(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, việc lưu thông và phân phối hàng hóa qua mạng lưới bưu điện tỉnh (BĐT) đã được quan tâm triển khai có hiệu quả. Nhiều bưu cục, điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) đã trở thành nơi mua sắm hàng tiêu dùng quen thuộc của người dân, nhất là tại các vùng nông thôn.

Để điểm bưu điện - văn hóa xã trở thành kênh phân phối hàng hóa thân thuộc

Những năm qua, việc lưu thông và phân phối hàng hóa qua mạng lưới bưu điện tỉnh (BĐT) đã được quan tâm triển khai có hiệu quả. Nhiều bưu cục, điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) đã trở thành nơi mua sắm hàng tiêu dùng quen thuộc của người dân, nhất là tại các vùng nông thôn.

Để điểm bưu điện - văn hóa xã trở thành kênh phân phối hàng hóa thân thuộcNgười dân mua sắm hàng hóa tại Bưu điện - Văn hóa xã Thiệu Ngọc (Thiệu Hóa).

Với yêu cầu đổi mới hoạt động của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, 10 năm trở lại đây, BĐT đã làm tốt các công tác phân phối hàng hóa, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, dầu ăn, nước xả vải, nước mắm... đã được phân phối xuống đến các điểm bán là bưu cục, BĐ-VHX. Cùng với đó, BĐT cũng ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hàng hóa tại các điểm giao dịch của bưu điện, cũng như tận dụng tốt mạng lưới chuyển phát để đáp ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa cho các điểm bán để phục vụ người dân. BĐT đã chọn lọc các sản phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...

Chị Lê Thị Liên, Phó trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính (BĐT Thanh Hóa) cho biết, để phân phối các mặt hàng thiết yếu cho người dân, ngoài hợp tác với Bưu điện Việt Nam, BĐT còn hợp tác với một số nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh như: Hoàng Gia, Ngọc Thằng, Anh Khôi, Tiên Sơn... Đồng thời, triển khai thêm một số sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP và các sản phẩm chất lượng khác như: Nước mắm Ba Làng, các loại trà tía tô, rau má, các sản phẩm dầu xoa bóp,... Trong các dịp lễ, tết BĐT còn cung cấp thêm các sản phẩm thời vụ như: Các gói quà tết, bánh, kẹo, bánh trung thu...

Để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, BĐT liên tục tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng; quy cách bảo quản hàng hóa cho nhân viên bưu điện để tác phong làm việc ngày càng chu đáo và chuyên nghiệp hơn. BĐT cũng tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân để không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, thường xuyên có các chương trình ưu đãi, giảm giá cho khách hàng khi mua các sản phẩm mà bưu điện đang cung cấp... Nhờ đó, số lượng người dân mua hàng qua kênh bưu điện ngày càng lớn, tạo nên sự đa dạng trong mạng lưới phân phối hàng hóa.

Hiện, tỉnh Thanh Hóa đang có 78 bưu cục và 573 điểm BĐ-VHX đang hoạt động. Nếu như những năm đầu tiên mới triển khai phân phối hàng tiêu dùng, doanh thu bán hàng chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5 - 6% thì đến nay đã tăng lên 15% tổng doanh thu của BĐT. Tại nhiều điểm phục vụ, doanh thu hàng tiêu dùng chiếm khoảng 30 - 40% tổng doanh thu dịch vụ, như: Điểm BĐ-VHX Quảng Châu, Quảng Minh (TP Sầm Sơn); BĐ-VHX Đông Hòa (Đông Sơn); BĐ-VHX Dân Lực, Dân Lý (Triệu Sơn), BĐ-VHX Thọ Trường, Xuân Tân (Thọ Xuân)...

Bà Nguyễn Thị Loan, thôn Minh Thiện, xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn), cho biết: "Khi mua hàng của bưu điện tôi rất yên tâm vì không phải lo hàng giả, hàng kém chất lượng. Tất cả mặt hàng tại đây đều là hàng Việt Nam có giá cả phải chăng. Cái tiện lợi nhất là nếu có nhu cầu, nhân viên BĐ-VHX sẽ mang hàng đến tận nhà.

Được biết, để thúc đẩy người dân mua sắm, ngoài việc bày bán trực tiếp, BĐ-VHX Quảng Minh còn quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo. Đối với các thôn xa trung tâm xã, mỗi khi có lịch thu tiền điện và chi trả lương hưu, nhân viên của BĐ-VHX Quảng Minh cũng chủ động mang theo vài sản phẩm thiết yếu để giới thiệu cho người dân, cách làm này mang lại hiệu quả không nhỏ. Nhiều người dân từ chỗ không biết thì nay đã trở thành “khách hàng thân thiết” của bưu điện. Lượng hàng hóa tiêu thụ từ đó cũng tăng theo, doanh thu từ bán hàng tiêu dùng tại điểm BĐ-VHX đã chiếm khoảng 70% tổng doanh thu dịch vụ hàng tháng.

Chị Dương Hương Ly, Phó Giám đốc BĐT Thanh Hóa, cho biết: “Để thúc đẩy phân phối hàng hóa qua mạng lưới bưu điện, BĐT đã đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm mà bưu điện đang cung cấp. Từ việc giới thiệu sản phẩm tại chỗ, BĐT yêu cầu tất cả các nhân viên tại mọi BĐ-VHX đều phải đẩy mạnh tư vấn mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, phối hợp với các nhà cung cấp để xây dựng các chương trình ưu đãi cho người dân khi mua hàng tại các điểm bưu điện. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội phát triển của thương mại điện tử, BĐT còn hỗ trợ, tạo trên 70.000 tài khoản cho các HTX, hộ sản xuất nông nghiệp, đưa các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm được chứng nhận OCOP lên sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là postmart.vn.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]