(Baothanhhoa.vn) - Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, tọa lạc trên vùng đất cổ của hai nền văn hóa Núi Đọ và Đông Sơn, TP Thanh Hóa địa thế "rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân thành". Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, TP Thanh Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc, đáng tự hào. Đặc biệt, qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, quy mô diện tích và dân số của TP Thanh Hóa không ngừng tăng lên, tạo nguồn lực, dư địa và mở ra cơ hội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Có thể nói: Chưa bao giờ, TP Thanh Hóa có được thế và lực như hôm nay...

Dáng vóc đô thị “tựa núi, bên sông, hướng biển”

Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, tọa lạc trên vùng đất cổ của hai nền văn hóa Núi Đọ và Đông Sơn, TP Thanh Hóa địa thế “rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân thành”. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, TP Thanh Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc, đáng tự hào. Đặc biệt, qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, quy mô diện tích và dân số của TP Thanh Hóa không ngừng tăng lên, tạo nguồn lực, dư địa và mở ra cơ hội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Có thể nói: Chưa bao giờ, TP Thanh Hóa có được thế và lực như hôm nay...

Dáng vóc đô thị “tựa núi, bên sông, hướng biển”Diện mạo TP Thanh Hóa ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Hoàng Đông

Kể từ dấu mốc năm Giáp Tý (1804), qua những biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, TP Thanh Hóa đã đi qua hành trình 220 năm đô thị tỉnh lỵ (1804-2024), 30 năm thành lập TP Thanh Hóa (1994-2024) và 10 năm đô thị loại I (2014-2024) với biết bao đổi thay, phát triển. Trong đó, TP Thanh Hóa nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính với quy mô diện tích và dân số không ngừng tăng lên. Mỗi lần điều chỉnh là một lần ghi đậm dấu ấn về sự phát triển của thành phố, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, của lãnh đạo tỉnh với công tác quy hoạch, phát triển đô thị trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Ngày 1/5/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 37/CP-TTg nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên TP Thanh Hóa với 15 phường, xã và công nhận TP Thanh Hóa là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Ngày 29/2/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết 05/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương để mở rộng địa giới hành chính TP Thanh Hóa. Sau khi mở rộng, TP Thanh Hóa có 37 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 14 phường và 23 xã. Từ đô thị loại II, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 636/QĐ-TTg công nhận TP Thanh Hóa là đô thị loại I. Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1108/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa.

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và đứng trước yêu cầu hội nhập, phát triển, việc quy hoạch, mở rộng địa giới hành chính TP Thanh Hóa đã và đang trở thành yêu cầu tất yếu. Nhằm nâng cao vai trò, vị thế trung tâm tỉnh lỵ, xứng đáng là “trái tim”, “bộ mặt” của tỉnh, ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Đây là một bản quy hoạch tích hợp, vừa tinh gọn nhưng cũng thể hiện chiều sâu, tầm nhìn chiến lược với nhiều nét mới, nổi bật trên các phương diện: không gian phát triển, mô hình, cấu trúc phát triển, phương pháp quy hoạch, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của TP Thanh Hóa trong tương lai.

Mục tiêu xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa được nêu rõ: Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp CNH, HĐH; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, hướng tới thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Bên cạnh việc kế thừa định hướng trước đây về “Thành phố hai bên sông Mã” và phát triển về phía Đông hình thành “liên đô thị TP Thanh Hóa - Sầm Sơn”, quy hoạch lần này tiếp tục mở rộng kết nối với vùng ven biển Quảng Xương, Hoằng Hóa; đồng thời hình thành các trục phát triển về hướng Tây, nhằm kết nối với đường bộ cao tốc Bắc – Nam và toàn bộ vùng đồng bằng, miền núi phía Tây của tỉnh. Từ đó, hình thành không gian đô thị tập trung, lan tỏa, kết nối với ý tưởng chủ đạo là “tựa núi (Ngàn Nưa) - bên sông (sông Mã) - hướng biển (vịnh Bắc bộ)”, đưa đô thị Thanh Hóa thực sự trở thành đô thị trung tâm của tỉnh, đô thị kết nối vùng Bắc Trung bộ và vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Mô hình, cấu trúc “vành đai - xuyên tâm” chỉ phù hợp với các đô thị nhỏ và vừa nay được chuyển sang mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm” - tập trung, đa tâm; hình thành khung cấu trúc “3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên” hướng tới một đô thị lớn phát triển thông minh, bền vững.

Việc tạo dựng một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc được quan tâm, chú trọng. TP Thanh Hóa - Đông Sơn nằm tại vùng đất cổ nơi hội tụ sông Mã, sông Chu và vùng Cửa Hới, chứng kiến tất cả quá trình lịch sử của nước Việt Nam từ sơ khai đến hiện đại với đậm đặc các dấu tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, khảo cổ. Các bản sắc riêng này chính là nguồn nội lực riêng có, tự tạo ra lợi thế cạnh tranh của đô thị trong quá trình phát triển một cách bền vững. Bởi vậy, trên hành trình vươn tới, cùng với ý tưởng thành phố hai bên sông Mã và hướng liên kết với vùng ven biển tiếp tục được khẳng định và làm rõ nét hơn, các quy hoạch luôn xác định việc bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất và hệ thống cảnh quan sinh thái đặc sắc gồm các vòng cung đồi núi Hàm Rồng, Núi Đọ, Rừng Thông, An Hoạch, Mật Sơn, Hoàng Nghiêu chạy giữa cảnh quan đồng bằng và mạng lưới sông hồ, mặt nước vốn có của khu vực.

Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được xem là bước cụ thể hóa Nghị quyết 58-NQ/TW năm 2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Và quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1238/NQ-UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 82,87km2, quy mô dân số là 101.272 người của huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Sau khi sáp nhập, TP Thanh Hóa có diện tích tự nhiên là 228,22 km2 và quy mô dân số là 615.106 người. Một số phường thuộc TP Thanh Hóa được thành lập như: Phường Rừng Thông, phường Đông Thịnh, phường Hoằng Quang, phường Hoằng Đại và nhập phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn. Sau khi sắp xếp, TP Thanh Hóa có 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường, 14 xã.

Trong mọi dấu mốc, ngay cả những thời điểm khó khăn, thử thách nhất, chúng ta đều nhận thấy tinh thần, ý chí, quyết tâm, quyết liệt hiện thực hóa mục tiêu phát triển, khát vọng vươn mình của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa. Ở bất kỳ giai đoạn nào trong định hướng phát triển, TP Thanh Hóa vẫn luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh của tỉnh, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với Bắc Trung bộ, là đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước. Điều đáng trân trọng nhất, trước mỗi quyết định mang tầm chiến lược, tạo bước ngoặt lớn của TP Thanh Hóa thì tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân luôn được tôn trọng, vừa là nền tảng và cũng chính là động lực, mục đích hướng tới.

Tại các buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh luôn nhấn mạnh: Việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của tỉnh. Song, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, do vậy cần phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành. Trước hết, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Các cấp chính quyền phải lắng nghe ý kiến Nhân dân, giải quyết kịp thời những nguyện vọng, đề xuất chính đáng của Nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm để giải quyết các công việc một cách thấu tình đạt lý. Về công tác cán bộ, cần phải xây dựng tiêu chí đánh giá sát thực tế, trên cơ sở đó xây dựng phương án bố trí, sắp xếp phù hợp, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hợp tình. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh yêu cầu: Sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa thì tình hình phải tốt hơn, thành phố mới phải phát triển nhanh và bền vững hơn, không được để việc sáp nhập ảnh hưởng tới thực hiện các nhiệm vụ và sự phát triển chung của địa phương.

Trải qua hơn 2 thế kỷ hình thành và phát triển, TP Thanh Hóa đang không ngừng nỗ lực vươn mình trong kỷ nguyên mới. Còn gì vững vàng hơn khi hành trình vươn mình ấy, TP Thanh Hóa có dãy Ngàn Nưa hội tụ linh khí đất trời “chống lưng”, ngoảnh mặt hai bên có dòng Mã giang thủy chung ôm ấp và ngước mắt trông về phía trước mở ra cả một vùng biển rộng. Với dáng vóc của một đô thị “tựa núi, ven sông, hướng biển”, TP Thanh Hóa mang theo khát vọng, quyết tâm phấn đấu đến năm 2030 là “1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”, đến năm 2045 là “Thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước”.

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]