Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi
Những người lính đã một thời xông pha trong khói lửa, anh dũng bước qua lằn ranh sinh tử với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bước ra khỏi cuộc chiến, những người lính ấy tiếp tục nêu cao ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Hội CCB có nhiều đóng góp cho việc đẩy mạnh phát triển nghề trồng đào tại xã Thọ Dân (Triệu Sơn).
Những năm qua, huyện Triệu Sơn là một trong những địa phương có các chỉ số phát triển kinh tế thuộc tốp cao của tỉnh Thanh Hóa, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên, diện mạo NTM nâng cao ngày càng rõ nét. Trong kết quả chung ấy, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện đã có nhiều nỗ lực, đóng góp thông qua các hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi có sức lan tỏa, tác động lớn, khẳng định vai trò, đóng góp của lực lượng CCB đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Lê Hữu Lễ, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Triệu Sơn, chia sẻ: “Phát huy tinh thần “cựu nhưng không cũ”, những năm qua, Hội CCB huyện luôn nêu cao ý chí, quyết tâm không ngại khó ngại khổ, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nhiều mô hình kinh tế do CCB làm chủ hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất vật liệu xây dựng, mộc, cơ khí, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, kinh tế đồi rừng...”.
Hiện nay, toàn huyện có 28 doanh nghiệp, 13 HTX, 68 trang trại, 406 gia trại do CCB làm chủ, tạo việc làm cho trên 400 lao động. Các câu lạc bộ (CLB) giúp nhau phát triển kinh tế được thành lập trên địa bàn 13 xã với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Hội CCB huyện Triệu Sơn đã và đang làm tốt việc huy động nguồn vốn, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh. 37/37 cơ sở hội xây dựng được nguồn quỹ giúp hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền hơn 9,5 tỷ đồng. Hội CCB huyện Triệu Sơn đã nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 96,3 tỷ đồng, giúp cho hàng nghìn hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Với những nỗ lực ấy, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi của Hội CCB huyện Triệu Sơn ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp, giúp cho nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ CCB nghèo của huyện giảm xuống còn 0,46%, hộ cận nghèo còn 1,23%. Nhiều CCB là chủ doanh nghiệp, trang trại, gia trại làm ăn hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Chiều hè tháng 7, vợ chồng ông Lê Văn Thật (thôn Nhật Nội, xã Thọ Dân) tranh thủ khi nắng tắt để dọn cỏ ở vườn đào ngay bên hông nhà. Ông Thật từng là lính tình nguyện của Việt Nam chiến đấu trên nước bạn Lào; có thời gian theo học tại trường quân chính, sau đó nhận nhiệm vụ ở Lữ đoàn 16, Quân khu 4. Sau khi nghỉ chế độ một lần, từ năm 1999 đến nay, ông Thật được chính quyền, bà con Nhân dân tín nhiệm, bầu làm trưởng thôn Nhật Nội. Năm 2019, khi thành lập CLB CCB giúp nhau phát triển kinh tế xã Thọ Dân, ông Thật được bầu làm chủ nhiệm CLB.
Cả trong công việc lẫn trong cuộc sống, ông Thật luôn tâm niệm một điều: “Mình là một người lính Cụ Hồ, người CCB thì dẫu là trong thời chiến hay kể cả khi thời bình cũng phải biết nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên trong cuộc sống, không chỉ giúp cho mình mà cả đồng chí, đồng đội của mình cùng phát triển”. Lời nói được minh chứng bằng hành động, ông Thật dẫn chúng tôi tham quan khu trồng đào của gia đình mình. Thời điểm này, vườn đào mơn mởn xanh, cao ngang người. Ông Thật cho biết nghề trồng đào cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 10 lần so với trồng lúa. Gia đình ông Thật hiện đang trồng 0,5ha đào, bình quân thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm; lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. “Tuy không phải là gốc gác nhưng nghề trồng đào cũng đã du nhập và phát triển ở đây hàng chục năm qua. Nhưng, để nghề trồng đào của xã Thọ Dân phát triển như hiện tại có đóng góp không nhỏ của CCB", ông Thật cho biết thêm.
Được biết, xuất phát điểm xã Thọ Dân chỉ có một số hộ trồng đào, chủ yếu là giống đào 1,2 năm sau đó dần được nhân rộng. Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả kinh tế của nghề trồng đào; nêu cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong nghĩa tình đồng đội, một số CCB trong xã đã chủ động liên kết, thành lập CLB CCB giúp nhau phát triển kinh tế xã Thọ Dân, hoạt động trên tinh thần tự nguyện. CLB giúp các hội viên có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau về vốn, giống, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm...
CLB tích cực xây dựng quỹ vốn theo hình thức đóng góp tự nguyện để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hội viên khó khăn vay vốn phát triển nghề với mức 1 triệu đồng/thành viên/năm. Song song với đó, CLB cũng xây dựng quỹ tiết kiệm với mức đóng góp trung bình là 2 triệu đồng/thành viên/quý. “Tất cả trên tinh thần tự nguyện đóng góp của các thành viên và chính các thành viên là người thụ hưởng. Vì vậy, CLB không chủ trương cào bằng mức đóng góp mà tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế. Ai có ít đóng ít, ai có nhiều đóng nhiều và hưởng theo mức mình đã đóng góp, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đó mới là điều tuyệt vời nhất ở nghĩa tình người CCB giữa thời bình” - ông Lê Văn Thật, chủ nhiệm CLB CCB giúp nhau phát triển kinh tế xã Thọ Dân bộc bạch.
Hiệu quả kinh tế của nghề trồng đào cùng sự hăng hái, sôi nổi, quyết liệt của các CCB trong CLB đã trở thành động lực cho bà con Nhân dân trong thôn, xã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng diện tích, đa dạng các giống đào so với trước. Ngoài giống đào 1,2 năm, giờ đây, các hộ ưa chuộng trồng đào gốc, đào huyền, đào bon sai... Tổng diện tích trồng đào của thôn Nhật Nội là 30ha, trong đó có 10ha là do các CCB canh tác. 90% số hội viên CCB có lao động của chi hội CCB thôn Nhật Nội tham gia trồng đào.
Câu chuyện về CLB CCB giúp nhau phát triển kinh tế xã Thọ Dân là một minh chứng sinh động về hiệu quả, sức lan tỏa của phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, trong đó các CLB giúp nhau phát triển kinh tế tại các xã, phường, thị trấn là nòng cốt, điểm nhấn. Nhiệm vụ của CLB là tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vận động các thành viên CLB, hội viên CCB và Nhân dân trên địa bàn xã hăng hái thi đua lao động sản xuất, không vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau vốn, giống, kỹ thuật, vật tư, phương tiện, tiêu thụ sản phẩm... trong CLB và với các CLB bạn. Từng bước xây dựng, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất hàng hóa; tạo điều kiện, giúp hội viên khởi nghiệp. Theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của các thành viên, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lợi dụng bán hàng đa cấp; gương mẫu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hiệu quả rõ rệt, quy chế hoạt động chặt chẽ, mô hình CLB giúp nhau phát triển kinh tế tại các xã, phường, thị trấn được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao, hội viên nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Năm 2023, Hội CCB tỉnh đã thành lập được 268 CLB CCB giúp nhau phát triển kinh tế với 3.797 hội viên tham gia. Ông Phạm Văn Thân, Trưởng Ban Tuyên giáo – Phong trào, Hội CCB tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh xây dựng 2 chương trình công tác trọng tâm, 2 khâu đột phá, trong đó có khâu đột phá về nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB CCB giúp nhau phát triển kinh tế. Phát huy kết quả đạt được, các cấp hội tiếp tục nỗ lực, cố gắng, triển khai sâu rộng phong trào, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra”.
Đăng Khoa
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-07-20 15:15:00
Những lá thư thời chiến: Chuyện không chỉ của ngày hôm qua
Ông Phan Lê Quang, Giám đốc Sở Xây dựng: Nâng cao năng lực quản lý và chất lượng quy hoạch đô thị, hướng đến phát triển bền vững
Chiếc xe thồ của cha tôi
Những ngôi nhà ấm tình đồng đội
Giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước
Lưu giữ nét đẹp văn hóa - tâm linh trên mảnh đất Bình Minh
Kiên định
Âm vang ngày hội văn hóa gắn với phát triển du lịch thác Mây
Huyền bí thác Trai Gái
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa