗ trợ nạn nhân nhiễm CĐDC vẫn chưa được kiện toàn để áp dụng và mang lại kết quả bền vững. Điều đáng nói là các quy phạm hiện hữu đã và đang nảy sinh nhiều bất cập vì chưa đủ bao quát, nhằm điều chỉnh triệt để vấn đề khắc phục một phần hậu quả chiến tranh. Ông Phạm Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, cho biết: “Hiện tỉnh ta còn hàng trăm hồ sơ xin khám, giám định vẫn đang tồn đọng, chưa được giải quyết, do người thì đang được xem xét tiếp, người thì không đủ thủ tục giấy tờ. Sở dĩ có tình trạng này là do những bất cập trong công tác giải quyết chế độ mà chính các nạn nhân và các cấp, ngành đang gặp phải”.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều 57, Thông tư 05 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC phải có “một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐHH, gồm: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH, được xác lập từ ngày 30-4-1975 trở về trước; bản sao lý lịch cán bộ...”. Tuy nhiên, thực tế những giấy tờ trên chỉ ghi phiên hiệu đơn vị mà không ghi rõ địa điểm đơn vị đóng quân, chiến đấu. Do vậy, khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng không có căn cứ xác nhận thời gian, địa điểm tham gia hoạt động kháng chiến của đối tượng nên khó giải quyết chế độ ưu đãi. Đó là chưa kể trong thời gian chiến đấu, do phải di chuyển và bị bom đạn thường xuyên bắn phá, nên giấy tờ bị mất hoặc thất lạc cũng là nguyên nhân khiến hồ sơ của nhiều đối tượng không đủ điều kiện xét duyệt. Bên cạnh đó, thủ tục, quy trình xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi cho các nạn nhân hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến trường hợp con được hưởng chế độ, nhưng cha thì không.

Còn một bất cập đáng nói nữa trong thực thi chính sách dành cho nạn nhân nhiễm CĐDC. Đó là những người bị phơi nhiễm CĐDC có thể mắc nhiều bệnh khác nhau, nhưng nếu loại bệnh đó không nằm trong danh mục các bệnh, tật có liên quan đến CĐDC theo quy định của Bộ Y tế, thì Hội đồng giám định Y khoa cũng không thể xác nhận bệnh tật cho đối tượng. Ví như trường hợp của ông NNT. (sinh năm 1947), ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy. Ông T. đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng từ 1965 đến năm 1970, cũng là thời gian Mỹ rải CĐHH tại khu vực này. Ông T. nhớ lại: “Khi ấy, ông và các chiến sĩ chỉ biết đó là thứ chất độc khi xộc lên mặt thì gây cay mắt và có mùi khó chịu chứ không biết đó là thứ chất độc chết người, để lại di chứng đến đời sau”. Sau khi phục viên, ông lập gia đình và sinh được 3 người con thì có 2 người bị di chứng CĐDC. Theo chính sách ưu đãi của Nhà nước, con ông được công nhận là nạn nhân da cam. Nhưng trớ trêu thay, bản thân ông lại không được công nhận, vì những căn bệnh ông đang mang trong mình không có trong danh mục 17 loại bệnh, tật theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài những vướng mắc nêu trên, trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng chỉ quy định ưu đãi đến thế hệ thứ hai, còn thế hệ thứ ba là đời cháu lại không có quy định nào để làm cơ sở công nhận. Mặc dù, khoa học và thực tế đều chứng minh, CĐDC/dioxin khi đi vào cơ thể con người có khả năng làm biến đổi gen và gây ra các dị dạng, dị tật bẩm sinh đối với các thế hệ con, cháu, chắt của người bị phơi nhiễm! Điều này vô hình chung đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các thế hệ kế tiếp của những người đã xả thân vì độc lập dân tộc. Ngoài ra, còn một bất cập nữa đó là đối tượng thụ hưởng còn thiếu thông tin. Theo phản ánh của nhiều gia đình có người bị nhiễm CĐDC, họ đều có chung một nỗi bức xúc khi làm hồ sơ, đó là việc triển khai các hướng dẫn cho nhân dân chưa cụ thể, rõ ràng. Mặc dù mỗi lần bổ sung các điều kiện, cơ quan chức năng đều tập huấn, phổ biến, nhưng mới chỉ dừng lại ở một số cán bộ thực thi, còn đa số những nạn nhân bị nhiễm CĐDC lại không biết về những thay đổi đó, dẫn đến việc nộp hồ sơ chậm hoặc không có đủ các thủ tục giấy tờ, ảnh hưởng tới việc làm hồ sơ xét duyệt.

Bởi những khó khăn, bất cập trong thực thi chính sách dành cho nạn nhân da cam, phần đa đều xuất phát từ bản thân chính sách ấy. Chính vì lẽ đó, điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp, để vừa không “lọt” đối tượng, vừa để chính sách ấy mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, thiết nghĩ là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Do vậy, hơn lúc nào hết, tỉnh Thanh Hóa cần sớm kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan như Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng ban hành quy trình xác định nạn nhân CĐDC/dioxin. Đồng thời, có kiến nghị Bộ Y tế rà soát danh mục các bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐDC (trong đó, cụ thể hóa các loại bệnh tật nghiêm trọng nhất, có khả năng chẩn đoán, điều tra, xác định; ban hành các tiêu chí chẩn đoán bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐDC). Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét để có chính sách đối với thế hệ thứ 3 của những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC; các đối tượng là cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu trên nước bạn và đóng quân tại những điểm nóng bị ảnh hưởng của CĐDC sau ngày 30-4-1975, bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh.

Nỗi đau mà hàng nghìn nạn nhân da cam đang hàng ngày, hàng giờ gánh chịu không chỉ là nỗi đau thể xác, mà trầm trọng hơn là nỗi đau tinh thần. Để việc “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” không chỉ là khẩu hiệu, thiết nghĩ, bên cạnh sự ủng hộ của toàn xã hội, càng cần thiết hơn là sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc hoạch định, hoàn thiện và thực thi chính sách một cách hiệu quả. Có như vậy các nạn nhân da cam mới được thụ hưởng chính sách ưu đãi, xứng với sự hy sinh của bản thân và cha anh họ cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Bài 2: Hồ sơ giả - hệ lụy thật!


Nhóm Phóng viên Văn hóa - Xã hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]