“Điểm tựa” biên cương (Bài 2): Hồi sinh nhiều bản làng, thắp sáng những ước mơ
“Đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế về nhận thức, họ rất cần được “cầm tay chỉ việc”, một việc làm tốt còn hơn nhiều lần nói suông...”. Đó là chia sẻ của Thiếu tá Bùi Xuân Ngãi, Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Pù Nhi với chúng tôi trong chuyến công tác nơi biên viễn.
Cán bộ, chiến sĩ ĐBP Trung Lý giúp dân thu hoạch sắn. Ảnh: Hoàng Lan
Nút thắt “thoát nghèo” được tháo gỡ
ĐBP Pù Nhi (Mường Lát) được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biên giới dài 21,839km với 8 mốc quốc giới; địa bàn đơn vị quản lý gồm 3 xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Mường Lý, trong đó xã Mường Lý là xã nội địa, có 6 dân tộc sinh sống gồm Thái, Dao, Mông, Mường, Khơ Mú; đời sống kinh tế của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 80,5%.
Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trên vùng biên giới Mường Lát, hơn ai hết, Đại úy Hơ Văn Xá, đội trưởng vũ trang, ĐBP Pù Nhi thấu hiểu nét đặc trưng về phong tục, tập quán của bà con nơi đây. Thiếu tá Hơ Văn Xá chia sẻ: “Khi được phân công phụ trách các hộ gia đình, các đảng viên đều phải chủ động tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh để đề xuất với chỉ huy đơn vị có những phương án, biện pháp giúp đỡ các gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy đơn vị yêu cầu mỗi đảng viên cần am hiểu phong tục, tập quán đồng bào và thói quen của từng hộ gia đình, từng cụm dân cư để có những cách thức giúp đỡ phù hợp, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, củng cố cơ sở chính trị, đảm bảo an ninh - trật tự thôn, bản”.
Với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Pù Nhi bắt tay vào việc quy hoạch, khoanh vùng sản xuất khoảng 3ha, trong đó có 2ha trồng ngô, 1ha trồng cỏ voi, đào ao và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ kỹ thuật và một phần giống, vốn của Hội Nông dân huyện Mường Lát, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Pù Nhi thí điểm giống ngô lai 2 vụ/năm. Kết quả, năng suất, sản lượng đạt từ 2 đến 3 tấn/ha. Trong khi trước đây đồng bào chỉ trồng 1 vụ với năng suất rất thấp, rồi sau đó bỏ hoang vì cho rằng ngô không trồng trái mùa.
Được tăng cường làm Phó bí thư Đảng ủy xã Sơn Điện (Quan Sơn) và cũng là đảng viên được giao phụ trách hộ gia đình, Trung tá Vi Văn Lợi đã tham mưu kịp thời các giải pháp phát triển kinh tế cho địa phương. Sau thời gian bám bản, anh mạnh dạn đề xuất với chính quyền xã đưa giống lúa mới J02 vào sản xuất. Dù canh tác lúa không phải là câu chuyện mới ở miền xuôi, nhưng với đồng bào nơi đây đó là sự khởi đầu đầy bỡ ngỡ. Thời gian đầu triển khai rất khó khăn, anh Lợi phải thường xuyên cùng cán bộ thôn, xã đi thăm đồng, kiểm tra đất, nước để chuẩn bị gieo cấy. Ngày xuống đồng, anh cũng lội ruộng cùng làm với dân; rồi theo dõi dịch bệnh, hướng dẫn bà con chăm sóc... Bao công sức, tâm huyết dồn cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đất khó, anh Lợi cũng đã thở phào nhẹ nhõm. Đến nay, ở xã Sơn Điện, giống lúa J02 đã cấy đại trà trên diện tích 10ha, cho năng suất trên 70 tạ/ha.
Huyện Quan Sơn là nơi đứng chân của 3 ĐBP, gồm ĐBP Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, ĐBP Tam Thanh, ĐBP Mường Mìn. Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh “Về việc phân công đảng viên ĐBP phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, các đồn đã lựa chọn những cán bộ, đảng viên có thời gian công tác tại địa bàn lâu năm, ưu tiên các đồng chí là người dân tộc thiểu số để thực hiện nhiệm vụ này. Đã có 95 đảng viên được phân công phụ trách gần 500 hộ gia đình tại các xã biên giới, trong đó phần lớn là các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Các đảng viên biên phòng tập trung hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tham mưu với đơn vị, địa phương hỗ trợ cây, con giống để phát triển các mô hình chăn nuôi, lâm nghiệp có thế mạnh... Đến nay, sau gần 7 năm thực hiện chỉ thị, trên địa bàn huyện Quan Sơn tỷ lệ hộ nghèo ở các xã do các đảng viên biên phòng trực tiếp phụ trách hỗ trợ, giúp đỡ đã giảm tới 10%.
Thượng tá Dương Thế Anh, Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chia sẻ: “Để tránh tình trạng một bộ phận người nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách, trước khi trao “cần câu”, các đảng viên triển khai cho các hộ được giúp đỡ ký cam kết. Nếu mình cứ hỗ trợ mà không có cam kết gì họ sẽ có cảm giác được cho không mà không có động lực để phấn đấu vươn lên, rồi nghèo lại hoàn nghèo”.
Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Lương Thị Hạnh cho biết: Những việc cán bộ, đảng viên các ĐBP đứng chân trên địa bàn huyện đã và đang làm theo tinh thần Chỉ thị số 681-CT/ĐU, có tác động tích cực đến nhận thức, tâm tư của bà con, đồng thời góp phần xây dựng khối đoàn kết quân dân, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Thắp sáng ước mơ
Vi Văn Xén - chàng trai dân tộc Thái ở bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát) đã nhiều lần từ chối sự giúp đỡ, động viên của Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội phòng chống ma túy và tội phạm ĐBP Quang Chiểu. Thời điểm ấy, gia đình Xén vô cùng khó khăn, bố mẹ già, vợ con nheo nhóc. Xén vào rừng hái măng, chặt củi ngày kiếm được vài trăm ngàn đủ sinh hoạt gia đình. Nhưng đó là thời tiết thuận lợi, còn mưa gió thì chẳng biết xoay xở ra sao. Điều Xén suy nghĩ và cần nhất là những bữa ăn hàng ngày. Tiếc cho chàng trai nghèo, hiếu thảo đã hoàn thành chương trình THPT nhưng phải dang dở việc học, Thiếu tá Thảo kiên trì vận động, nhiều lần đợi bằng được Xén đi làm về để phân tích. Bởi Xén là số ít thanh niên trong bản tốt nghiệp THPT, nếu vận động được Xén tham gia các phong trào, hoạt động của bản sẽ là lợi thế.
“Mưa dầm thấm lâu” thấy cán bộ Thảo phân tích ngọn ngành, Xén tham gia làm công tác an ninh của bản. Từ năm 2016 đến 2019, Xén làm phó trưởng công an xã; từ năm 2019 đến 2022, dịch COVID-19 bùng phát, Xén tham gia với lực lượng biên phòng trực chốt phòng chống dịch. Suốt thời gian đó, Xén được tiếp xúc nhiều với cán bộ, được cán bộ động viên, chia sẻ, hướng dẫn làm nhiều việc nên thấm vào suy nghĩ, nhận thức tốt hơn. Xén vừa tham gia việc xã, vừa làm kinh tế nên gia đình khấm khá hơn trước nhiều với nguồn thu từ đất rừng 02 để trồng măng bát độ, vầu, dược liệu và 2ha ngô, sắn, 12 con trâu bò, dê... Xén còn động viên vợ học lớp xóa mù chữ để cùng chồng làm kinh tế, nuôi dạy con. Năm 2019, được anh Thảo động viên và địa phương tạo điều kiện đi học đại học, sau đó Xén đã làm phó chủ tịch ủy ban MTTQ xã.
Thành công của Xén không chỉ là niềm vui của bản thân, mà còn của cả gia đình và anh Thảo. Trong thời gian 9 năm công tác tại ĐBP Quang Chiểu, anh Thảo đã giúp 12 quần chúng được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Họ là cầu nối, cánh tay nối dài của Đảng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về với Nhân dân.
Bám chủ trương của Đảng, các đảng viên ĐBP Yên Khương (Lang Chánh) được phân công bám địa bàn, phụ trách hộ gia đình, đã phối hợp với các đảng viên cốt cán, chi ủy chi bộ để góp phần đưa công tác sinh hoạt chi bộ vào nền nếp và ngày càng hiệu quả. Địa bàn đơn vị quản lý chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật một số thời điểm đạt hiệu quả chưa cao, từ thực tế đó trong buổi sinh hoạt chi bộ, các đảng viên biên phòng đề xuất với chi bộ phải thường xuyên đổi mới hình thức, cách thức, phương pháp tuyên truyền cho bà con dễ nghe, dễ hiểu, từ đó chấp hành nghiêm các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quan tâm bồi dưỡng quần chúng ưu tú, để tạo nguồn phát triển đảng viên. Các đảng viên mới mạnh dạn nêu gương đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Cuộc sống của hầu hết các hộ gia đình được giúp đỡ đã có thay đổi rõ nét. Công tác giảm nghèo của địa phương có sự chuyển biến tích cực, mỗi năm giảm nghèo từ 5 đến 6%.
Quá trình bám nắm cơ sở, các đảng viên biên phòng không chỉ tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh gia đình, kịp thời động viên, hướng dẫn hộ nghèo tháo gỡ khó khăn, từng bước tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn lựa chọn “nhân tố” để phối hợp với các chi bộ thôn bản tuyên truyền, vận động bồi dưỡng họ vào Đảng. Không chỉ trực tiếp phát hiện, bồi dưỡng nhân tố, các anh còn đề xuất đảng ủy xã phối hợp mở các lớp học đối tượng Đảng để tạo thuận lợi cho quần chúng ưu tú tham gia học lớp cảm tình Đảng, tạo nguồn, đồng thời thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện...
Ấm áp tình thân
Những câu chuyện cảm động về tình thương yêu, lòng nhân ái của những “bố nuôi quân hàm xanh” dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là minh chứng chân thực và sinh động nhất về tình quân dân gắn bó keo sơn trên vùng biên cương còn nhiều gian khó.
ĐBP Yên Khương đến thăm gia đình cháu Lương Ngọc Thanh, là con nuôi của đơn vị.
Cháu Lò Ngọc Thanh, dân tộc Thái lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thanh có 2 em nhỏ, một em bị bệnh bại liệt, một em mới được gần 1 tuổi, bố mẹ không có việc làm, nên Thanh được cán bộ, chiến sĩ ĐBP Yên Khương nhận làm “con nuôi đồn biên phòng”. Bằng trái tim yêu thương, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã luôn coi Thanh như con đẻ.
Đại úy Trịnh Đình Duyên, đội trưởng đội vận động quần chúng, ĐBP Yên Khương, chia sẻ: Cháu Thanh trước đây nhút nhát, tự ti, ngại giao tiếp với những người mới gặp. Hiểu được điều đó, các “bố nuôi” đã thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho cháu học tập và rèn cách sinh hoạt nền nếp, kỹ năng ứng xử, giao tiếp...
Sự quan tâm, chăm sóc ân cần của các “bố nuôi” đã giúp Thanh nhanh chóng hòa đồng với mọi người và ngày càng tiến bộ. Em cũng không còn rụt rè, e ngại khi tiếp xúc với mọi người như trước. Tuổi thơ của Thanh đã thay đổi hoàn toàn khi được sống giữa tình yêu thương của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Yên Khương.
Có rất nhiều câu chuyện cảm động về tình thương yêu, lòng nhân ái của những “bố nuôi quân hàm xanh” dành cho con em các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến với ĐBP Trung Lý, chúng tôi gặp Giàng Ngọc Tuấn, một cậu bé nghèo, mồ côi cha và bị mẹ từ chối chăm sóc, cuộc sống của em đã thay đổi hoàn toàn khi được đón nhận bởi tình yêu thương từ cán bộ và chiến sĩ tại đồn.
Đại úy Đồng Ngọc Chiến, đội trưởng đội tham mưu hành chính kiêm kế hoạch tổng hợp, ĐBP Trung Lý, chia sẻ: “Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên động viên con tự tin vượt qua hoàn cảnh, các chú sẽ luôn ở bên để chở che và dạy bảo con lớn khôn, trưởng thành. Đến nay, Tuấn đã gọi anh em trong đơn vị là “bố nuôi” với ánh mắt tràn ngập yêu thương, tin tưởng. Và tôi hiểu rằng, chúng tôi đã trở thành những người bố thứ hai trong trái tim của con”.
Theo thống kê của BĐBP tỉnh, đến nay chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” đã hỗ trợ 106 cháu học sinh (trong đó có 11 cháu học sinh của nước bạn Lào) với số tiền 500.000 đồng/cháu/tháng, duy trì nuôi 8 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các cháu có điều kiện tiếp tục ăn học tại 6 ĐBP.
Đại tá Nguyễn Văn Đông, Phó chính ủy BĐBP tỉnh, cho biết: Việc thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU là nhiệm vụ chính trị quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí của lực lượng BĐBP trong xây dựng địa bàn, XDNTM và tham gia công tác giảm nghèo. Sự giúp đỡ của các đảng viên ĐBP góp phần thiết thực khích lệ người dân vượt khó, vươn lên lao động sản xuất. Cuộc sống của hầu hết các hộ gia đình được giúp đỡ đã có thay đổi rõ nét. Qua đó, người dân cung cấp nhiều thông tin, giúp BĐBP kịp thời xử lý tình hình, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trên địa bàn; đồng thời góp phần gắn kết nghĩa tình quân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Nhóm Phóng viên
Bài cuối: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc
{name} - {time}
-
2025-01-15 10:07:00
Tăng cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo
-
2025-01-15 09:15:00
Nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy: Tỷ lệ hưởng lương hưu được tính thế nào?
-
2024-10-17 20:35:00
“Điểm tựa” biên cương (Bài 1): Khi “nhà” có đảng viên
Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hậu Lộc, nhiệm kỳ 2025-2030
Công tác phát triển đảng viên trong học sinh THPT sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp đi vào chiều sâu, thực chất
Quan Sơn xây dựng chính quyền số
Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở Đảng bộ huyện Hoằng Hóa
Như Xuân quan tâm đa dạng nguồn nhân lực
Quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ
Phụ nữ Thanh Hóa tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
Đừng để những “anh hùng bàn phím” dắt mũi