“Cán bộ huyện xuống xã phải thích nghi, nếu không sẽ đứng sang một bên”
Đại biểu Quốc hội cho rằng đội ngũ cán bộ cấp huyện vừa qua được đào tạo và tuyển chọn bài bản, kỹ lưỡng nhưng trước đây làm ở cấp trung gian. Sắp tới, họ xuống cấp xã, trước yêu cầu gần dân, sát dân thì cũng cần thêm những kỹ năng khác và phải thích nghi.
Lựa chọn cán bộ cấp xã đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội cho rằng, khi thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập đơn vị hành chính thì vấn đề sắp xếp đội ngũ cán bộ, liên quan đến con người là nhạy cảm và phức tạp.
Theo ông, các quy định mới cũng xác định không còn “công chức suốt đời” nên ai đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thì được sử dụng. Những người có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn thể hiện rõ qua công việc hằng ngày nên có thể lựa chọn được đội ngũ thực sự đáp ứng yêu cầu.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ. Ảnh: Quốc hội
Vị đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng đội ngũ cán bộ cấp huyện vừa qua được đào tạo và tuyển chọn bài bản, kỹ lưỡng nhưng trước đây làm ở cấp trung gian. Sắp tới, họ xuống cấp xã, trước yêu cầu gần dân, sát dân thì cũng cần thêm những kỹ năng khác và phải thích nghi.
“Như anh là địa chính phải rõ từng thửa ruộng, cánh đồng; hay làm công tác xã phải rõ phải hiểu được từng thôn, thậm chí đến từng dòng họ trên địa bàn. Nếu như anh không thích nghi được thì phải đứng sang một bên”, ông Tạ Văn Hạ nói.
Đề cập yêu cầu số lượng cán bộ, công chức phải tinh giản về số lượng nhất định sau 5 năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, chúng ta làm quyết liệt, tích cực nhưng phải có lộ trình, nhất là trong công tác cán bộ. Bộ máy muốn ổn định, vận hành theo điều kiện mới cũng cần có độ trễ nhất định. Tất nhiên, cái gì đã chín, đã rõ thì làm luôn, song có cái cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng để hiệu quả hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Hoàng Anh Công cũng nhấn mạnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính để tạo dư địa phát triển của đất nước. Cơ sở phải gần dân, còn Trung ương phải định hướng được tốt để đất nước đi lên.
Ngày 14/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Trung ương đã định hướng kết thúc cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành. Đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 10.035 xuống còn 3.321 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã giảm như vậy, kéo theo số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư rất lớn.
Cho rằng việc sắp xếp, bố trí cán bộ là không đơn giản, ông Hoàng Anh Công dẫn số lượng cán bộ, công chức cấp xã mới có thể lên đến hàng trăm người nên phải tính toán. Chúng ta phải thống nhất xuyên suốt những chủ trương chung, để làm sao tạo cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục phục vụ xã hội.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng nhấn mạnh việc lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu vì “chọn đúng người thì việc hanh thông, chọn không đúng người thì việc bế tắc, có khi còn làm tổn hại đến tổ chức”.
Không để lãng phí trụ sở dôi dư
Việc sắp xếp, sáp nhập cũng dẫn đến số lượng trụ sở dôi dư là không nhỏ. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, đây là nguồn lực rất lớn nên phải có phương án sử dụng hiệu quả, trước hết như Tổng Bí thư nói là ưu tiên cho giáo dục, văn hóa, y tế - tức lĩnh vực phục vụ phúc lợi cộng đồng, an sinh xã hội. Sau khi sắp xếp theo ưu tiên, số dư còn lại có thể bán đấu giá để phát triển hiệu quả nguồn lực đất đai.
Tuy nhiên, ông Tạ Văn Hạ cũng lưu ý, các trụ sở thường có vị trí đắc địa ở trung tâm và nếu phát triển đô thị mà cứ tập trung xây chung cư thì không không chỉ áp lực về dân số, môi trường mà còn về hạ tầng. “Doanh nghiệp xây đô thị cao tầng thì Nhà nước, nhân dân phải bỏ tiền mở rộng đường, xây thêm trường học, bệnh viện để đáp ứng yêu cầu, do đó phải cân nhắc đồng bộ”, ông nói.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Hoàng Anh Công cũng nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ sắp xếp nơi làm việc của đơn vị mới, bố trí cán bộ, mà còn phải xử lý trụ sở dôi dư, không để bỏ hoang, lãng phí. Theo ông, sau khi bố trí theo ưu tiên cũng nên đặt ra phương án bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thu ngân sách, để đầu tư cho phát triển.
“Tại sao cứ để trụ sở bỏ hoang mà không nghĩ đến xã hội hóa theo quy định của pháp luật. Khi đó, chúng ta thu được nguồn ngân sách đầu tư các công trình để phát triển đất nước và địa phương”, ông Hoàng Anh Công nói.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát còn cho rằng Quốc hội nên có thông điệp trong nghị quyết sáp nhập là tạm giữ nguyên giá trị giấy tờ trong 5 năm, trừ trường hợp cấp mới. Bởi, thay đổi giấy tờ sẽ tạo xáo trộn rất lớn, người dân sẽ gặp khó khăn.
Theo VOV
{name} - {time}
-
2025-05-14 10:04:00
Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tiếp công dân của đại biểu dân cử
-
2025-05-14 06:36:00
Quốc hội thảo luận về sửa Hiến pháp và tổ chức chính quyền địa phương
-
2025-05-06 09:55:00
Phát huy hiệu quả các kỳ họp chuyên đề
Nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nâng cao chất lượng giám sát theo chuyên đề
HĐND xã Phượng Nghi đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động
“Cầu nối” giữa cử tri với Đảng và Nhà nước
HĐND huyện Hậu Lộc nâng cao chất lượng hoạt động
Đổi mới, nâng cao chất lượng thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh
Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri theo chuyên đề
Tập trung giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri
HĐND thị xã Bỉm Sơn đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động