(Baothanhhoa.vn) - “Những ngày giáp tết, phố xá đông vui, người người nô nức đi sắm tết, bà con xa quê trên mọi miền về đoàn tụ với gia đình, đón năm mới sum vầy, hạnh phúc. Nơi biên cương những người lính biên phòng vẫn hành quân tuần tra, kiểm soát biên giới, giúp dân sửa nhà, làm vườn, hỗ trợ đồng bào đón tết, trấn áp các loại tội phạm đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ấm tình biên cương

“Những ngày giáp tết, phố xá đông vui, người người nô nức đi sắm tết, bà con xa quê trên mọi miền về đoàn tụ với gia đình, đón năm mới sum vầy, hạnh phúc. Nơi biên cương những người lính biên phòng vẫn hành quân tuần tra, kiểm soát biên giới, giúp dân sửa nhà, làm vườn, hỗ trợ đồng bào đón tết, trấn áp các loại tội phạm đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

Ấm tình biên cương

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) cùng bà con dân bản gói bánh chưng đón tết. Ảnh: Xuân Tứ

Đến giờ thì tôi thừa nhận rằng mình may mắn hơn rất nhiều người, kể cả so với nhiều bạn bè, đồng nghiệp, chẳng phải chuyện tiền bạc hay thăng quan tiến chức mà cái duyên đến với vùng cao biên giới, được tiếp xúc, làm việc với bộ đội biên phòng và được các anh xem như người trong nhà, được nghe các anh vô tư trải lòng mình với một người em từ dưới xuôi lên thăm. Tính ra, tôi đi cũng được kha khá, cũng chỉ còn một vài đồn tôi chưa qua, phần còn lại tôi đã có may mắn được đến “xin cơm” và lần nào cũng thế luôn có cảm giác ấm áp, thân quen, ân cần, chu đáo của các anh. Đặc biệt hơn, mỗi chuyến đi, tôi lại lượm được cho mình dăm câu chuyện thú vị về những người lính mang quân hàm xanh nơi miền biên viễn làm vốn liếng cho sự nghiệp cầm bút của mình.

“Con mái già này mỗi ngày vẫn đẻ trứng vàng đều đều đấy” ông tài xế ám chỉ con County 29 chỗ đời 1998 đang ì ạch bò lên con dốc ngược 10 độ, con dốc dài tưởng như vô tận men theo dãy núi có độ cao vài trăm mét so với mực nước biển. Tai tôi ù đặc vì chênh lệch áp suất nhưng vẫn nghe được tiếng gằn của “con mái già”, nửa ngày vật vã trên con “Limousine phiên bản lỗi” này cuối cùng tôi cũng đến được nơi tôi muốn đến. “Đồn đang xây dựng lại, công trình bừa bộn lắm, chú thông cảm, vài tháng nữa đâu sẽ vào đấy ngay”, đồng chí Vi Văn Lý, Chính trị viên của Đồn Biên phòng Hiền Kiệt thông báo kèm theo nụ cười tươi rói.

- Anh hiểu đề tài của chú rồi. Tết nhất thì năm nào cũng như năm nào thôi. Còn đời sống anh em thì ngày xưa mới khổ, mới thiếu thốn, bây giờ khác rồi, tết là đủ hết. Nghỉ ngơi đi chiều anh gọi anh Tươi đến gặp chú, anh ấy đang “trực COVID” ở trạm đóng trong bản Ho, cách đồn 9 cây số. Gặp anh Tươi là đúng người đúng việc như yêu cầu của chú đấy.

Trung tá Lê Xuân Tươi, khoác áo lính từ 1989 đến nay đã ba mươi hai năm gắn bó với đất trời biên giới. Hai mươi hai năm đóng quân ở đồn Tén Tằn, huyện Mường Lát thuộc biên chế đội phòng chống ma túy và tội phạm, 5 năm trong đội liên ngành đóng quân ở đồn Trung Lý, nghĩa là hai mươi bảy năm ngược xuôi với đất Mường Lát, nơi gian khổ, phức tạp vào bậc nhất của tỉnh. Năm 2016 anh được cấp trên luân chuyển biên chế vào đội phòng chống ma túy và tội phạm ở đồn Hiền Kiệt. Ba mươi hai năm trong đó hai mươi bảy năm đối mặt với tội phạm ma túy, 5 năm trong đội liên ngành đối diện với các loại tội phạm khác đặc biệt là tội phạm hình sự và truyền đạo trái phép. Hạ gục và thu phục hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, nhiều tên khét tiếng một thời khắp biên giới đã bị khuất phục. Điển hình như Vi Văn Thuần, bản Tén Tằn, đi tù 3 năm, về thấy anh vẫn mời lên nhà uống rượu ăn cơm để cảm ơn, Cứ A Lộng ở bản Pa Púa từ bỏ con đường truyền đạo trái phép trở về làm ăn lương thiện và gần đây là Sung Văn Di chủ nhân của 7 bánh heroin và 57 nghìn viên hồng phiến.

- Ba mươi hai năm khoác áo lính, kỷ niệm nào anh nhớ nhất?

- Đời lính nhiều kỷ niệm lắm, con sinh được một tuần thì đi, tám tháng sau mới về thăm, về bế con không theo, còn bị mấy ông hàng xóm trêu chọc. 5 năm ở Trung Lý, thì ba năm cắm bản, hai năm ở lại ăn tết cùng bà con. Nắm tình hình, bám đối tượng, gây dựng cơ sở cuối cùng đến ngày mùng 4 tết năm 2013 quyết định đánh thì phút cuối bị lộ, đối tượng nhảy sông chốn thoát, bao công sức, tâm huyết của anh em coi như bỏ bể. Từ 1989 đến 1995, năm nào cũng vài lần được co quắp vì sốt rét, chả thuốc thang gì rồi cũng tự khỏi, đến giờ thuốc thang, cơ sở vật chất đầy đủ rồi thì lại không bị sốt rét nữa mà lại bị tiểu đường.

Nụ cười hiền từ nở trên cái miệng hơi mom móm, nước da ngăm ngăm và đôi mắt sáng rất duyên của người lính biên phòng bao năm qua là khắc tinh của tội phạm ma túy nơi biên cương. Tôi hỏi mười mấy năm ăn tết với bà con dân bản trên này anh thấy thú vị không, anh bảo mới đầu chưa quen lại bị cảm xúc nhớ nhà chi phối nên không thoải mái, nhưng khi quen rồi thì lại thích, lại thấy thú vị, ấm áp chả khác gì nhà mình. Anh nói nhỏ, cứ bảo ở lại ăn tết với bà con, nhưng có mấy khi giao thừa được ăn tết trong nhà đâu, anh em cứ lang tha lang thang, lượn lờ ngoài đường, hết bản này đến bản kia, sáng ra thì vào chúc tết các đồng chí lãnh đạo ở ủy ban xã, đến chúc tết các già làng, trưởng bản và mỗi bản vài nhà... về đến đồn, anh em chúc tết nhau, ăn uống xong thay ca trực là ngủ bù. Vậy đấy, tết của lính chỉ vui khi bà con đón tết vui, an toàn, biên giới bình yên.

Anh em hay đùa bảo đội phòng chống ma túy và tội phạm là đội sướng nhất trong số các đội chuyên ngành ở đồn, vì trừ những khi họp hành, giao ban ở đồn thì phải theo quân lệnh còn khi đi làm thì như đi chơi, đi chơi mà lại ra việc, suốt ngày tếu táo, tầm phào, nhà nào làm vía sắn tay áo vào làm thịt lợn, thịt gà giúp, tết nhất xuống bản có gì làm nấy, có gì ăn nấy, đến mùa thì cấy lúa, gặt lúa, cõng ngô... chả khác gì người đồng bào. Nếu cho mình chọn lựa lại mình vẫn chọn làm bộ đội biên phòng, ngẫm lại mới thấy tính cách, con người mình rất hợp với nghề này, phát hiện ra mình có năng khiếu nằm vùng điều tra, phá án và tóm cổ “mấy thằng nghiện ngập chán sống”. Lắm lúc mình còn tưởng lầm bản thân mình là người Thái, người Mông, người đồng bào trên này, vì cả ngày cứ líu lo hết tiếng Thái đến tiếng Mông, có lúc nói tiếng Kinh cũng bị lơ lớ. Nói đến đây anh cười phá lên, cái cười sảng khoái, hồn nhiên và mãn nguyện.

Hành trình dọc miền biên viễn xứ Thanh lần này của tôi kéo dài từ đồn Tén Tằn sang đồn Hiền Kiệt rồi qua đồn cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Một chuyến đi hết sức thú vị, được gặp gỡ, giao lưu và hơn tất cả là được lắng nghe những câu chuyện hết sức đời thường dung dị mà những người mang quân hàm xanh chia sẻ, tâm tình. Tôi đã gặp được những con người bình dị, trừ những khi mạnh mẽ, quyết liệt, lạnh lùng với kẻ thù ra thì bình thường họ cũng giàu cảm xúc, cũng khi vui khi buồn, cũng biết nhớ thương và lo lắng cho mái ấm của họ nơi hậu phương xa xôi. Ngoài anh Tươi, tôi còn gặp được anh Hòa hai mươi năm lăn lộn công tác trên 3 bản Mông, ba bản khó khăn, phức tạp nhất của huyện Quan Sơn, hai phần ba thời gian đời lính của mình anh dành cho nhiệm vụ, cho đồng bào. Không phải người lính nào cũng được kết họ của người Mông như anh, đó là niềm tin mà bà con người Mông dành cho anh, một sự ghi nhận rằng anh là một phần của họ, như anh nói đó là niềm vui là phần thưởng lớn nhất mà đồng bào dành tặng. Thiếu tá Trần Đình Cần ở Tén Tằn, huyện Mường Lát với hai mươi năm gắn bó với mảnh đất xa xôi này, mang trên mình hai trọng trách vừa là quân nhân vừa là cán bộ xã, bao con đường, bao bản làng đã in dấu chân người lính, người cán bộ mẫn cán này. Vừa tham mưu cho đơn vị về tình hình an ninh trật tự trong địa bàn, vừa tham mưu cho chính quyền địa phương đảm bảo công tác chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Anh là một trong những người tiên phong đưa gia đình lên lập nghiệp, gắn bó với mảnh đất Mường Lát xa xôi. Vậy nên Tén Tằn, Mường Lát trở thành quê hương thứ hai của anh và gia đình, bà con đồng bào nơi đây từ lâu đã là anh em ruột thịt. Còn nhiều nữa những câu chuyện hay và ý nghĩa mà tôi được nghe thiếu tá Trịnh Ngọc Khoa, Đại úy Hà Viết Chiến, Thiếu úy Đặng Văn Dương... các anh chia sẻ, tâm tình. Ở những câu chuyện đó có niềm vui, có nỗi buồn, có nhớ thương và cả những lo toan, trăn trở nhưng trên tất cả là đức hy sinh, là trách nhiệm và trái tim nồng ấm tình yêu đất nước, đồng bào, là trách nhiệm thiêng liêng với biên cương của Tổ quốc.

“Những ngày giáp tết, phố xá đông vui, người người nô nức đi sắm tết, bà con xa quê trên mọi miền về đoàn tụ với gia đình, đón năm mới sum vầy, hạnh phúc. Nơi biên cương những người lính biên phòng vẫn hành quân tuần tra, kiểm soát biên giới, giúp dân sửa nhà, làm vườn, hỗ trợ đồng bào đón tết, trấn áp các loại tội phạm đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Biên cương bình yên, đồng bào no ấm, phấn khởi, an lành đón tết thì đó là niềm vui tết của lính biên phòng...” - Thiếu tá Lê Ngọc Đông, Chính trị viên phó đồn cửa khẩu quốc tế Na Mèo chia sẻ khi nghe tôi hỏi đến niềm vui lớn nhất của người lính biên phòng mỗi năm tết đến, xuân về.

Nguyễn Hải


Nguyễn Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]