Chương trình giảm nghèo bền vững giúp người yếu thế ở huyện Bá Thước
Những năm qua huyện Bá Thước đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bình bên căn nhà mới đảm bảo “3 cứng” được hỗ trợ tiền từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Trong căn nhà mới xây, ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Mé, xã Ái Thượng không giấu nổi niềm vui vì bao năm gia đình ông ước mơ có được ngôi nhà kiên cố đã trở thành hiện thực. “Với 40 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước là động lực để gia đình tôi cố gắng vay mượn xây ngôi nhà mới kiên cố với diện tích 60m2. Giờ đây, gia đình không phải vất vả trong căn nhà dột khi mùa mưa đến nữa", ông Bình chia sẻ.
Còn đối với ông Trương Văn Ân ở thôn Giổi, xã Ái Thượng lại được Nhà nước hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo. Ông Ân cho biết, năm 2023 gia đình ông được hỗ trợ 11 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lồng. Ngay sau khi nhận được tiền hỗ trợ, ông đã đầu tư làm lồng nuôi, cá giống và thức ăn cho cá... Sau 10 tháng nuôi cá, gia đình ông đã xuất bán được gần 6 triệu đồng và dùng số tiền thu được từ việc bán cá đầu tư thêm lồng nuôi cá, với hy vọng năm nay gia đình thoát nghèo.
Có thể thấy, nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Ái Thượng bước đầu tạo sự hứng khởi cho các hộ gia đình chủ động vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Phó Chủ tịch UBND xã Ái Thượng Lê Thị Hằng cho biết: Đảng ủy, UBND xã Ái Thượng luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhất là trong vùng đồng bào thiểu số. Vì vậy, các chi bộ đều phân công đảng viên phụ trách từng hộ nghèo để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, qua đó đề xuất với chi ủy có giải pháp giúp đỡ các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; đồng thời hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Theo đó, từ năm 2023 đến nay, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Ái Thượng đã có 40 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây nhà mới, sửa chữa nhà ở với số tiền là 1,34 tỷ đồng. Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 85 hộ tham gia, trong đó có 54 hộ tham gia nuôi cá lồng, 31 hộ tham gia dự án nuôi lợn lai lòi. Từ sự hỗ trợ đúng đối tượng, đúng trọng tâm, hầu hết các hộ nghèo sau khi được hỗ trợ đều thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2023, qua công tác rà soát, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm đáng kể, từ 151 hộ (chiếm 11,6%) vào cuối năm 2022, nay còn 72 hộ (chiếm 5,4%). Thu nhập bình quân năm 2023 đạt 43 triệu đồng/người. Mục tiêu phấn đấu năm 2024 đạt 56 triệu đồng/người.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, giai đoạn 2021-2025 huyện Bá Thước được phân bổ 84,640 tỷ đồng, hỗ trợ nhà ở cho 2.657 hộ, trong đó xây mới 1.575 nhà, sửa chữa 1.082 nhà. Năm 2023 và đợt 1 năm 2024 huyện đã phê duyệt, hỗ trợ 76,040 tỷ đồng cho 2.131 nhà, trong đó xây mới 1.283 nhà, sửa chữa 848 nhà. Đến thời điểm này huyện giải ngân được 47,452 tỷ đồng cho 821 nhà xây mới, 628 nhà sửa chữa. Những ngôi nhà mới xây đảm bảo “3 cứng”, có thẩm mỹ, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của mỗi gia đình, tập quán của từng địa phương, đảm bảo đúng quy hoạch. Cùng với đó, huyện cũng giải ngân được 15,259/29,344 tỷ đồng để triển khai 46 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, trong đó có 5 mô hình trồng trọt, 41 mô hình chăn nuôi; tạo điều kiện cho 1.394 hộ tham gia dự án được hưởng lợi với 809 hộ nghèo, 463 hộ cận nghèo, 122 hộ dân tộc thiểu số và hộ mới thoát nghèo.
Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước Võ Thị Lý, cho biết: Trên địa bàn có nhiều hộ nghèo, cận nghèo, nên thời gian qua cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tập trung thực hiện tốt chương trình giảm nghèo gắn với các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với nguồn hỗ trợ từ chương trình MTQG, chúng tôi cũng đã tích cực vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê, cộng đồng thôn xóm chung tay giúp đỡ để các đối tượng khó khăn về nhà ở có được những mái ấm nghĩa tình. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn, chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát; thực hiện lồng ghép và xã hội hóa các nguồn vốn huy động hỗ trợ giảm nghèo theo phương thức đa chiều cho các dự án, phấn đấu đến năm 2025 Bá Thước sẽ thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
Bài và ảnh: Tiến Đạt
{name} - {time}
-
2024-12-15 09:59:00
Quy định mới về mẫu giấy phép lái xe áp dụng từ năm 2025 và 2026
-
2024-12-15 09:18:00
Thanh niên Thường Xuân và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương
-
2024-09-20 06:42:00
820 hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ xây dựng nhà ở trong năm 2024
Cây đổ trong sân trường đè bẹp 4 ô tô
Xử lý sạt lở bờ hữu sông Chu
Rút kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả chính sách
“Bữa cơm công đoàn” cảm ơn người lao động
Ủy ban MTTQ huyện Hoằng Hoá tiếp nhận hơn 3,6 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả bão, lũ
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Sáng sớm nay 19/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4
Cảm động tấm lòng người dân Thanh Hoá hướng về Yên Bái sau trận mưa lũ lịch sử
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa kết nối trao quà và hỗ trợ sinh kế các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ bị ảnh hưởng sau bão số 3