(Baothanhhoa.vn) - Phát huy cao nhất trách nhiệm người đại diện của Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng với vai trò, vị thế của cơ quan dân cử. Trước thềm Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đóng góp nổi bật, những nội dung mà Đoàn đặc biệt quan tâm và những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ được gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này.

Đổi mới hình thức tiếp xúc, chủ động đến với cử tri để “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn trăn trở”

Phát huy cao nhất trách nhiệm người đại diện của Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng với vai trò, vị thế của cơ quan dân cử. Trước thềm Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đóng góp nổi bật, những nội dung mà Đoàn đặc biệt quan tâm và những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ được gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này.

Đổi mới hình thức tiếp xúc, chủ động đến với cử tri để “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn trăn trở”Ông Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân

Phóng viên: Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đoàn ĐBQH tỉnh vẫn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phát huy vai trò, trí tuệ của mình đóng góp cho sự phát triển Thanh Hóa nói riêng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung. Ông có thể nêu rõ hơn về những kết quả ấy?

Ông Mai Văn Hải:Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Quốc hội luôn nỗ lực vì ấm no, hạnh phúc, sự hài lòng của Nhân dân và sự thịnh vượng của quê hương, đất nước.

Là một “mảnh ghép” trong tổng thể của Quốc hội, cùng với các đoàn đại biểu khác trong cả nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã luôn nỗ lực, tích cực hoạt động để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình, góp phần quan trọng tạo nên thành công chung của Quốc hội.

Trải qua nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã để lại không ít những dấu ấn đậm nét trên nhiều mặt hoạt động, trong đó nổi bật chính là các ý kiến phát biểu thảo luận, tranh luận, chất vấn diễn ra tại các kỳ họp. Các ĐBQH trong đoàn đã có 58 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; 169 lượt ý kiến phát biểu tại các buổi thảo luận tổ; 19 ý kiến chất vấn, 4 ý kiến tranh luận. Nhiều ý kiến phát biểu được Quốc hội, cử tri đánh giá là xác đáng, có tính xây dựng cao, thể hiện rõ nét trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh của các đại biểu.

Công tác xây dựng luật và pháp lệnh cũng là một trong những hoạt động ghi đậm dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại nghị trường Quốc hội. Hằng năm, căn cứ vào chương trình công tác xây dựng luật của Quốc hội, trên cơ sở chuyên môn được đào tạo của các đại biểu, Đoàn đã phân công cụ thể để đại biểu có sự chủ động trong công tác nghiên cứu thực tiễn, thu thập ý kiến của cử tri, các cơ quan chuyên môn để chuẩn bị ý kiến tham gia vào các dự án luật. Trong hai năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã cùng Quốc hội xem xét và thông qua 20 dự án luật, 51 nghị quyết; đồng thời lấy ý kiến đóng góp vào 40 dự án luật và pháp lệnh đảm bảo theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với mỗi dự án luật, Đoàn đều tổ chức lấy ý kiến các ĐBQH, các sở, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia bằng nhiều hình thức. Do đó, tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa với những lập luận có cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn được Quốc hội, các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao.

Đối với quê hương xứ Thanh, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa luôn bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; có nhiều kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành, xem xét giải quyết các kiến nghị của cử tri, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Kết quả đạt được cũng đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và giữ vững niềm tin của cử tri, của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước nói chung và đại biểu dân cử nói riêng.

Những kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian qua đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin và sự gửi gắm của cử tri trong tỉnh.

Phóng viên: Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đi qua, nhìn lại để thấy rằng: Đó là hành trình của ý chí, bản lĩnh, đồng lòng, quyết tâm và năng động, sáng tạo, đột phá. Với hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chắc hẳn cũng không thể nằm ngoài nỗ lực đột phá, sáng tạo ấy, thưa ông?

Ông Mai Văn Hải: Xuyên suốt quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đều nhất quán quan điểm: Muốn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; muốn hoàn thành tốt sứ mệnh của mình thì cần phải thường xuyên đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, chủ động đến với cử tri, đến với Nhân dân để “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn trăn trở” với những điều mà cử tri, Nhân dân quan tâm. Từ đó, biến những điều đã lắng nghe, đã tiếp thu, trăn trở thành hành động cụ thể mà trực tiếp là cùng với Quốc hội thảo luận và đưa ra những quyết sách quan trọng, xây dựng thể chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội.

Từ những kết quả đã đạt được cũng như thực tiễn hoạt động của các vị đại biểu trong Đoàn nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua còn cho thấy, việc tiếp xúc cử tri, tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của Nhân dân chính là một trong những kênh thông tin vô cùng quan trọng giúp cho đại biểu có góc nhìn một cách toàn diện, khách quan, nắm bắt được chính xác nhu cầu, đòi hỏi từ đời sống xã hội. Đó là nguồn tư liệu có chất lượng, là căn cứ quan trọng để đại biểu đưa ra các ý kiến phát biểu, các quyết sách có tính khả thi cao, đi vào cuộc sống.

Bằng trách nhiệm, sự vinh dự lớn lao trước Đảng, trước Nhân dân cùng những nỗ lực, cố gắng không ngừng của từng vị đại biểu, lãnh đạo và tập thể Đoàn ĐBQH trong các hoạt động nói chung, trong tiếp xúc cử tri, tiếp công dân nói riêng đã nhận được sự đồng tình, giao trọn niềm tin của cử tri và Nhân dân; mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri ngày càng thêm gắn bó mật thiết, sự tương tác ngày càng chặt chẽ, thường xuyên hơn.

Dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại nghị trường

Phóng viên: Là 1 trong 3 hình thức giám sát cơ bản của Quốc hội (xem xét báo cáo, chất vấn và đi giám sát thực tế), hoạt động chất vấn được xem là “đối thoại mang tính quyền lực”. Đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã phát huy “quyền lực” ấy như thế nào tại các kỳ họp Quốc hội?

Ông Mai Văn Hải: Đối với hoạt động chất vấn - đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của đại biểu dân cử trước cử tri; là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Thông qua hoạt động chất vấn, các vấn đề bức xúc, những ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại biểu truyền tải tại các kỳ họp. Qua việc trả lời chất vấn, Quốc hội xem xét, đánh giá hiệu quả công tác của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu. Chính vì vậy, tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp chất vấn, trả lời chất vấn luôn thu hút được sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và các cơ quan thông tấn báo chí.

Các ĐBQH tham gia hoạt động chất vấn luôn cố gắng, chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng nội dung các vấn đề chất vấn đảm bảo ngắn gọn, cụ thể, rõ địa chỉ; các ý kiến tranh luận thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, mang tính xây dựng... Hai năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có 19 ý kiến chất vấn, 4 ý kiến tranh luận tại nghị trường. Nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất, kiến nghị trực tiếp với Chính phủ và các bộ, ngành đều được tiếp thu và xử lý kịp thời.

P.V: Được biết, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10-2023. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tích cực chuẩn bị những gì để xứng đáng là “người đại diện, nói được tiếng nói của cử tri”, phản ánh sinh động, mạnh mẽ, quyết liệt các vấn đề của tỉnh; là trung tâm, nhân tố quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội?

Ông Mai Văn Hải: Có thể thấy, Quốc hội khóa XV là nhiệm kỳ có số lượng luật, nghị quyết được ban hành tương đối lớn. Việc tham gia ý kiến của Đoàn đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết không chỉ đòi hỏi cao về chất lượng mà còn đòi hỏi cao về công sức và yêu cầu khẩn trương về thời gian.

Nhận thức sâu sắc điều đó, với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” mà Chủ tịch Quốc hội thường xuyên quán triệt, Để thực hiện tốt chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có sự chuẩn bị rất kỹ theo các nội dung mà Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận và thông qua. Cụ thể như đối với công tác xây dựng luật, ngoài việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của các ngành, các chuyên gia vào 7 dự án luật, Đoàn còn tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)”. Trên cơ sở đa dạng các hình thức thu thập thông tin, Đoàn tổng hợp làm tư liệu nghiên cứu cho các đại biểu tại kỳ họp.

Cùng với đó, hoạt động giám sát, khảo sát cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực triển khai. Theo đó, chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” là một trong những nội dung được lựa chọn chỉ đạo triển khai theo Kế hoạch của Đoàn ĐBQH. Hiện nay, Đoàn đang tiếp tục triển khai khảo sát về tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 tại một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thời gian qua trên địa bàn cả nước còn có nhiều vướng mắc cần được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tháo gỡ.

Trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH đã tiếp xúc cử tri tại 9 địa phương trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị làm việc với Ủy ban MTTQ, UBND, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân và Cục Thi hành án dân sự tỉnh; thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, tại các hội nghị về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV; rà soát, tổng hợp công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ các kiến nghị, phản ánh của cử tri, Nhân dân trong tỉnh gửi tới Đoàn thời gian qua... Các hoạt động nêu trên được triển khai đồng bộ, hiệu quả nhằm giúp cử tri kịp thời theo dõi, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng; giúp đại biểu có thể tiếp nhận, cập nhật thông tin một cách toàn diện, kịp thời, đầy đủ trước khi đến với kỳ họp. Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động như vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa sẽ có những đóng góp thiết thực, góp phần tạo nên sự thành công chung của kỳ họp.

Hương Thảo(thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]