(Baothanhhoa.vn) - Bằng việc dành quỹ thời gian để hỗ trợ lực lượng chức năng tham gia điều tiết giao thông tại ngã ba Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa), anh Nguyễn Hữu Hải (ở xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn) ban đầu bị coi là “gã gàn” vô công rồi nghề nhưng lâu dần hình ảnh đẹp của anh đã lan tỏa giữa đời thường, góp phần nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, giảm thiểu những vụ tai nạn không đáng có.

Chuyện “gã gàn” trên giao lộ!

Bằng việc dành quỹ thời gian để hỗ trợ lực lượng chức năng tham gia điều tiết giao thông tại ngã ba Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa), anh Nguyễn Hữu Hải (ở xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn) ban đầu bị coi là “gã gàn” vô công rồi nghề nhưng lâu dần hình ảnh đẹp của anh đã lan tỏa giữa đời thường, góp phần nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, giảm thiểu những vụ tai nạn không đáng có.

Chuyện “gã gàn” trên giao lộ!Anh Nguyễn Hữu Hải (xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn) điều tiết giao thông tại Khu Công nghiệp Lễ Môn.

Nhá nhem tối, tôi chung xe cùng mấy người bạn từ Sầm Sơn về TP Thanh Hóa. Sẽ chẳng có gì để nói nếu như cung đường chúng tôi đi không phải qua Khu Công nghiệp Lễ Môn giờ tan tầm. Mấy anh bạn thì nhao nhao bảo chuyển cung đường khác khỏi ùn tắc. Như thế thì bất tiện quá! Tuấn - anh bạn trong nhóm người xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) vội chen lời: “Ấy ấy, đi tiếp mấy ông ơi! Có một câu chuyện khá đặc biệt, tôi muốn dành cho ông nhà báo (tôi - phóng viên) chứng kiến!”.

Tò mò câu chuyện chưa được bật mí, xe chúng tôi tiếp tục di chuyển qua phường Quảng Đông thì táp vào lề đường. Trước mắt, cả nghìn công nhân từ khu công nghiệp ùa ra Quốc lộ 47 chiếm chọn gần 1 km. Trong dòng người vội vã, với thứ âm thanh hỗn tạp của còi xe inh ỏi ấy, anh bạn tôi chỉ tay về phía người đàn ông đang tất bật điều tiết các phương tiện giao thông ở giữa đám đông. Người đàn ông chạc ngoài 40 tuổi, khoác trên mình chiếc áo phản quang với những động tác tuýt còi, ra dấu bằng tay khá chuyên nghiệp... Điều đặc biệt mà anh bạn tôi nói ở người đàn ông này bởi anh không phải là cảnh sát giao thông?!

... 20h tối. Khu Công nghiệp Lễ Môn vắng lặng. Nhóm chúng tôi có dịp ngồi cafe cùng anh Nguyễn Hữu Hải, người đàn ông đặc biệt giữa đám đông hồi chiều. Nói về việc làm của mình, anh Hải chia sẻ: “Khoảng gần 1 năm trở lại đây, sau biến cố gia đình tôi chuyển từ Tây Ninh trở về quê sinh sống, khi đi qua Khu Công nghiệp Lễ Môn, nhận thấy ngã tư giao cắt này vào giờ công nhân tan làm thường xuyên bị ách tắc, va chạm giao thông. Công nhân di chuyển rất lộn xộn, mạnh ai nấy đi là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc. Trong lúc chưa có việc gì để làm, tôi đã suy nghĩ phải làm điều gì đó để đảm bảo an toàn cho mọi người, để mọi người có ý thức hơn ở nơi này. Và rồi, tôi bắt đầu công việc mà nhiều người gọi tôi là “gã gàn dở!””.

Theo anh Hải, thời điểm chập tối (18h30) là khoảng thời gian công nhân đổ ra đường nhiều nhất. Đây cũng là thời điểm thường xuyên ùn tắc, va chạm giao thông. Với tâm thế vội vã về với gia đình, nhiều công nhân bất chấp nguy hiểm di chuyển một cách vô tội vạ, không nhường đường, không chấp hành các tín hiệu giao thông... Bản thân anh Hải cho biết, nếu không nhanh nhạy, gan dạ thì khó có thể thực hiện được việc điều tiết, phân luồng giao thông tại đây. Khi mới làm công việc này, anh Hải cũng đón nhận nhiều câu chửi mắng “Đồ vô công rồi nghề, việc của anh à!”. Thậm chí, với người thân từ gia đình, bạn bè cũng không đồng tình, khuyên bảo anh nên tìm kiếm một công việc cho thu nhập ổn định, thay vì ra đứng đường làm công việc không công, nguy hiểm.

Với suy nghĩ niềm vui, sự an toàn của người khác cũng chính là niềm hạnh phúc của mình, anh Hải không những tiếp tục việc làm anh cho là ý nghĩa, cần thiết, anh còn gom góp tiền dành dụm để mua xăng làm từ thiện. Anh Hải nói: “Bỏ tiền túi ra làm từ thiện, nhiều người bảo mình “gàn dở”, tôi mặc kệ! Quá trình điều tiết giao thông, tôi bắt gặp nhiều trường hợp công nhân xe hết xăng phải dắt bộ, trong đó có những phụ nữ đang mang bầu. Sau một lần phải dùng ống tuy-ô để hút xăng từ chiếc xe máy của mình hỗ trợ một phụ nữ, bất tiện tôi mua xăng rồi đóng sẵn thành từng chai, ai cần mình giúp đỡ! Thấy việc làm không vì tư lợi của mình, nhiều công nhân, công đoàn các công ty trong khu công nghiệp cũng tham gia. Người 10 nghìn đồng, người 20 nghìn đồng... góp lại để tôi mua xăng, bản thân tôi cảm thấy thực sự vui sướng”.

Sau một thời gian thực hiện công việc điều tiết giao thông miệt mài, bất kể ngày nắng, mưa của anh Hải, tình trạng giao thông tại đây đã có những chuyển biến tích cực. Mọi người đã thay đổi ý thức giao thông hơn, các vụ tai nạn không đáng có giảm đáng kể. Thấy việc làm của anh có ý nghĩa, đóng góp vào nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, bản thân anh Hải đã nhận được nhiều sự động viên, khích lệ từ lực lượng cảnh sát giao thông thành phố, chính quyền các phường Quảng Thành, Quảng Đông và công đoàn của các công ty hoạt động trong khu công nghiệp. “Tuần tới, tôi được đại diện công đoàn của một công ty trong khu công nghiệp mời cùng tham gia thiện nguyện hỗ trợ áo ấm cho học sinh đến trường trên huyện biên giới Mường Lát, tôi rất vui!” - anh Hải khoe.

Không dừng lại ở việc điều tiết giao thông tại Khu Công nghiệp Lễ Môn, một lần đi qua Trường Tiểu học Quảng Cát, thấy nhiều ông, bà đi đón cháu phải băng qua đường giao thông nguy hiểm, anh Hải lại tranh thủ thời gian đến để hỗ trợ nhà trường, địa phương điều tiết giao thông. “Tình trạng ùn tắc giao thông ở đây cũng rất phức tạp. Đa số con em đều do các ông, bà đưa đón. Việc qua đường với các phương tiện vận tải di chuyển nhanh là rất nguy hiểm” - anh Hải cho biết. Do không phải ngã ba, ngã tư giao thông nên địa phương cũng không thể kiến nghị lắp đặt đèn tín hiệu. Trước bất cập đó, anh Hải đã dành thời gian vào khoảng 16h30 mỗi ngày để đến điều tiết, hỗ trợ các ông, bà đưa cháu qua đường.

Chia sẻ về việc sắp xếp, bố trí quỹ thời gian cho những việc làm của mình, anh Hải nói: “Buổi sáng từ 6h30 đến 8h, tôi điều tiết giao thông ở Khu Công nghiệp Lễ Môn. Chiều từ 16h30 đến 17h điều tiết giao thông tại Trường Tiểu học Quảng Cát. 17h10 đến 20h tôi tiếp tục điều tiết giao thông tại Khu Công nghiệp Lễ Môn. Ngoài thời gian trên, tôi có nhận xoa bóp, bấm huyệt cho các ông bà cao tuổi, người bị tai biến”. Điều tuyệt vời khi những việc làm của anh Hải hoàn toàn là tự nguyện. Anh Hải cho biết, anh sẽ duy trì công việc của mình đến khi nào sức khỏe của mình không cho phép.

Đánh giá về những việc làm của anh Nguyễn Hữu Hải, ông Lê Doãn Phượng, Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) khẳng định, những việc làm ý nghĩa trên của anh Hải là rất đáng biểu dương. Qua việc làm của anh không chỉ góp phần nâng cao ý thức về giao thông cho người dân; giúp địa phương, lực lượng chức năng giải quyết được phần nào những bất cập chưa được khắc phục, bên cạnh đó, cũng góp phần lan tỏa những hành động đẹp, việc làm ý nghĩa trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]