(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê của Công ty Điện lực Thanh Hóa, hiện công ty đang quản lý 335 khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là chủ nhà trọ, với số lượng 2.974 phòng. Trong đó có 199 phòng trọ áp định mức hộ (413 người thuê trọ với tổng số định mức là 105,5), 2.775 phòng trọ áp giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3.

Để chính sách hỗ trợ giá điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà trọ đạt hiệu quả

Theo số liệu thống kê của Công ty Điện lực Thanh Hóa, hiện công ty đang quản lý 335 khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là chủ nhà trọ, với số lượng 2.974 phòng. Trong đó có 199 phòng trọ áp định mức hộ (413 người thuê trọ với tổng số định mức là 105,5), 2.775 phòng trọ áp giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3.

Để chính sách hỗ trợ giá điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà trọ đạt hiệu quả

Nhân viên Công ty Điện lực Thanh Hóa tuyên truyền thông tư của Bộ Công Thương về thực hiện giá bán điện.

Để sinh viên, người lao động thuê nhà trọ trên địa bàn tỉnh được hưởng đúng giá bán điện theo quy định của Thông tư 25/2018/TT-BCT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014) của Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính 1/2 định mức, 3 người được tính 3/4 định mức, 4 người được tính 1 định mức. Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh) là 2.014 đồng/kWh nhằm tránh trường hợp chủ nhà trọ thu vượt mức giá quy định, thời gian qua, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi cho sinh viên, người lao động thuê nhà trọ, trong đó Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tăng cường công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các tổ chức, hội nghề nghiệp để sinh viên, người lao động nắm được chủ trương, quy định của Nhà nước về giá điện cho người thuê nhà; đồng thời ban hành văn bản triển khai hướng dẫn, chỉ đạo các điện lực trực thuộc tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài địa phương và niêm yết hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê trọ tại các điểm giao dịch với khách hàng, website, các khu công nghiệp, khu chế xuất để thuận tiện cho việc theo dõi, tra cứu các quy định hiện hành về giá bán điện.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã bố trí cán bộ, công nhân viên kiểm tra, rà soát tất cả các chủ nhà có nhà cho thuê trọ để áp giá theo quy định và báo cáo về công ty hàng tháng. Cử cán bộ tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì để kiểm tra giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà. Đề nghị các chủ nhà trọ ký cam kết thu tiền điện của người thuê nhà đúng theo giá quy định...

Tuy nhiên, qua tìm hiểu trên thực tế, việc thực hiện giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số huyện, thị xã chưa đúng quy định, phần lớn người thuê trọ đang phải đóng cho chủ nhà với mức 3.500 đồng, cao hơn so với quy định gần 1.500 đồng/kWh.

Trong vai người đi thuê trọ, chúng tôi đến một số nhà trọ trên địa bàn phường Quảng Thịnh, Quảng Thắng, Quảng Hưng, TP Thanh Hóa. Khi hỏi về giá điện phải trả thì được các chủ nhà trọ cho biết, mỗi phòng đều lắp công tơ điện, nước riêng nhưng thu bình quân 3.500 đồng/kWh. Khi chúng tôi thắc mắc về việc thu giá điện cao so với quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt đối với người thuê trọ, chị Nguyễn Thị H., chủ nhà trọ ở phường Quảng Thắng, nói: “Các em đi đâu cũng vậy thôi, ở xung quanh đây các hộ cho thuê trọ đều áp giá như thế. Mọi người phải tính giá 3.500 đồng/kWh để còn trừ khấu hao đường dây, thuế giá trị gia tăng, sửa chữa các thiết bị điện... nữa. Nhà chị có hơn 10 phòng trọ, bao năm nay, chị vẫn áp mức giá như thế, chưa có ai thắc mắc gì cả”.

Rời phòng trọ nhà chị H., chúng tôi xuống phường Quảng Thịnh - nơi có nhiều phòng trọ cho sinh viên và công nhân thuê. Khi hỏi giá điện thì có chủ nhà thu 3.000 đồng/kWh, có chủ nhà thu 3.500 đồng/kWh. Ông Đàm Văn H. có 6 phòng cho công nhân và sinh viên thuê trọ, ông tính bình quân 3.500 đồng/kWh điện. Ông lý giải việc ông thu tiền điện cao so với quy định là do phải bù vào chi phí chênh lệch như điện bị tổn thất, dùng máy bơm nước, sửa chữa hệ thống điện ở nhà trọ...

Chị Nguyễn Thị Ph. - một trong những người thuê trọ nhà ông H. cho biết: Trước khi thuê nhà ông H., chị cũng đi tìm hiểu một số khu nhà trọ ở gần công ty, thấy họ đều thu bình quân 3.500 đồng/kWh. Biết là họ tính giá cao hơn so với quy định nhưng vì con còn nhỏ, lại thuê được căn nhà trọ gần công ty nên chị vẫn thuê. Vào những tháng hè, chị dùng quạt và nồi cơm điện, điện chiếu sáng phải trả từ 300.000 - 350.000 đồng/tháng. Tính cả tiền điện, tiền nước và tiền nhà, mỗi tháng chị chi trả hơn 800.000 đồng”.

Trước thực trạng các chủ nhà trọ áp giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở chưa đúng với quy định, từ năm 2018 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì đã tổ chức kiểm tra 33 chủ nhà trọ nhưng chỉ có 1 chủ nhà trọ áp giá đúng quy định; 32 chủ nhà trọ áp giá bán lẻ điện không đúng quy định. Đoàn kiểm tra liên ngành đã nhắc và hướng dẫn các chủ nhà trọ thu sai giá thực hiện thu giá bán lẻ điện của người thuê trọ theo đúng quy định. Song, theo đánh giá của Sở Công Thương, khó khăn trong quá trình kiểm tra việc thu tiền điện bán lẻ đó là đa số chủ nhà trọ chưa nắm được các quy định về giá bán điện tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014 của Bộ Công Thương. Vì vậy, các chủ nhà trọ chưa đăng ký với ngành điện để được cấp định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt (đa số các nhà trọ được ngành điện cấp định mức 1 hộ sử dụng điện sinh hoạt). Khi thuê nhà, chủ nhà cho thuê và người thuê nhà đã thỏa thuận miệng về tiền điện, nước phải trả hàng tháng nên không có chứng cứ để giải quyết. Người thuê nhà không có đơn kiến nghị về việc phải trả tiền điện với giá cao. Công tác lập biên bản vi phạm hành chính còn gặp nhiều trở ngại do không thể thu thập được thông tin, chứng cứ để xác định hành vi vi phạm; người vi phạm lẫn người bị hại không hợp tác trong quá trình kiểm tra.

Để chính sách hỗ trợ giá điện cho sinh viên, người lao động đi thuê nhà ở đạt hiệu quả, thời gian tới, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Thanh Hóa, các tổ chức kinh doanh điện tiếp tục phối hợp với điện lực các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về điện, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài truyền hình địa phương, hệ thống loa truyền thanh tại các phường, xã, thị trấn...) các chính sách giá điện cho đối tượng là sinh viên, người lao động thuê nhà để ở, đảm bảo cho sinh viên, người lao động thuê nhà được áp dụng giá bán điện theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá bán điện tại các khu nhà trọ trên địa bàn; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chủ nhà thu tiền điện cao hơn so với quy định. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý đối với các nhà trọ trên địa bàn; yêu cầu các chủ nhà trọ thực hiện nghiêm việc đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với người thuê trọ và niêm yết công khai giá bán điện tại các khu vực nhà trọ. Chỉ đạo các tổ chức quản lý kinh doanh điện trên địa bàn, hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt bậc thang cho người thuê nhà theo Thông tư số 25/2018/TT-BCT ngày 12-9-2018 và Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019 của Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Ký cam kết với các chủ nhà trọ thực hiện giá bán điện cho sinh viên, người lao động theo đúng giá quy định. Công ty Điện lực Thanh Hóa chỉ đạo các điện lực huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt bậc thang cho người thuê nhà theo Thông tư số 25 và Quyết định số 648 của Bộ Công Thương; ký cam kết với các chủ nhà trọ thực hiện giá bán điện cho sinh viên, người lao động theo đúng giá quy định.

Ngân Hà

Tại Khoản 6, Khoản 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể bị xử phạt hành chính, có hiệu lực từ ngày 31-1-2022.

Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm này là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) để hoàn trả cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt.

Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức để hoàn trả thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách Nhà nước.


Ngân Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]