(Baothanhhoa.vn) - Mỗi một sinh mệnh có mặt trên cõi đời đều đáng quý và dường như đều mang trong mình một sứ mệnh. Có lẽ vì vậy mà sứ mệnh của những “thân phận khuyết thiếu” - nạn nhân chất độc da cam - là để hiện thực hóa tình yêu thương và niềm khát khao con trẻ từ đấng sinh thành. Dẫu hiện thực ấy, có đôi khi là nỗi đau và bi kịch.

Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài 1: Lặng im giữa cõi người

Mỗi một sinh mệnh có mặt trên cõi đời đều đáng quý và dường như đều mang trong mình một sứ mệnh. Có lẽ vì vậy mà sứ mệnh của những “thân phận khuyết thiếu” - nạn nhân chất độc da cam - là để hiện thực hóa tình yêu thương và niềm khát khao con trẻ từ đấng sinh thành. Dẫu hiện thực ấy, có đôi khi là nỗi đau và bi kịch.

Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài 1: Lặng im giữa cõi người

Bằng nguồn vốn vay ưu đãi, nạn nhân da cam Vũ Tiến Sử (xã Đông Nam, huyện Đông Sơn) đã đầu tư nuôi chim bồ câu mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Trần Hằng

Nỗi đau bị “đóng băng”

Những con người ngay từ khi sinh ra đã bị “đóng băng” trong nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Để rồi, bản thân chẳng thể trả lời được câu hỏi “con là ai” và suốt nhiều năm, thậm chí là mấy mươi năm, họ cứ sống lặng im giữa cõi người...

Vũ Thị Hạnh đã 34 tuổi, nhưng cái tuổi bị giấu trong hình hài đứa trẻ lên mười. Qua khe cửa hẹp, vạt ánh sáng yếu ớt lọt vào gian phòng quanh năm cửa đóng then cài. Hi hữu lắm, vào những ngày Hạnh khỏe khoắn, cánh cửa mới nới rộng. Hạnh ngồi khom khom trên chiếc giường mà từ khi sinh ra, nó đã buộc chặt vào đời cô như một phần sinh mạng. Không được may mắn như 3 người anh chị, từ khi chào đời, Hạnh đã chảy dòng máu ngấm chất độc da cam - hệ quả của những tháng năm lăn lộn khắp chiến trường Quảng Trị của người cha - ông Vũ Tiến Sử (xã Đông Nam, huyện Đông Sơn). Do chứng liệt bẩm sinh, cộng thêm cơ chế máu lâu đông, nên suốt mấy mươi năm, Hạnh chỉ có một “tư thế sống” duy nhất là nằm. Mãi gần đây, Hạnh mới bắt đầu tập ngồi. Gương mặt vô cảm, đôi mắt vô hồn, chỉ thi thoảng Hạnh ngây ngô cười, nụ cười chẳng lành lặn vì chứng hở hàm ếch. Mặc kệ tiếng trò chuyện, hỏi han xung quanh, dường như, thế giới đầy bí mật của Hạnh đang xoay trong vũ điệu cuồng loạn của bụi bặm lẫn vào vạt sáng nơi góc phòng.

Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài 1: Lặng im giữa cõi người

Chị Vũ Thị Hạnh, xã Đông Nam (Đông Sơn) đã 34 tuổi nhưng hình hài chỉ như trẻ lên 10.

Chúng tôi đến nhà nạn nhân Nguyễn Văn Đưa (phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn) khi chiều đã muộn. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, đôi mắt mờ đục hõm sâu trong hốc mắt như đang tranh đấu kịch liệt với chút ánh sáng của ngày tàn. Sau những năm tháng dọc ngang chiến trường Bình Trị Thiên, ông những tưởng cuộc sống mới sẽ bắt đầu. Thế mà tang thương, đau đớn cứ lũ lượt tìm tới. Vợ ông tất tưởi ra đi, để lại 6 đứa con nheo nhóc, thì 5 đứa bị câm, điếc, khoèo chân tay - di chứng chất độc da cam từ người cha. Cảnh “gà trống nuôi con” khó nhọc cứ bám riết, đeo đẳng lấy cuộc đời ông tưởng chừng không có hồi kết. May thay, gặp được người thương cho nỗi bất hạnh đã đồng ý gắn bó cùng ông, đỡ đần ông những khi trái gió trở trời và chăm bầy con tật nguyền. Cũng may nữa là những đứa con không hoàn thiện mỗi ngày mỗi lớn và tự biết làm lụng kiếm sống. Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng với người đàn ông đã bước sang tuổi 76 ấy, ít nhiều hẳn cũng xem như thỏa nguyện.

Nỗi đau xuyên thế hệ không phải là chuyện hiếm lạ gì dưới những mái nhà nạn nhân chất độc da cam. Gia đình ông Nguyễn Xuân Thiện “có tiếng” khắp xã Đông Nam, huyện Đông Sơn vì sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái) thì cả 3 cô con gái đều bị thần kinh, mù lòa, không thể tự chăm sóc bản thân. Vậy nên, gần 40 năm nay, 2 vợ chồng ông trở thành đôi mắt, đôi tay của con. Những khi bình thường, 3 cô gái trên 30 và ngót 40 tuổi ấy, chẳng khác gì đứa trẻ hiền lành hiểu chuyện. Thế nhưng, chúng đâu ngồi yên mãi cho ông bà chăm sóc. Những khi lên cơn thần kinh, chúng trở nên hung dữ dị thường và quay ra đánh đập, cắn xé bố mẹ mình. Khi ấy, dẫu thể xác đau đớn và tinh thần mỏi mệt, nhưng những bậc làm cha làm mẹ chưa một phút buông bỏ cái khúc ruột đời mình. Ông Thiện tâm sự: “Nếu cứ suy nghĩ tiêu cực thì bây giờ đến mái nhà tôi cũng không có. Với tôi, gia đình là cái gánh phải tự mình gánh lấy, chứ đừng trông chờ ai gánh hộ”.

Với những bậc làm cha làm mẹ, có lẽ không nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Thế nhưng, đó là điều ông Đỗ Khánh Hòa (xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung) đã thấm thía hơn ai hết. Cô con gái thứ hai Đỗ Thùy Linh (sinh năm 1987) qua đời giữa năm 2020, kết thúc chuỗi ngày sống vô tri do thiểu năng trí tuệ nghiêm trọng. Nhà còn 4 người, 2 vợ chồng và 2 đứa con đều là nạn nhân chất độc da cam. Cuộc đời người đàn ông ấy chẳng khác gì một tấn bi kịch, khi cơ thể mang bệnh tật vẫn phải tự tay chăm sóc vợ con suốt mấy chục năm trời. Thế nhưng, với ông, một ngày còn được nhìn thấy vợ con trên đời là còn hạnh phúc. Vậy nên, thâm tâm người đàn ông ấy luôn thường trực nỗi lo, rằng nếu chẳng may ông chết đi thì lấy ai chăm sóc vợ con.

...

Bấy nhiêu chỉ là một vài thân phận trong hàng nghìn cảnh đời bất hạnh vẫn đang hằng ngày sống. Dẫu chật vật, dẫu đau đớn, dẫu vô tri, thì cái giá của sự tồn tại ấy vốn dĩ không hề rẻ.

“Cuộc chiến” thầm lặng

Có lẽ, trong lịch sử chiến tranh nhân loại, chưa có cuộc chiến tranh hóa học nào lại kéo dài, quy mô lớn và gây ra hậu quả thảm khốc như “cuộc chiến thập kỷ” mà đế quốc Mỹ đã tiến hành ở miền Nam Việt Nam. Dưới mật danh chung là “OPERATION TRAIL DUST”, được phiên thành cái tên khá mỹ miều “chiến dịch bụi đường mòn”, suốt 10 năm (từ 1961 đến 1971), quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học (phần lớn là chất độc da cam/dioxin) xuống ¼ diện tích miền Nam. Hậu quả là 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó, 300.000 người tham gia kháng chiến và con cái của họ đã được xác nhận là nạn nhân chất độc da cam.

Chiến tranh hóa học được xem là phương thức tác chiến vô cùng dã man, có khả năng hủy hoại sự sống khủng khiếp và để lại di chứng lâu dài cho môi trường và con người. Dioxin có độc tính rất cao và bền vững trong cơ thể, gây suy giảm hệ thống miễn dịch, rối loạn hệ nội tiết, rối loạn chuyển hóa, tổn thương vật chất di truyền... Do đó, nó có thể gây đồng thời nhiều loại bệnh tật cho nạn nhân. Qua xác minh, từ năm 2000-2020, tỉnh Thanh Hóa có 18.933 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ là nạn nhân chất độc da cam. Cũng trong giai đoạn này, 4.321 nạn nhân đã chết do mắc các căn bệnh quái ác. Song, người chết đã đành một lẽ, còn người sống mới thật cơ cực, dày vò. Nếu lấy những “chuẩn” cơ bản nhất làm thước đo cho sự tồn tại của con người là ăn, ở, đi lại, nói năng, lao động...; thì nạn nhân chất độc da cam là những người đau khổ và bất hạnh nhất. Nhiều người trong số họ chưa một ngày được sống đúng nghĩa con người.

Hậu quả phía sau cuộc chiến của bom đạn và hóa chất, là “cuộc chiến” thầm lặng giữa đời thường. Những người cha, người mẹ vốn nửa đời trải qua đau thương, mất mát chiến tranh, giờ đây đang hằng ngày đối mặt với hiện thực cũng tàn khốc không kém là giành giật sự sống cho những đứa con không lành lặn. “Cuộc chiến” ấy có thể kéo dài 20, 30, 40 năm, thậm chí là cả đời người. Nhưng rồi, chính những người mẹ, người cha - những thân phận người đầy bi kịch ấy - cũng lại là minh chứng sống động cho một chân lý rằng, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái không giống bất kỳ thứ gì khác trên đời. Tình yêu ấy không biết đến luật lệ hay sự thương hại, nó thách thức tất cả cũng như không khoan nhượng bất kỳ trở ngại nào cản đường nó. Vì vậy mà, những đứa con - dù không lành lặn về thể xác, tâm hồn và bị nỗi đau da cam nhuộm màu u ám lên sự sống - thì chúng vẫn được bảo bọc và cứu rỗi trong tình yêu thương của đấng sinh thành. Để khi màn đêm tan đi, bình minh ló rạng, hy vọng về một điều thần kỳ - biết đâu đấy - vẫn đang âm thầm nảy nở dưới những nếp nhà lặng lẽ.

Nhóm PV Văn hóa - Xã hội

Tin liên quan:
  • Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài 1: Lặng im giữa cõi người
    Nỗi đau da cam - Chuyện chưa hồi kết: Bài 2 - Khoảng trống chính sách vẫn chưa ...

    Hòa bình là khái niệm được viết bằng máu của nhiều thế hệ cha anh. Bởi vậy, không chỉ luôn khắc sâu, trân trọng và hàm ơn bằng nghĩa cử đẹp; mà trách nhiệm mỗi người lúc này - đặc biệt là của những người xây dựng và thực thi chính sách - là sớm lấp đầy các khoảng trống chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.


Nhóm PV Văn hóa - Xã hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]