“Chìa khóa” giảm nghèo bền vững
Cách đây 3 năm, gia đình anh Phạm Văn Diệu, thôn Thành Minh, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy) vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo. Bởi, gia đình anh không có vốn để đầu tư sản xuất, thu nhập chính của gia đình chủ yếu trông chờ vào vài sào ruộng và làm thuê ít ỏi. Năm 2023, gia đình anh được hỗ trợ 110 con gà giống ri Lạc Thủy và cám chăn nuôi từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024; nhờ chịu thương, chịu khó, học hỏi kinh nghiệm và với ý chí vươn lên thoát nghèo, lứa gà đầu tiên gia đình anh xuất bán lãi 12 triệu đồng.
Nhờ hỗ trợ gà giống, gia đình anh Phạm Văn Diệu (ngoài cùng bên phải), thôn Thành Minh, xã Cẩm Liên có cuộc sống ổn định.
Trong ngôi nhà mới, anh Diệu không giấu nổi niềm vui: "Từ khi nhận mô hình sinh kế, bản thân tôi cũng được tham gia lớp tập huấn để chăn nuôi gà. Từ lứa gà đầu tiên mang hiệu quả kinh tế, hiện nay gia đình tôi đang tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi gà. Sự quan tâm của các cấp, các ngành không chỉ thể hiện bằng việc tạo sinh kế cho gia đình tôi thoát nghèo, mà trong năm 2022 gia đình tôi được hỗ trợ số tiền 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Sự quan tâm đó tiếp tục là động lực để vợ chồng tôi yên tâm lao động sản xuất và vươn lên thoát nghèo”.
Cũng như gia đình anh Diệu, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã Cẩm Liên được tạo sinh kế thông qua các dự án của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực vươn lên phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương với thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,39%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,15%.
Ông Cao Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Cẩm Liên, cho biết: “Để công tác giảm nghèo đi vào thực chất và đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững của xã đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến từng thôn. Từ việc rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với khả năng giảm nghèo của từng hộ. Đồng thời xã cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi; cách phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên phụ trách thôn để theo dõi, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện giúp người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Những năm qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Cẩm Thủy luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Với phương châm “trao cần câu, không cho con cá”, huyện Cẩm Thủy đã đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu của các hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng dự án. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Cẩm Thủy đã triển khai 13 dự án chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản, hỗ trợ 230 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ là gần 3,4 tỷ đồng, huy động các hộ dân tham gia dự án là hơn 2,6 tỷ đồng.
Đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Cẩm Thủy đã triển khai được 3 dự án nuôi trâu, bò cái sinh sản hỗ trợ cho 43 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí Ngân sách Nhà nước hỗ trợ là hơn 687 triệu đồng. Đồng thời, huyện cũng thực hiện hiệu quả Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huyện đã mở được 4 lớp học nghề với 140 lao động học nghề ở vùng khó khăn. Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/3024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025, đến nay huyện Cẩm Thủy khởi công xây dựng 30 ngôi nhà...
Từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã góp phần khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong Nhân dân, nhất là các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Nếu như năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 6,93%, nay giảm xuống còn 2,96%, tỷ lệ hộ cận nghèo từ 7,34% xuống còn 3,94%, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Hải Sâm, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Thủy, cho biết: Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vì vậy thời gian tới huyện tiếp tục nhân rộng các phong trào, mô hình giảm nghèo hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng, ngành đầu mối các dự án, tiểu dự án và các địa phương triển khai thực hiện các nội dung để nâng cao hiệu quả công tác triển khai chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát hiện và kiến nghị, xử lý kịp thời những sai phạm trong việc thực hiện các chính sách, dự án, tiểu dự án được thực hiện trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2025-01-28 08:00:00
Nem thính Thanh Lan - Giữ trọn vị truyền thống
-
2025-01-28 07:34:00
“Xanh hóa” vùng quê nông thôn mới
-
2024-12-24 09:43:00
Mở mới tuyến xe buýt số 18 TP Thanh Hóa - Như Xuân, khai thác từ hôm nay (24/12)
Thiệu Hóa có đại lộ mang tên Nhà sử học Lê Văn Hưu
Yêu cầu mới trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính
Thông báo truy tìm tung tích nạn nhân
Nguyên nhân căn hộ có giá hợp túi tiền dần “biến mất” tại các đô thị lớn
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Gửi gạo hỗ trợ 150 lao động Việt Nam tại Nhật Bản bị nợ lương
Đẩy nhanh tiến độ bố trí tái định cư xen ghép ở huyện Quan Sơn
Thông báo chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1 và tháng 2/2025
Bộ trưởng Bộ GTVT đốc thúc tiến độ 8 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc-Nam