Chuyện bà đỡ
Bà đỡ đây là đỡ... đẻ! Chả là ngó trên facebook của nhà báo Cao Ngọ và đại tá Ngọc Dũng (nguyên cán bộ Công an Thanh Hóa) chỉ vài dòng ngắn ngủi thôi, tự dưng òa trước tôi một miền ký ức, một quá vãng thương mến...
Cây thị cao niên làng Lon quê tôi, nhân chứng bao chuyện vui buồn.
Cao Ngọ viết như này.
... Nghe tin cô qua đời, cháu vô cùng xúc động ngậm ngùi từ mảnh đất quê nhà (làng Ban Thọ, xã Vạn Thắng, Nông Cống, Thanh Hóa) cháu xin cúi đầu bái lạy cô, cầu mong linh hồn cô siêu linh miền cực lạc!
Vợ chồng cô, chú là công nhân Nhà máy giấy Lam Sơn. Cô Dương, chú Chi là em kết nghĩa của cha, mẹ tôi. Cô là nữ y tá của Nhà máy giấy Lam Sơn. Chính cô với đôi bàn tay tài hoa, thành thục, điêu luyện đã đưa 4/5 anh em tôi rời bụng mẹ chào đời...
Ngày tôi đi lính (tháng 2/1972) sau 2 tháng huấn luyện rồi lên đường ra trận. Khi hành quân đến xã Minh Khôi (Nông Cống) chúng tôi được về thăm nhà. Biết tin tôi về, cô từ nhà máy vào thăm nhà tôi. Thằng cháu non tơ chưa tròn 18 tuổi mặc áo lính. Và, chính cô múc nước giếng gội đầu cho tôi.
Hòa bình, năm 1977 tôi về phép, cô vào nhà thăm rồi ôm lấy tôi, cô nói với cha mẹ tôi: "hôm cháu đi B được về thăm nhà, em gội đầu cho cháu mà cứ mông lung nghĩ khôn nghĩ dại, không biết nó đi chiến trường có về được không...".
Hôm nay nhận được tin cô về với chú, về với cha mẹ tôi, chắc ở chốn bồng lai, cô chú đang trò chuyện cùng anh chị như những ngày ở Nhà máy giấy Lam Sơn và làng Ban Thọ, xã Vạn Thắng (Nông Cống). Một thời nghèo khổ mà sâu đậm ân tình...
Anh em chúng cháu cúi đầu bái lạy tưởng nhớ cô!
Trên facebook của Vũ Ngọc Dũng cùng những dòng chia buồn bày tỏ tình cảm thương tiếc “bà đỡ” là cô Dương vợ chú Chi ở Nhà máy giấy Lam Sơn.
Chuyện thật tình cờ. Đại tá Vũ Ngọc Dũng quê cùng với Cao Ngọ cũng được chính cô Dương đỡ đẻ!
Hai lão (giờ cũng tròm trèm 70 còn gì)! Mà chả riêng hai lão, thế hệ U70 quê choa hầu hết lúc lọt lòng đều một tay các bà đỡ vườn mà oe oe chào đời và thành người!
Bà đỡ vườn?
Hình như đang quá ít ỏi những bà đỡ vườn một thuở một thời xuất hiện và đậm nét trong những hồi ức, trong văn chương?
Rồi nữa, dưới chính thể mới với sự ra đời của hệ thống nhà hộ sinh XHCN, cái sự sinh nở hằn còn mờ nhòe lẫn bàng bạc.
Năm xa ấy tôi có dẫn một ông bạn viết có ý định tìm hiểu và viết lách về cái sự sinh nở đến gặp ông BS Nguyễn Quốc Triệu. Ông BS Triệu là BS Sản - Nhi thuộc loại giỏi do chế độ mới đào tạo. Nhưng bất ngờ câu chuyện chả đi đến đâu cả! Có thể là kiến thức kinh nghiệm về lãnh vực này ông BS Triệu chưa nhiều? Có thể là ông tất tả việc quản lý nhiều hơn chuyên môn (sau này ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế và sau nữa kiêm luôn việc phụ trách chữa trị cho các vị lãnh đạo cao cấp) hoặc nữa ông chả muốn đi sâu vào cái chuyện bếp núc đẻ đái?
Vẫn cứ le lói hy vọng rằng các hậu sinh nước Việt mình có thêm các thông tin về chuyện chào đời của các thế hệ tiền nhiệm?
Nhân việc này, tôi chợt nhớ chuyện người nhà thầy học tôi, GS Đinh Văn Đức.
Thầy Đinh Văn Đức gọi vợ kiến trúc sư (KTS) Tạ Mỹ Duật danh tiếng là dì ruột. Phu nhân KTS vốn là một nữ sinh xinh đẹp Trường Đồng Khánh. Giời phú cho bà một vẻ sắc sảo mặn mà tới mức khi đã cao lão, có một họa sĩ người Pháp đã phải viết mấy dòng gửi người trong ảnh lúc ấy đã vào tuổi 90 “Vẻ đẹp của bà khiến tôi nghĩ đến minh tinh màn bạc Coco Chanel!”.
Người đẹp cùng ông chồng Tạ Mỹ Duật bỏ hết lại gia sản tất tả đi theo kháng chiến mang theo tấm bằng “Nữ hộ sinh quốc gia”. Đôi bàn tay của người nữ hộ sinh ấy phải cuốc đất trồng rau, nuôi gà thả cá. Và nhiều lần phải vào bản đỡ đẻ cho đồng bào dân tộc. Và không ít con cái văn nghệ sĩ ở chiến khu ra đời trong lòng tay bà.
Hòa bình, về Hà Nội, không nhà cửa, không tài sản, ở nhờ ngôi nhà xưa của các cụ ở phố Sinh Từ. May mà nhờ được cụ Nguyễn Viêm Hải, một BS có tiếng thời Tây, khi ấy đang mở phòng khám ở 47 Hàng Bài, Hà Nội và một nhà hộ sinh.
Nhờ mối quan hệ giữa hai gia đình, cụ Nguyễn Viêm Hải khuyên bà vợ KTS Tạ Mỹ Duật "Cô tiếp nhận nhà hộ sinh này đi, đứng tên và làm việc, cô không lo, tôi giới thiệu khách và ca khó sẽ có tôi ngay lập tức...".
Thường có câu “làm nghề nào, ăn nghề đó”, nhưng với bà được “ăn” ngay hồi đang học nghề từ thời Pháp. Số là, bà có người chị cả, giáo viên được phân vào dạy học tỉnh Thanh, sau lấy chồng là Đốc học, mang thai mấy lần nhưng chưa được người con nào. Lần ấy mang thai, cô y tá tương lai kể với ông thầy - GS người Pháp về trường hợp bà chị ruột của mình. Ông thầy bảo cứ mang người chị từ tỉnh Thanh ra Hà Nội ông xem. Thế là lần ấy “đậu”, bà chị năm 1943 sinh được người con trai duy nhất - chính là GS Đinh Văn Đức, nhà ngôn ngữ học sau này.
Đầu những năm 1960, mọi nhà hộ sinh dân lập bị đóng cửa. Bà phải chuyển hết các nơi, từ hộ sinh 318 Bạch Mai, đến hộ sinh Mai Hương, sau cùng hộ sinh B “Cây Đa Nhà Bò”. Năm 1965, Mỹ đánh Hà Nội ác liệt, cuốc bộ từ nhà đến nhà hộ sinh “Cây Đa Nhà Bò” nhiều bận phải lao xuống hầm cá nhân tránh bom. Thời cao điểm, sản phụ chỉ sau 24 giờ đẻ là cho về nhà, nhà hộ sinh phải cử người đến thăm và tắm cho bé.
Người bạn đời đẹp người đẹp nết của KTS Tạ Mỹ Duật, bà Nguyễn Thị Hải - “bà đỡ” mát tay một thời gian khó đã mất, thọ 95 tuổi. Nhớ thêm chất giọng bùi ngùi của GS Đinh Văn Đức “Bà dì tôi có lẽ suốt đời làm cái việc phúc đức nên trời cho thọ!”.
Một chút lan man về cái nghề phúc đức, nghề đỡ đẻ để nhớ thêm về một bà đỡ vườn quê tôi.
Làng Lon tôi vùng quê bán sơn địa tụt sâu vào tận xó núi Vĩnh Lộc ở xứ Thanh. Làng Biện Thượng tên chung gộp 3 làng mang tên 3 con vật là Báo, Lon, Sóc mà thành. Hồi Tổng tuyển cử Quốc hội đầu năm 1946 Biện Thượng đổi thành Vĩnh Hùng.
Làng Lon diệu vợi xa ngái. Về đến trung tâm Vĩnh Hùng khoảng 3 cây số thôi mà trúc trắc đường sá. Thời trước, thuở trước cái sự sinh nở xứ tôi tất tật đều phó thác cho may rủi, cho tài năng của các bà đỡ vườn.
Cố chắp lại thông tin mỏng manh đứt nối từ câu chuyện của mẹ mơ hồ hun hút như cơn gió núi. Rằng tôi, em gái tôi, rồi em trai tôi khi sinh đều từ tay một bà đỡ.
Rồi những vô tâm, vô ơn và cả cái thói chóng quên mà sau này, tôi đã bẵng đi bao thứ...
Bẵng là đã khuấy đi, chẳng bao giờ ỏ ê để ý đến cái tên bà đỡ ấy!
Chẳng hay tên thật của bà là gì? Chỉ biết đó là vợ một ông giáo tên là Dòng. Vùng tôi thường gọi tên ông chồng thay cho cả hai vợ chồng.
Ông giáo Dòng dạy học. Tự bao giờ khi nào chẳng rõ, bà vợ ông giáo được truyền nghề hay mầy mò tự học nên biết rồi thạo nghề đỡ đẻ.
Cả vùng cũng có hai hay ba bà đỡ chi đó. Mặc dù nhà bà ở khá xa, tận làng Bòng (Bồng) (nay là Minh Tân) làng sinh ra ông nghè Tống Duy Tân. Vở chèo khuyết danh Quan Âm thị Kính có câu “Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo” (Bồng Báo là đất học có tiếng, nhiều người đỗ đạt lại khéo rèn cặp giáo dục người), nhưng nhà nào có sản phụ sắp sinh, ai cũng cũng muốn vời cô giáo Dòng.
Bà giáo, đành gọi cái tên ấy vậy, người đẹp lắm. Cái dáng đi con cón (ý mau mắn lanh lẹ, lâu lắm rồi dân quê tôi ít nhắc đến từ này?) Giọng bà giáo thanh thanh, nói cũng khẽ, đủ nghe. Thoảng chất giọng khẽ khàng xa xăm của mẹ tôi.
Mà răng bà giáo tài rứa... Chỉ nói qua với bà thời gian đậu thai. Bà bấm bấm đốt tay. Chả nói chi cả.
Rồi bà đột ngột xuất hiện báo cho người nhà rằng bà đẻ sắp ở cữ. Một hay hai, ba ngày, bà quẩn quanh nhà sản phụ. Nhà khá thì thổi nồi cơm nếp hay thịt con gà. Nhà túng cơm rau bà cũng vui vẻ trực cho đến khi bà đẻ (sản phụ) trở dạ. Chưa bao giờ thấy bà Giáo lấy tiền. Công sá, thảo ra thì mấy bò nếp hoặc vài bơ gạo ngon hay chai mật mía. Nhiều nhà khó, bà còn trả lại gạo biếu.
Nhiều cái rùng mình thời hiện đại khi chợt nghĩ đến công việc của bà giáo Dòng. Thời đó làm chi có siêu âm. Biết trai hay gái. Thai ngược hay thuận. Ca này khó sinh hay dễ?... Những nét đăm đăm trên khuôn mặt vốn nhẹ nhõm kia là người nhà thoáng biết ca đẻ này không đơn giản.
Những vỗ về cùng bấm huyệt. Mà chỉ có bà mới hay biết huyệt đạo nào cần tác động. Chỉ có mấy cái cật nứa và con dao bổ cau luộc kỹ để dùng vào việc cắt rốn! Vậy mà lạ lùng, hết thảy đều mẹ tròn con vuông. Không thấy trường hợp nào bị nhiễm trùng uốn ván! Chỉ có thể nói Giời thương cùng tổ tiên anh linh các cụ phù hộ.
Hoàn tất việc đỡ đẻ, bà giáo Dòng còn nán lại bày cho việc chăm sóc sản phụ. Một công thức một barem bất di bất dịch. Kỵ nắng gió nước nôi nội mười ngày. Nếu không có thịt cá kho khô thì tống nhiều muối đảo thật khô khén với nghệ tươi giã nhỏ. Cứ thế quẹt ăn với cơm nóng. Đại loại phải vậy để tránh hậu sản và lợi sữa cho con.
... Đận ấy về quê. Tôi kêu hai đứa em gái lại ngồi chung một bữa cơm gặp gỡ. Một đứa em ruột. Đứa kia là con ông chú. Bà giáo Dòng lên đỡ đẻ em gái tôi. Chưa đẻ, bà giáo đảo qua nhà ông chú thì vừa vặn thím tôi trở dạ. Hôm sau em tôi mới sinh. Hai đứa bây giờ là hai bà lão sắp 70.
Bao nhiêu đứa trẻ sơ sinh may mắn trạc tuổi anh em tôi, giời giờ cho lên chức ông bà nội ngoại và chẳng ít những ông to bà nhớn? Công SINH công DƯỠNG đã đành. Nhưng phải có cái DUYÊN để phò trợ cho hai công ấy!
Bà giáo Dòng mất đã lẩu lâu. Quê Thanh tôi, đất nước tôi thời ấy thuở ấy từng có bao nhiêu bà đỡ như cô giáo Dòng?
Xuân Ba
{name} - {time}
-
2024-11-21 12:16:00
Xây dựng những tuyến đường mở hướng tương lai
-
2024-11-21 12:11:00
Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
-
2024-02-06 16:26:00
Tết nhảy của người Dao Thanh Hóa
Sức sống trường tồn của Văn hóa Đông Sơn
Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi!
TS Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế: Phát triển nguồn nhân lực y tế - đã đến lúc phải đổi mới quyết liệt từ nhận thức đến hành động
Phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế
Tiếng trống Xuân Phả
Trường Sa kì vĩ
Bên những bóng cây nghìn tuổi
Chuyện trên trời
Đền Bát Hải Long Vương trên miền di tích, danh thắng Bỉm Sơn