Đa dạng hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm
Không dừng lại ở việc tổ chức hội nghị liên kết với các nội dung giới thiệu tiềm năng, trao đổi, thảo luận giữa các địa phương, doanh nghiệp,... thời gian gần đây tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức một số hoạt động bên lề hội nghị như: trình diễn, giới thiệu ẩm thực; cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ du lịch của doanh nghiệp; giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu du lịch; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể... Qua đó bức tranh du lịch Thanh Hóa đầy màu sắc được giới thiệu một cách sinh động đến các doanh nghiệp, địa phương là trọng điểm du lịch trong cả nước.
Hoạt động trình diễn ẩm thực xứ Thanh bên lề Hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc (tháng 11/2023) thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu.
Thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai Kế hoạch 233/KH-UBND, ngày 3/11/2021. Trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch. Với nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Thanh Hóa từ đầu năm 2023 đến nay được các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong nước ghi nhận và đánh giá cao.
Xác định ẩm thực là một trong những kênh quan trọng nhằm định vị thương hiệu du lịch, bên lề các hội nghị liên kết phát triển du lịch tại một số địa phương như: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Sơn La,... tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức “Không gian giới thiệu, trình diễn ẩm thực xứ Thanh”. Tại đây, có khoảng hơn 20 món ăn, thức uống đặc trưng của xứ Thanh đến từ các doanh nghiệp tiêu biểu được giới thiệu đến các đại biểu, đại diện doanh nghiệp như: nem chua, bánh gai, kẹo lạc, chè lam, nước rau má, bột rau má, nước mắm, rượu sâm báo... Một trong những điểm nhấn trong “Không gian giới thiệu, trình diễn ẩm thực xứ Thanh” đó là hoạt động chế biến, trình diễn ẩm thực. Các đại biểu không chỉ tham quan, mua sắm mà còn trực tiếp xem các đầu bếp chế biến một số món như: nước rau má, nộm rau má, bánh lá răng bừa, bánh cuốn, bánh khoái nồi gang... và thưởng thức các loại đặc sản trong không gian ẩm thực.
Có thể nói đây là hình thức quảng bá khá mới mẻ và nhận được sự đánh giá cao của các địa phương, doanh nghiệp du lịch. Trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị liên kết du lịch tỉnh Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ (tháng 8/2023), anh Trần Đình Huy, Công ty TNHH Du lịch lữ hành Bắc Trung Nam (Bình Dương) cho biết: “Ăn uống là một trong những hoạt động thiết yếu trong mỗi hành trình du lịch và qua đây chúng tôi được tiếp cận gần hơn với văn hóa ẩm thực xứ Thanh. Từ sự đa dạng về các món ăn, đồ uống cũng cho thấy tiềm năng và sự phong phú trong hoạt động du lịch. Đối với các doanh nghiệp lữ hành sẽ có thêm nhiều thông tin để xây dựng tour trải nghiệm và giới thiệu, quảng bá đến du khách một số đặc sản làm quà khi đến với Thanh Hóa”.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tỉnh Thanh Hóa còn mang đến các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như: hò sông Mã, múa đèn - dân ca Đông Anh, trò diễn Xuân Phả... Từ đó, góp phần tạo nên những không gian văn hóa độc đáo, quảng bá đậm nét một xứ Thanh hài hòa, nhân văn và có bản sắc trong mắt bạn bè cả nước.
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ số nhằm mở rộng việc tiếp cận nguồn khách từ các thị trường du lịch trọng điểm. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai số hóa được 71 khu, điểm du lịch và 25 cơ sở lưu trú du lịch lên phần mềm ứng dụng quản lý khai thác và cơ sở dữ liệu du lịch tỉnh Thanh Hóa (http://csdl.thanhhoa.travel). Qua đó giúp du khách, doanh nghiệp lữ hành và nhà đầu tư tìm hiểu cụ thể về tiềm năng, sản phẩm du lịch và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm; 100% các khu vực Cảng Hàng không Thọ Xuân, Ga Thanh Hóa, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và các khu du lịch trọng điểm sẽ được lắp đặt máy tra cứu thông tin và dịch vụ du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Thị Hải Yến cho biết: “Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch thời gian gần đây có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Trong đó, chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến, định vị hình ảnh, thương hiệu du lịch bằng chính giá trị văn hóa đặc sắc. Bởi vậy, việc kết hợp các sự kiện xúc tiến với các hoạt động quảng bá văn hóa, ẩm thực sẽ đem đến những trải nghiệm đầy đủ nhất. Qua đó, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp du lịch vừa có thể tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh, vừa đến gần hơn với văn hóa, văn nghệ truyền thống, ẩm thực đặc sản của các địa phương, vùng miền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu và tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”.
Bài và ảnh: Lê Anh
{name} - {time}
-
2024-11-21 13:56:00
COP29: Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân thiện với môi trường
-
2024-11-21 09:16:00
Top khách sạn, resort hàng đầu ở Cát Bà được yêu thích trên Traveloka
-
2023-12-08 11:49:00
Thúc đẩy hợp tác phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao
Phát triển du lịch nông nghiệp: Còn nhiều khó khăn
Năm 2023, du lịch Thanh Hóa vượt chỉ tiêu đón khách trước 1 tháng
Khám phá Sài Gòn - Phan Thiết: Hành trình trải nghiệm du lịch độc đáo cùng Traveloka
Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới
Đổi mới, đa dạng hóa các tuyến tham quan gắn với Di sản Thành Nhà Hồ
Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông
Xây dựng đền Bà Triệu trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn
Gợi ý 5 địa điểm bán bánh lọc Huế thơm ngon, chuẩn vị tại Thanh Hóa
Nếp hạt cau Pù Luông