Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt kịp thời những thay đổi, phát triển của thế giới, mở ra cơ hội để học sinh, sinh viên (HSSV) hòa nhập tốt với thị trường lao động quốc tế. Tại Thanh Hóa việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng thực hiện và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.
Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa.
Đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những trường cao đẳng (CĐ) chất lượng cao trong cả nước, Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa xác định đẩy mạnh hợp tác quốc tế là nội dung quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín, thương hiệu và sự phát triển nhà trường.
Trường đã đón tiếp và làm việc với 19 đoàn đại biểu với hơn 70 lượt người từ các nước trên thế giới; mở rộng thêm quan hệ hợp tác với nhiều đối tác, ký kết nhiều thỏa thuận về hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào); tổ chức chương trình tư vấn du học và việc làm tại Cộng hòa Liên bang Đức cho HSSV... Tính đến tháng 12/2023 trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế với các đối tác bao gồm: Trường CĐ dạy nghề Hủa Phăn; Đại học Mokpo (Hàn Quốc); Tổ chức Koica (Hàn Quốc); Tổ chức Jica (Nhật Bản)...
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Những thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với các trường quốc tế đã đem lại những hiệu quả tích cực. Nhà trường đã có tổng cộng 15 giảng viên đi học tập ngắn hạn tại nước ngoài (Đức, Hàn Quốc); cử 38 lượt cán bộ, giảng viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Anh, Đức, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản; tiếp nhận hơn 60 lưu học sinh Lào đến học các ngành nghề CĐ, trung cấp và sơ cấp của nhà trường. Bên cạnh đó, trường còn tiếp nhận 26 chuyên gia, giảng viên, tình nguyện viên nước ngoài về làm việc tại trường.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng mang lại cho nhà trường cơ hội thường xuyên được cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với chuẩn đầu ra. Được đầu tư trang thiết bị từ các dự án KFV của Cộng hòa Liên bang Đức, dự án EDCF, KOIKA của Hàn Quốc, đã giúp thu hút tuyển sinh và gia tăng cơ hội việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.
Thời gian qua, mở rộng hợp tác quốc tế cũng là hướng đi được Trường CĐ Nông nghiệp Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh. Các hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao thương hiệu, hình ảnh nhà trường.
Nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài như: liên kết với Công ty CP Thương mại Tam Quy đào tạo 8 HSSV theo chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản; liên kết hợp tác với Công ty GSS về chương trình cho HSSV học tập và làm việc tại Úc; làm việc với Công ty CP H-VNCAREER, EL GROUP... để HSSV tham gia chương trình du học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Âu... tạo cơ hội việc làm cho người học sau khi ra trường. Năm 2023, nhà trường đã đấu mối làm việc với Trường Dạy nghề tỉnh Hủa Phăn (Lào) về hợp tác đào tạo, nghiên cứu chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp...
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa tiếp đoàn công tác Trường Đại học Khoa học Mokpo (Hàn Quốc).
Hiệu trưởng Trường CĐ Nông nghiệp Thanh Hóa Lê Hoằng Bá Huyền cho biết: Nhà trường đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội, mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, chủ động tham gia hoạt động đối ngoại; mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và khu vực.
Nói về xu thế của việc đào tạo nghề, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Thời gian tới, Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa sẽ chủ động tìm kiếm và mở rộng mối quan hệ hợp tác mới với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức nghiên cứu ở nhiều quốc gia để gia tăng mức độ quốc tế hóa và đa dạng các nội dung hợp tác; tập trung nguồn lực và khai thác các lợi thế cạnh tranh để xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác quốc tế; tiếp tục phát huy hiệu quả từ chương trình tình nguyện viên quốc tế, sự hỗ trợ của đại sứ quán các nước, trường CĐ, đại học của các nước bạn trong công tác hợp tác quốc tế; tăng cường giao lưu giảng viên, sinh viên với các đối tác chiến lược của trường; chủ động đàm phán xây dựng chương trình hợp tác quốc tế song phương, nghị định thư hợp tác quốc tế để phía đối tác quốc tế hỗ trợ đào tạo cán bộ, HSSV và chuyển giao công nghệ tiên tiến; cử giảng viên tham gia các hoạt động bồi dưỡng giáo viên từ các chương trình, tổ chức quốc tế; tham gia hội thảo quốc tế tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, theo kịp xu thế vận động của giáo dục nghề nghiệp quốc tế.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:11:00
IELTS 7.0 cần bao nhiêu từ vựng? Bí quyết học từ vựng hiệu quả
-
2024-11-21 10:01:00
Đầu tư mua sắm trang thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp khó
-
2024-06-12 16:29:00
Tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2024 đạt 97,52%
Chuẩn bị tốt điều kiện cho các kỳ thi quan trọng trong tháng 6
Hoằng Hóa: Thưởng “nóng” cho học sinh, giáo viên đạt thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lam Sơn
Trường Đại học Hồng Đức trao bằng tốt nghiệp năm 2024
Vì mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển
Thanh Hóa có 3 học sinh đoạt huy chương Olympic Vật lí Châu Á (APhO) năm 2024
Điểm sáng xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh
Xây dựng mô hình “Công dân học tập”
Hôm nay, hơn 105.000 thí sinh Hà Nội bắt đầu làm bài thi vào lớp 10
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục VN điều chỉnh mục tiêu