(Baothanhhoa.vn) - Cuối năm 2022, lưới điện quốc gia về bản, rồi đường giao thông được mở, những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được áp dụng, đời sống của 35 hộ với 187 nhân khẩu đồng bào Mông bản biên giới Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) đang dần khởi sắc.

Chăm lo đời sống đồng bào Mông ở bản biên giới Xía Nọi

Cuối năm 2022, lưới điện quốc gia về bản, rồi đường giao thông được mở, những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được áp dụng, đời sống của 35 hộ với 187 nhân khẩu đồng bào Mông bản biên giới Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) đang dần khởi sắc.

Chăm lo đời sống đồng bào Mông ở bản biên giới Xía NọiLãnh đạo huyện Quan Sơn kiểm tra tình hình sản xuất của bà con bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy.

Bản đồng bào Mông Xía Nọi được hình thành từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, bởi những hộ dân từ xã Pù Nhi (Mường Lát) di cư về. Cuộc sống gắn chặt với núi rừng biên giới, còn nhiều hủ tục, giao thông khó khăn, bản cách trung tâm xã tới 25km, hoạt động giao thương gần như không có. Vậy nên, đây là bản khó khăn nhất trong số 3 bản đồng bào Mông ở huyện Quan Sơn, Nhà nước thường xuyên phải hỗ trợ gạo, cứu đói.

Cho đến trước năm 2021, cuộc sống của bà con Xía Nọi vẫn theo tập quán du canh làm nương rẫy, chỉ có cây sắn, cây ngô trên đồi và khai thác lâm sản phụ. Sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống, tự cung tự cấp. Trong khi đó, phía bên kia biên giới là bản Hin Đăm, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào nơi có 100% đồng bào Mông sinh sống, hoạt động truyền đạo trái phép diễn ra rất phức tạp.

Nhằm quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, nhất là đồng bào Mông, trong đó có bản Xía Nọi, huyện Quan Sơn đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, áp dụng các mô hình kinh tế mới vào sản xuất. Sau đó, lưới điện quốc gia được đầu tư về các bản Mông. Năm 2021, bản Mùa Xuân được đóng điện, rồi đến năm 2022 là bản Xía Nọi.

Đường giao thông lên các bản Mông cũng được đầu tư. Đó là con đường bê tông kiên cố dẫn từ bản Sa Ná lên Ché Lầu (xã Na Mèo) vượt những núi đồi cao, vực sâu qua bản Mùa Xuân rồi lên Xía Nọi. Hiện tại, con đường đang được hoàn thiện đoạn tuyến cuối cùng, nối bản Xía Nọi với bản Mùa Xuân. Còn đường nội bản Xía Nọi đã hoàn thành bê tông hóa từ năm 2023.

Cùng với sự quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, xã Sơn Thủy đã tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào Mông Xía Nọi từng bước xóa bỏ hủ tục, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó là thực hiện Kết luận số 684-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông, giai đoạn 2021-2025. Để triển khai, thực hiện, ngoài phân công đảng ủy viên phụ trách địa bàn, Đảng ủy xã Sơn Thủy đã động viên những người có uy tín cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân; đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên trong vùng đồng bào Mông. Từ đó, đồng bào Mông ở bản Xía Nọi đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, người chết được đưa vào quan tài và không tổ chức ăn uống linh đình gây tốn kém, lãng phí. Nhiều hộ dân đã tích cực học hỏi, cải tạo đất hoang hóa quanh bản, làm đường dẫn nước chủ động tưới tiêu để trồng lúa nước hai vụ, khoai mán sọ ruột vàng, sắn, dứa gai, chăn nuôi trâu bò, lợn gà, đào ao nuôi cá...

Hiện tại bản Xía Nọi đã có gần 4ha đất lúa 2 vụ, gần 17ha đất trồng cây hoa màu khác. Các hộ dân trong bản đều có ruộng lúa và đã cơ bản giải quyết được nhu cầu lương thực, đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu có nông sản bán ra thị trường, như hộ anh Sung Văn Ly B (SN 1975). Nghe theo lời khuyên của cán bộ xã, năm 2022, gia đình anh Ly B đã cải tạo diện tích đất hoang hóa, mở rộng diện tích đất trồng lúa 2 vụ, chăn nuôi gia súc, trồng thêm cây sắn, dứa gai... Hiện tại, gia đình anh có khoảng 4,5 sào lúa, chăn nuôi 8 con trâu, 5 con bò. Nông sản làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực của gia đình, anh Ly B còn bán số lúa gạo, sắn và trâu bò cho thương lái.

Bí thư chi bộ, trưởng bản Xía Nọi Chá Văn Súa cho biết: "Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư điện sáng, đường giao thông, dân bản vui lắm. Bà con trong bản mình đang nỗ lực vươn lên, từng bước thoát nghèo. Hiện nay, có 2 hộ dân trong bản thoát nghèo và nhiều hộ đang có thu nhập cao, có thể thoát nghèo trong năm tới. Chi bộ bản đã quan tâm công tác phát triển Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Hiện nay, chi bộ đã có 6 đảng viên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo bà con phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia".

Bên cạnh đó, MTTQ và các hội, đoàn thể chính trị - xã hội huyện Quan Sơn thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vận động tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm giúp đỡ hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây trường học, nhà văn hóa ở bản Xía Nọi. Như sau trận dông lốc, mưa đá vào giữa tháng 4/2024, gây hư hại một số công trình, nhà cửa và hoa màu của người dân Xía Nọi, lãnh đạo huyện Quan Sơn đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà chia sẻ khó khăn với các hộ gia đình bị ảnh hưởng, mỗi hộ 2 triệu đồng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Phạm Bá Chiến, trong thời gian tới, Đảng ủy xã Sơn Thủy tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế có hiệu quả cao và vận động Nhân dân tham gia. Đồng thời đề nghị với cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực, tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân xóa bỏ nhà tranh tre, tạm bợ, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân bản Xía Nọi, góp phần bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bài và ảnh: Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]