“Cầu nối” tình đoàn kết cộng đồng ở huyện Thọ Xuân
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác hòa giải trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ Nhân dân, đồng thời góp phần củng cố khối đại đoàn kết và bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở, xã Tây Hồ (Thọ Xuân) đã tiến hành kiện toàn 3 tổ hòa giải ở các thôn Nam Thượng, Hội Hiền và Đống Nải, với 27 hòa giải viên. Đội ngũ hòa giải viên được xây dựng từ những lực lượng nòng cốt là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn và chi hội trưởng các đoàn thể. Với tinh thần tận tụy và nhiệt tình, các thành viên tổ hòa giải đã thành công trong việc hóa giải nhiều mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong Nhân dân.
Tổ hòa giải thôn Đống Nải, xã Tây Hồ (Thọ Xuân) trao đổi tình hình công tác hòa giải ở khu dân cư.
Với hơn 5 năm gắn bó trong công tác hòa giải, bà Phùng Thị Hồng, bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn Đống Nải, chia sẻ: "Để làm công tác hòa giải ở cơ sở, ngoài việc nắm vững kiến thức pháp luật, các hòa giải viên cần có thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc. Chúng tôi thường áp dụng phương pháp linh hoạt, lúc thì trò chuyện với bên này, khi tâm sự với bên kia, luôn dựa trên nguyên tắc có lý, có tình. Thông qua việc tác động tư tưởng, giúp các bên cùng lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau, từ đó họ sẽ mở lòng và dần hóa giải được những mâu thuẫn".
Đơn cử như trường hợp của gia đình chị H., nhiều năm liền vợ chồng chị sống trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, thậm chí cả hai đã quyết định ra tòa ly hôn. Nhận thấy gia đình chị H. đang đứng trước nguy cơ tan vỡ, tổ hòa giải thôn Đống Nải đã chủ động đến tận nhà nắm bắt tình hình, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa vợ chồng. Với vai trò như những người thân trong gia đình, các hòa giải viên đã trò chuyện với từng người, lắng nghe tâm tư và từng bước tháo gỡ những “nút thắt” trong mâu thuẫn. Nhờ sự khuyên bảo, động viên chân thành của tổ hòa giải, vợ chồng chị H. đã hàn gắn và quay về sống chung. Hiện tại, nhìn thấy gia đình chị H. hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, các thành viên tổ hòa giải đều cảm thấy vui mừng và hài lòng.
Ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Tây Hồ, cho biết: "Để nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, hàng năm UBND xã đã ban hành các kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở và kiện toàn tổ chức hòa giải viên đúng quy định. Xã cũng chú trọng tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở thông qua hội nghị, loa truyền thanh và băng rôn... Nhờ đó, thời gian qua địa bàn không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Từ năm 2024 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và giải quyết thành công 3/3 vụ việc, đạt tỷ lệ 100%.
Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”, huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; một số quy định của pháp luật về đất đai, dân sự trong hoạt động hòa giải ở cơ sở cho 336 người là đại diện MTTQ, công chức tư pháp – hộ tịch và tổ trưởng tổ hòa giải các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở các thôn, xóm, khu phố. Đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã được củng cố, kiện toàn 274 tổ hòa giải với 1.524 hòa giải viên.
Với phương châm giải quyết kịp thời các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, đội ngũ hòa giải viên huyện Thọ Xuân đã trở thành “cầu nối” tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư nhờ uy tín và tinh thần trách nhiệm cao. Các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp mà hòa giải viên tiếp nhận chủ yếu liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và đất đai. Trong quá trình hòa giải, họ không những vận dụng các quy định pháp luật mà còn kết hợp với phong tục, tập quán, tình làng, nghĩa xóm, chuẩn mực đạo đức để phân tích, giáo dục, giúp đỡ, thuyết phục các bên tự thỏa thuận giải quyết.
Trong năm 2024, các tổ hòa giải của huyện đã tiếp nhận 135 việc, trong đó hòa giải thành 123 việc, đạt tỷ lệ 91,1%. Kết quả này góp phần giảm khiếu kiện, tố cáo của Nhân dân, ổn định an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thọ Xuân.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2025-05-29 15:59:00
Học tập suốt đời - Yêu cầu tất yếu đối với giảng viên trường chính trị
-
2025-05-29 15:15:00
Nâng cao chất lượng hoạt động ban giám sát đầu tư của cộng đồng
-
2025-05-28 15:53:00
Xây dựng nếp sống văn hóa mới ở huyện Mường Lát
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng - phòng ngừa tiêu cực trong giải quyết công việc
Phản bác luận điệu xuyên tạc về sửa Hiến pháp khi tinh gọn bộ máy
Báo chí Thanh Hóa trong kỷ nguyên mới
Đi trước, đón đầu trong định hướng dư luận xã hội
Gần 4.000 tin, bài đăng trên các cơ quan báo chí về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Kiểm tra, giám sát hai chiều để ngăn ngừa vi phạm
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ cơ sở
Đảng bộ huyện Thường Xuân quan tâm xây dựng tổ chức đảng vững mạnh
Bộ CHQS hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn tăng cường hợp tác, cùng phát triển