Đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại
Cùng với sự phát triển về kinh tế, những năm gần đây, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư theo hướng hiện đại. Ngoài các trung tâm thương mại được đầu tư lớn, hạ tầng thương mại đang phát triển theo hướng kết hợp giữa chợ truyền thống và điểm kinh doanh chuyên nghiệp, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi với các mô hình hoạt động, phương thức thanh toán tiện ích, văn minh.
Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa.
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại lớn, 20 siêu thị, hơn 100 cửa hàng đáp ứng tiêu chí loại hình kinh doanh siêu thị đang hoạt động, 404 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, 391 chợ truyền thống. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại theo hướng xã hội hóa đã phát huy được giá trị và được người tiêu dùng đánh giá cao. Chị Lê Thị Quyên, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa cho biết: Trước đây, tôi có thói quen mua bán tại chợ tạm gần nơi sinh sống, tuy nhiên, chất lượng và nhất là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không rõ ràng. Từ khi trên địa bàn tỉnh phát triển các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini với hàng hóa có tem nhãn, kiểm định chất lượng, tôi đã trở thành khách hàng quen thuộc. Không những yên tâm về chất lượng hàng hóa, tại các cửa hàng này còn có nhiều chương trình khuyến mãi, các hình thức thanh toán hiện đại qua thẻ ngân hàng, tích điểm... rất phù hợp với xu hướng mua sắm hiện nay.
Ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ truyền thống cũng được đầu tư, phát triển theo hướng xã hội hóa. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 138/391 chợ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác; 218 chợ công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm và dẫn đầu cả nước về chuyển đổi và xây dựng chợ hợp chuẩn, chợ kinh doanh thực phẩm. Ước tính, tổng nguồn vốn các dự án đầu tư chợ theo hình thức xã hội hóa đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đạt 1.500 tỷ đồng. Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác, các doanh nghiệp, HTX đã tích cực huy động nguồn vốn, thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng chợ theo hướng hiện đại, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giao thương trên địa bàn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn tình trạng buôn bán các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mới đây, Công ty CP Liên doanh BC Smart - đơn vị liên kết của Liên hiệp HTX Việt Nam đã khởi công 2 dự án chợ theo hướng kết hợp giữa chợ truyền thống và ki-ốt bách hóa. Trong đó, Dự án chợ Thành Mai (TP Thanh Hóa) có vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, quy mô hơn 10.000m2, được quy hoạch với 211 điểm kinh doanh. Trong đó, khu vực kinh doanh 3 tầng gồm 55 điểm kinh doanh, gồm các ngành bách hóa, dịch vụ tổng hợp và hàng trăm điểm kinh doanh truyền thống theo tiêu chuẩn. Cùng trong chuỗi sự kiện này, đơn vị tổ chức khởi công chợ Hói Đào tại xã Nga Liên (Nga Sơn), quy mô 5.100m2, với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Đại diện Công ty CP Liên doanh BC Smart, cho biết: Nhận định sự phát triển kinh tế với tốc độ nhanh của tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp quyết định đầu tư phát triển hệ thống chợ tại đây nhằm đón đầu sự tăng trưởng tốt về hoạt động giao thương hàng hóa. Với các cơ chế hỗ trợ triển khai thủ tục thuận lợi của địa phương, tiến độ dự án hiện đạt so với kế hoạch đề ra.
Đánh giá về hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, cho biết: Thương mại nội địa có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, kết nối sản xuất và tiêu dùng, có tác động tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2015-2020 ước đạt 11,2%/năm. Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng trưởng 6,7% so với năm 2019. Sự tăng trưởng này được nhận định một phần do mức sống, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân ngày càng tăng và sự xuất hiện, ra đời của nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại với hệ thống khuyến mãi phù hợp đã thu hút, kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Để đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, thời gian tới, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại. Trong đó, sẽ tăng cường quản lý Nhà nước về xây dựng dự án đầu tư hạ tầng dịch vụ thương mại phù hợp với điều kiện và định hướng cho từng vùng, từng địa phương và nhu cầu thực tế. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thương mại; quan tâm phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng nông thôn, miền núi để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân. Phấn đấu nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt 17,6%/năm, đến năm 2025 đạt 265.000 tỷ đồng.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
7:46 sáng nay
“Cú bắt tay” lịch sử trị giá 500 tỷ USD của OpenAI, SoftBank và Oracle
-
7:42 sáng nay
Bộ NN&PTNN đề xuất áp thuế suất 1% với khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi
-
07:16 01/03/2021
Cây đào phai ở xã Xuân Du cho doanh thu gần 50 tỷ đồng/năm
Từ ngày 1 - 3, tỉnh Thanh Hoá tiến hành tổng điều tra kinh tế năm 2021
Thanh Hóa: Doanh nghiệp FDI giải quyết việc làm cho 146.491 lao động
Vật liệu mới từ cát nghiền thay thế cho cát, sỏi tự nhiên
Chủ động thực hiện các giải pháp tưới và chống hạn cho hơn 86.000 ha lúa chiêm xuân
Phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu
Huyện Hậu Lộc: Tháo gỡ khó khăn, gấp rút thi công các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo
Rau màu rớt giá, nông dân, tiểu thương gặp khó
Huyện Như Thanh thu hút các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu
Địa phương
Thời tiết
- 18°C - 25°CCó mây, không mưa
- 18°C - 24°CNhiều mây, không mưa