Chuyện những “cha nuôi” biên phòng
Ngoài nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới quốc gia, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng huyện Mường Lát còn là những người "cha đỡ đầu” cho trẻ mồ côi, yếu thế...
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi trao quà cho các em.
Trao niềm tin
Sau bữa cơm chiều ở Đồn Biên phòng Pù Nhi, tôi có dịp trò chuyện cùng Đại úy Nguyễn Văn Phương, Đội trưởng Đội vận động quần chúng. Đại úy Phương cho biết, Đồn Biên phòng Pù Nhi đang được giao nhiệm vụ quản lý 3 xã với 33 bản trải dọc biên giới gồm: Pù Nhi, Nhi Sơn và một phần diện tích có các hộ người Mông thuộc xã Mường Lý.
Song hành với nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới là các hoạt động về an sinh xã hội, tuyên truyền pháp luật đến với người dân. Trong đó, việc đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua Chương trình “Con nuôi biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường”... đã, đang được triển khai là rất nhân văn, ý nghĩa, tô thắm thêm hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ.
Theo Đại úy Phương, từ các chương trình, dự án, hiện tại đồn đang đỡ đầu 31 em. Trong đó, trường hợp cháu Hà Bình Minh (sinh năm 2008, xã Pù Nhi) là con nuôi của đồn. Năm 2018, bố của Minh là cán bộ, chiến sĩ của đồn chẳng may bị bệnh mất, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồn đã nhận Minh làm con nuôi. Minh được đùm bọc, yêu thương, được đến trường, cũng như hướng dẫn tham gia rèn luyện thân thể và các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Theo Đại úy Phương, cá nhân với vai trò người cha đỡ đầu, anh rất mong sau này từ sự đùm bọc, yêu thương, Minh sẽ có một tương lai tươi sáng.
Nói về các chương trình mà cán bộ biên phòng đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Thiếu tá Hơ Văn Xá, Đội trưởng Đội vũ trang nhận định, đây là một trong những chương trình hết sức ý nghĩa. Từ khi còn đảm nhiệm vai trò Đội trưởng Đội vận động quần chúng, anh được giao đỡ đầu 2 anh em Chá Văn Tông và Chá Văn Nhia, ở bản Cá Tớp, xã Pù Nhi. Trường hợp hai anh em có hoàn cảnh hết sức éo le, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng nên bỏ lại các em khi còn rất nhỏ.
Sợ các con lớn lên không được đùm bọc, yêu thương, trở thành người xấu, các già làng, trưởng bản đã cậy nhờ, giao phó cho anh phụ trách, đỡ đầu. Giờ thì cả hai anh em Tông và Nhia đều đã khôn lớn, trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống riêng ổn định. Để hai anh em có đất sản xuất, canh tác, thiếu tá Xá đã bàn với vợ nhượng lại thửa ruộng 7 sào cho hai gia đình Tông và Nhia.
Lan tỏa tình yêu thương
Cũng trong chuyến công tác ở huyện vùng biên Mường Lát, tôi còn được nghe câu chuyện xúc động về Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng. Mặc dù anh đã mất sau một cơn bạo bệnh, song những gì anh để lại thì mãi mãi là những hình ảnh đẹp không thể nào quên. Đó là hình ảnh người chiến sĩ biên phòng lặn lộn vượt sông, vượt núi mang đồ ăn, thức uống, sự yêu thương đến với những đứa trẻ côi cút, thiệt thòi. Trong đó, có 4 anh em nhà Hơ Ta Nính. Các em có hoàn cảnh đặc biệt, bố mất, mẹ bỏ nhà đi rồi lập gia đình và có cuộc sống mới. Bốn anh em bơ vơ trong căn nhà xiêu vẹo giữa lưng chừng đồi.
Thấy hoàn cảnh của các em, anh Thắng đã cưu mang, đùm bọc. Từ khi có “bố Thắng” đỡ đầu, các em được yêu thương, được đến trường học tập. Sự xuất hiện của Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng như mang theo hơi ấm, ánh sáng đến cho cuộc sống của bốn đứa trẻ côi cút. Khi thì anh mang bao gạo, khi thì quần áo ấm, chiếc chăn bông hay đồ dùng học tập...
Thời điểm chúng tôi đến thăm, 4 anh em đang chuẩn bị cơm nước. Hơ Ta Nính nói: “Nhờ bố Thắng mà các con được cưu mang cho ăn học. Giờ đây, các con được nhà trường tạo điều kiện cho ở lại trường. Những ngày hè này, các con về nhà, lo cơm nước nhưng vẫn chăm học hành để không phụ công của bố Thắng”.
Còn trường hợp của hai anh em Lò Việt Anh và Lò Tiến Dũng, ở bản Lát, xã Tam Chung. Cả bố và mẹ của hai anh em chẳng may bị ung thư mất khi các em còn nhỏ, ở với ông bà tuổi cao, sức yếu, Dũng đang học cấp ba phải bỏ học, đi làm ăn, lo cho gia đình. Em trai là Lò Việt Anh cũng nằng nặc đòi nghỉ học theo anh. Nhờ sự xuất hiện, động viên kịp thời của Thiếu tá Thắng, Dũng đã quay trở lại học hết cấp ba, Việt Anh thì không còn ý định bỏ học. Bên cạnh đó, Thiếu tá Thắng còn hỗ trợ ông bà của Dũng, Việt Anh làm kinh tế, chăn nuôi bò, đào ao thả cá... Nhờ đó, cuộc sống của gia đình hai anh em Dũng đến nay đã ổn định.
Bà Hoàng Thị Cam, Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Chung, cho biết: Song hành với các chương trình đỡ đầu của bộ đội biên phòng như “Con nuôi biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, Hội LHPN xã Tam Chung cũng triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho 11 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi tháng hỗ trợ 500 nghìn đồng, nguồn xã hội hóa và các đơn vị thiện nguyện chung tay. Hiện nay, trên địa bàn xã Tam Chung nói riêng vẫn còn rất nhiều trường hợp trẻ em yếu thế cần sự hỗ trợ, đùm bọc; các chương trình đỡ đầu của biên phòng, của hội LHPN xã đang rất nỗ lực nhưng còn nhiều khó khăn về nguồn kinh phí... Rất mong sẽ có thêm những tổ chức, cá nhân thiện nguyện chung tay cùng địa phương giúp đỡ, để tất cả trẻ em ở huyện vùng biên Mường Lát sẽ không ai bị bỏ lại phía sau!
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2025-01-13 11:31:00
VIE071 tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng xã hội
-
2025-01-13 11:17:00
Công bố danh sách cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng
-
2024-07-21 15:42:00
Chuyển hóa điểm sáng thành vầng sáng
Bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục trong mùa hè
Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hoá tổ chức nhiều hoạt động tri ân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7
Đèn tín hiệu
Công đoàn TYM quan tâm chăm lo cho đoàn viên và người lao động
Liệt sĩ Nguyễn Thị Quế - người xứ Thanh ở Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Chăn Nưa
Tận tâm chăm sóc người có công
[Góc nhìn]: Sống là cho và chết cũng là cho
Tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, hỗ trợ kịp thời đoàn viên, CNVCLĐ
Tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Cẩm Thủy và Nghi Sơn