(Baothanhhoa.vn) - Khu vực biên giới là một địa bàn trọng yếu, đóng vai trò là “phên dậu” của hai tỉnh thuộc hai quốc gia. Phát huy truyền thống tương trợ, đoàn kết, Hủa Phăn - Thanh Hóa luôn nỗ lực cùng nhau phát triển. Nhìn vào thực tế, trong rất nhiều khó khăn thì việc hỗ trợ phát triển kinh tế, kết nối du lịch đang được hai tỉnh quan tâm và ưu tiên.

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): "Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"

Khu vực biên giới là một địa bàn trọng yếu, đóng vai trò là “phên dậu” của hai tỉnh thuộc hai quốc gia. Phát huy truyền thống tương trợ, đoàn kết, Hủa Phăn - Thanh Hóa luôn nỗ lực cùng nhau phát triển. Nhìn vào thực tế, trong rất nhiều khó khăn thì việc hỗ trợ phát triển kinh tế, kết nối du lịch đang được hai tỉnh quan tâm và ưu tiên.

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu

7 giờ sáng, Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát) Vi Văn Thế vội khoác áo dẫn đường cho chúng tôi sang bản Sổm Vẳng (huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào).

Mường Lát đã nghèo, Sổm Vẳng càng nghèo hơn. Đón chúng tôi, ông Thạo Xôm Bun, Bí thư kiêm trưởng bản cho biết: “Kể từ khi Chính phủ hai nước cho phép nâng cấp cửa khẩu phụ Tén Tằn - Sổm Vẳng thành cửa khẩu quốc gia, trong 12 năm vừa qua (từ 2012 đến nay) khu vực biên giới hai huyện Mường Lát - Sốp Bâu được tạo điều kiện thuận lợi thông thương hàng hóa góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn. Tuy nhiên...”, ông Xôm Bun ngập ngừng nói tiếp: “Bản Sổm Vẳng và khu phố Tén Tằn có phát triển, nhưng còn nghèo lắm”.

Tiếp lời, ông Thạo Son Chay, Phó bí thư chi bộ bản cho biết thêm: "Đồng tiền kíp mất giá, giao thương buôn bán ngày càng khó. Người dân trong bản chủ yếu là trồng sắn, ngô, lúa và nuôi mấy con gà, con lợn... Cuộc sống cứ bình yên thế thôi".

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Người dân làm thủ tục xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc gia Tén Tằn, huyện Mường Lát.

Cũng vì cuộc sống bình yên mà Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn diễn ra khá lặng lẽ. Đón chúng tôi ở cửa khẩu là 3 lực lượng, gồm: Công an biên giới, Hải quan, Sở Nông lâm tỉnh Hủa Phăn.

Anh Khăm Lá, Phó đội Hải quan cửa khẩu Sổm Vẳng thuộc Hải quan tỉnh Hủa Phăn cho biết: "Sau đại dịch COVID-19, các hoạt động đã trở lại bình thường. Là cửa khẩu quốc gia, chúng tôi chú trọng tới hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu đúng quy định, an toàn và nghiêm túc. Trong công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các ngành, lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, đấu tranh chống các loại tội phạm như: buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm...; kịp thời phát hiện các hoạt động xâm phạm chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, sử dụng giấy tờ giả mạo qua lại cửa khẩu, biên giới thường xuyên và kịp thời".

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo kiểm tra thông tin du khách xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn.

Nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại biên giới bám sát các chương trình, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn khu vực biên giới...

Là huyện có Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Quan Sơn có nhiều điều kiện hơn để hỗ trợ giúp Nhân dân nước bạn Lào phát triển kinh tế. Từ kết quả hợp tác kinh tế giai đoạn 2018 - 2022, Quan Sơn đã hỗ trợ huyện Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào) xây dựng mô hình vườn cam, quy mô 1ha, trị giá trên 400 triệu đồng; hỗ trợ 400 triệu đồng để xây dựng chợ Viêng Xay; hỗ trợ nhân lực và thuốc phòng, chống dịch châu chấu hại tre luồng... Giai đoạn 2022 - 2025, Quan Sơn tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với huyện Viêng Xay với việc hỗ trợ 1,5 tỷ đồng trong 3 năm.

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Cánh đồng hỗ trợ gieo trồng giống lúa năng suất cao QR15 do huyện Quan Sơn hỗ trợ giống lúa, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho huyện Viêng Xay, Hủa Phăn, Lào.

Sản xuất 1 vụ lúa/năm, thời gian còn lại, người dân trồng các loại cây năng suất thấp, hiệu quả không cao, hoặc bỏ hoang, gây lãng phí quỹ đất. Nắm rõ những khó khăn của huyện Viêng Xay, huyện Quan Sơn đã giúp đỡ chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống cây trồng, con nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất kinh tế cao, với nguồn kinh phí là 500 triệu đồng, cụ thể là thực hiện mô hình trồng lúa nước mùa khô (vụ chiêm xuân). Riêng năm 2023, Quan Sơn hỗ trợ huyện Viêng Xay tổng kinh phí là 725 triệu đồng, trong đó gồm: 3.600kg lúa giống, 32.000kg phân bón cho 255 hộ dân tại 12 bản...

Bên cạnh đó, Quan Sơn thành lập, tổ chức 80 lượt cán bộ kỹ thuật sang hỗ trợ, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật ngâm, ủ mạ, cấy và chăm sóc cây lúa; thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin và hỗ trợ kỹ thuật thông qua các ứng dụng mạng trực tuyến, như zalo, facebook... để vừa kịp thời nắm bắt tình hình phát triển của cây lúa và diễn biến tình hình sâu bệnh, từ đó phát hiện sớm, có biện pháp xử lý, khắc phục. Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật huyện Quan Sơn, 60ha lúa nước của huyện Viêng Xay sinh trưởng tốt, cho năng suất 54 tạ/ha, tổng sản lượng đạt hơn 324 tấn.

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Hội nghị tổng kết mô hình trồng lúa nước mùa khô (vụ chiêm xuân) năm 2023 tại huyện Viêng Xay do huyện Quan Sơn hỗ trợ.

Nằm ở cửa ngõ giáp ranh 2 huyện Viêng Xay và Quan Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt công tác ngoại giao Nhân dân với hai cụm Mường Xôi và Mường Pùn. Thường xuyên cử cán bộ, chiến sỹ sang hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước, nuôi cá tại các bản biên giới nước Lào. Nhờ đó, người dân các xã biên giới của huyện Quan Sơn và người dân nước bạn Lào đã có cơ hội trao đổi những nét văn hóa đặc sắc, kinh nghiệm làm ăn, cuộc sống của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới đổi thay từng ngày, tạo động lực và sự hứng khởi hăng say lao động, sản xuất.

Theo báo cáo mới nhất, chính quyền hai tỉnh Thanh Hoá - Hủa Phăn đều nỗ lực tạo điều kiện đẩy mạnh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới; góp phần đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Từ đầu năm 2024 đến ngày 31/5, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu với nước bạn Lào đạt 20.193.026 USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 11.224.675 USD (tăng 4,93% so với cùng kỳ năm 2023); kim ngạch nhập khẩu đạt 8.968.351 USD (tăng 210% so với cùng kỳ năm 2023). Số người nhập cảnh đạt 14.034 lượt/4.380 phương tiện; lượt người xuất cảnh đạt 13.779 lượt/4.348 phương tiện.

Nhờ các chương trình tương trợ và chia sẻ lẫn nhau, chính quyền và Nhân dân hai bên biên giới luôn đoàn kết, an ninh vùng biên ổn định. Điều này sẽ thúc đẩy thực hiện khâu đột phá về phát triển các cụm trung tâm dịch vụ - thương mại trên trục Quốc lộ 217 gắn với xây dựng và phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quan Sơn đã đề ra.

Thúc đẩy du lịch vùng biên

Khu vực biên giới xứ Thanh là nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú... tạo nên sự đa dạng về văn hóa của cộng đồng dân cư. Đặc biệt người Thái ở Mường Lát, Quan Sơn và người Lào có điều kiện kinh tế xã hội và nền văn hóa tương đồng. Núi liền núi, sông liền sông, có truyền thống lịch sử, tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, gắn bó keo sơn. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch khu vực vùng biên.

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Quang cảnh huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Ảnh: Ngọc Huấn

Theo số liệu thống kê, trong năm 2023, tỉnh Hủa Phăn (Lào) thu hút hơn 21.390 lượt khách du lịch đến từ Việt Nam. Qua đó, du khách Việt đứng đầu tổng khách nước ngoài tới tỉnh. Hủa Phăn là tỉnh có số lượng khu du lịch lớn nhất của Lào với 157 khu, bao gồm 64 khu danh lam thắng cảnh, 64 khu du lịch lịch sử và 29 khu du lịch văn hóa. Trong đó, điểm nhấn du lịch quan trọng của tỉnh là huyện Viêng Xay - Thủ đô kháng chiến nổi tiếng của đất nước Lào. “Viêng Xay” với ý nghĩa là thành phố chiến thắng luôn là địa chỉ thu hút du khách yêu thích truyền thống lịch sử văn hóa Lào tìm đến. Nơi đây, Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản và Chủ tịch Xu Pha Nu Vông từng sinh sống, làm việc trong thời kỳ hoạt động cách mạng.

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Ở thị xã Sầm Nưa, Hủa Phăn (Lào) có nhiều ngôi chùa đẹp, nổi tiếng. Ảnh: Ngọc Huấn

Đặc biệt đến thị xã Sầm Nưa, du khách sẽ được tham quan chùa Ông Tư, chợ Sầm Nưa, quảng trường Sầm Nưa, thưởng thức tiếng hát của “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” trong điệu múa Lăm vông ở xứ sở Chăm Pa.

Ở chiều ngược lại, Thanh Hóa có 5 huyện giáp biên giới Lào là: Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Quan Hóa, Lang Chánh cũng có nhiều khu du lịch, danh thắng.

Mường Lát được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh sắc nên thơ gắn liền với các địa danh lịch sử, tâm linh như: bản Sài Khao, Bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến, Cột mốc 281, đền thờ Tư Mã Hai Đào, thiền viện Đại Hóa... Đây cũng là “căn cứ” để Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1673/QĐ-UBND ngày 18/5/2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025 du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của huyện, là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh; đến năm 2030 trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương, đưa Mường Lát thoát nghèo nhanh, bền vững.

Định hướng phát triển sản phẩm du lịch ở Mường Lát là du lịch cộng đồng, gắn với giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện và các bản làng ven biên giới. Vì thế, thu hút khách du lịch quốc tế (Lào) qua cửa khẩu Tén Tằn kỳ vọng sẽ góp phần để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của huyện.

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Động Bo Cúng, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn được đánh giá là hang động đẹp và nằm trong tour du lịch Quan Sơn - Viêng Xay.

Quan Sơn có hệ thống hang động, thác nước đẹp, với khu du lịch cộng đồng bản Ngàm, động Bo Cúng, đền thờ Tư Mã Hai Đào, hang Nang Non, Mỏ Gió, suối Bá, thác Ba, thác An Mạ, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo... đủ để thôi thúc du khách một lần tìm đến. So với Mường Lát, Quan Sơn có điều kiện để phát triển du lịch hơn. Bởi, năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với huyện Quan Sơn đã xây dựng tour du lịch Quan Sơn - Viêng Xay.

“Tour du lịch “liên quốc gia” được xây dựng nhằm mục đích quảng bá tiềm năng du lịch hai địa phương, từ đó, mở ra cơ hội thu hút đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất các điểm đến, đồng thời khẳng định sự gắn kết mật thiết, bền chặt và củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nói chung, 2 huyện Quan Sơn, Viêng Xay nói riêng”, ông Hà Xuân Thành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn cho biết.

Trong số các huyện của tỉnh Thanh Hóa có đường biên giới với nước bạn Lào thì Mường Lát và Quan Sơn dài hơn cả. Sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhưng trên thực tế du lịch biên giới của Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nguyên nhân được chỉ ra là do đầu tư cho phát triển du lịch tại các huyện biên giới còn có hạn, cơ sở hạ tầng du lịch vẫn chưa được đầu tư xứng tầm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh một số tuyến đường giao thông trọng điểm được đầu tư, vẫn còn nhiều tuyến đường vào các bản biên giới chưa được nâng cấp, khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như du khách khi tham gia du lịch cộng đồng; việc hợp tác phát triển du lịch với một số huyện giáp biên của nước bạn Lào còn gặp một số khó khăn, vướng mắc...

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là năm thứ 2 thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa huyện Quan Sơn và Viêng Xay. Riêng trong 6 tháng năm 2024, hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào và hai tỉnh Thanh Hoá - Hủa Phăn dần ổn định và phát triển trở lại. Chính quyền hai tỉnh đều nỗ lực tạo điều kiện đẩy mạnh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới; góp phần đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn Hà Xuân Thành

Thực hiện thỏa thuận hợp tác năm 2024 giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn, dự kiến tháng 9/2024 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn doanh nghiệp, báo chí khảo sát, trải nghiệm để xây dựng, quảng bá các tour, tuyến du lịch 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn. Trong đó, tiếp tục lựa chọn các điểm khảo sát tiêu biểu, phù hợp để kết nối mang lại hiệu quả thiết thực.

Tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa - Hủa Phăn sẽ mở ra cơ hội để thu hút nhiều hơn nữa nguồn đón khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển điểm đến, làm đòn bẩy thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển của cả 2 tỉnh. Qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào nói chung và hai địa phương Thanh Hóa - Hủa Phăn nói riêng.

Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 4): Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

“Cổng trời” thuộc xã Trung Lý - địa điểm check-in khi du khách đến với huyện vùng biên Mường Lát.

Tôi vẫn tin có một ngày sẽ bừng sáng vùng biên, khách du lịch sẽ đến Mường Lát, Quan Sơn, hay ít ra thì hai bên biên giới Việt - Lào này người dân sẽ đến tham quan, học hỏi cách làm du lịch của nhau. Câu thơ “...Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy / Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi...” của nhà thơ Quang Dũng biết đâu là một gợi mở để hai bên cùng nhau khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử còn bỏ ngỏ?

Ngọc Huấn - Kiều Huyền


Ngọc Huấn - Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]